Nhiều nhà thầu chưa khai thác hết công suất mỏ cát làm chậm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đường bộ 29/10/2024 10:18

Chủ đầu tư và các nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đã tích cực, nỗ lực, nhưng tiến độ thi công đến nay vẫn chậm so với yêu cầu.

Phải tối đa nguồn lực bù tiến độ 2 cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau - Ảnh 1.

Thi công cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang

Tiến độ vẫn chậm

Bộ GTVT vừa ban hành Thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm tại buổi kiểm tra hiện trường dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ GTVT đánh giá, các dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau cần tập trung triển khai nhằm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng tình, ủng hộ của người dân khu vực dự án, đến nay, các vấn đề khó khăn vướng mắc về công tác GPMB, nguồn vật liệu đã cơ bản được tháo gỡ.

Bộ GTVT đánh giá, chủ đầu tư, các nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát đã tích cực, nỗ lực trong công tác tổ chức thi công. Tuy nhiên, tiến độ thi công đến nay vẫn chậm so với yêu cầu, cụ thể, sản lượng đoạn Cần Thơ - Hậu Giang 48,5%/59,4%, đoạn Hậu Giang - Cà Mau 42%/53,2%.

Về nguyên nhân, Bộ GTVT cho biết, trước hết về vật liệu, tổng nhu cầu cát còn lại 5,6 triệu m3, để hoàn thành gia tải tuyến chính vào 31/12/2024, cần đưa về công trường 76.000 m3 cát/ngày.

Thực tế từ đầu tháng 10/2024, các đơn vị chỉ đưa về công trường bình quân 50.000 m3 cát/ngày (cát sông 40.000 m3/ngày, cát biển 10.000 m3/ngày); trong đó phần điều chuyển từ trục ngang mới đạt công suất 7.800 m3/13.000 m3 là chưa phát huy hết công suất và khả năng khai thác của các mỏ; việc huy động và tập kết cấp phối đá dăm gia tải để bù lại nguồn cát thiếu hụt còn chưa đáp ứng yêu cầu (bình quân phải đưa về công trường 16.000 m3/ngày, thực tế từ đầu tháng 10/2024 chỉ đưa về công trường 4.000 m3/ngày).

"Nguyên nhân chủ yếu do các nhà thầu chưa khai thác và cung ứng hết công suất từ các mỏ cát điều chuyển từ cao tốc trục ngang (Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Tập đoàn Định An, Công ty Tân Nam); Công ty VNCN E&C chưa lường trước được những khó khăn trong công tác khai thác cát biển; các đơn vị chưa chủ động trong việc điều phối cát biển để phát huy hết công suất cũng như bố trí nguồn lực tài chính để huy động cấp phối đá dăm", Bộ GTVT đánh giá.

Phải tối đa nguồn lực bù tiến độ 2 cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau - Ảnh 2.

Thi công cao tốc Hậu Giang - Cà Mau

Về công tác GPMB, địa phương đã bàn giao mặt bằng và đủ điều kiện thi công đối với tuyến chính 99,9%, tuyến nối 99%; tuy nhiên còn một số vị trí chưa thể thi công, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Cụ thể, tuyến chính còn vướng 30 m thuộc tỉnh Hậu Giang, tuyến nối còn vướng 0,2 km thuộc TP. Cần Thơ.

Về tổ chức thi công, Bộ GTVT đánh giá, các nhà thầu đã nỗ lực tăng ca, tăng kíp để triển khai thi công theo các chỉ đạo của Bộ GTVT, tiến độ thi công đã được cải thiện. Tuy nhiên, công tác tổ chức thi công vẫn thiếu đồng bộ, chưa khoa học, chưa nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Bộ GTVT. Đặc biệt, trong việc ưu tiên nguồn cát hiện có để tập trung hoàn thành gia tải các đoạn đã cắm bấc thấm; tiến độ thi công các cầu trên tuyến chưa được cải thiện, nhất là đối với các cầu không bố trí cầu công vụ cần hoàn thành để thông tuyến; công tác đúc dầm chưa đáp ứng yêu cầu.

Ngoài nguyên nhân do điều kiện thời tiết đang trong mùa mưa thì chủ yếu vẫn do các nhà thầu đứng đầu liên danh chưa phát huy được vai trò điều hành chung, công tác huy động thiết bị, nhân lực để tổ chức thi công đồng loạt các cầu trên tuyến cũng như các cầu lớn cần thông tuyến sớm và hạng mục trụ đất gia cố xi măng, đắp vật liệu dạng hạt chưa đáp ứng yêu cầu.

Cùng với đó là việc chỉ đạo điều hành của Ban QLDA Mỹ Thuận còn chưa thực sự quyết liệt, chưa chủ động nhận diện các vấn đề cần xử lý hiện trường để điều hành khoa học, hiệu quả, dẫn đến khối lượng cát đưa về công trường nhiều nhưng vẫn chưa thi công dứt điểm từng đoạn tuyến để chuyển sang giai đoạn chờ lún, đặc biệt tại dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau (mục tiêu phải sớm dỡ tải trước mùa mưa năm 2025).

Phải tối đa nguồn lực bù tiến độ 2 cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau - Ảnh 3.

Nguyên nhân tiến độ dự án chậm chủ yếu do các nhà thầu chưa khai thác và cung ứng hết công suất từ các mỏ cát điều chuyển từ cao tốc trục ngang (Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Tập đoàn Định An, Công ty Tân Nam)

Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận phải chịu trách nhiệm toàn diện

Đề cập đến các công việc cần tập trung triển khai trong thời gian tới, Bộ GTVT cho biết, mục tiêu hoàn thành 2 dự án vào cuối năm 2025 là không thay đổi, các cơ quan, đơn vị liên quan cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong việc tuân thủ và tổ chức triển khai thực hiện.

Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận nâng cao vai trò điều hành bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý dự án; chủ động nhận diện và kịp thời xử lý những vấn đề tồn tại, bất cập trong công tác triển khai thi công để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, bảo đảm mục tiêu hoàn thành gia tải vào 31/12/2024 và hoàn thành dự án vào 31/12/2025.

Ban QLDA Mỹ Thuận cần đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thi công theo đúng kế hoạch; thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch để kịp thời có giải pháp xử lý các nhà thầu, đơn vị chậm trễ.

Bộ GTVT
Giám đốc ban QLDA phải tổ chức họp kiểm điểm và đánh giá hàng tuần, chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Bộ GTVT trong việc tổ chức triển khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng thi công.

Theo yêu cầu của Bộ GTVT, về công tác GPMB, cần tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền của địa phương sớm ban hành quyết định thu hồi đất và tổ chức vận động người dân bàn giao mặt bằng để thi công các hạng mục điều chỉnh, bổ sung (cống tròn, mương nước), giải quyết dứt điểm những tồn tại để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án trong tháng 10/2024.

Về vật liệu xây dựng, đối với các mỏ mới đưa vào khai thác thuộc tỉnh Vĩnh Long, yêu cầu VNCN E&C, Tổng Công ty 36 đẩy nhanh việc huy động cát về công trường; tập trung giải quyết vướng mắc để khai thác 2 mỏ Nguyễn Tòng, Trương Đức Huy trước 20/10/2024.

Đồng thời, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận chỉ đạo các nhà thầu phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của địa phương để hoàn thành thủ tục khai thác các mỏ thuộc tỉnh Tiền Giang, Bến Tre trong tháng 10/2024.

Cùng với đó, các nhà thầu Trường Sơn, Tân Nam, Định An khai thác tối đa công suất tại 3 mỏ cát được điều phối từ cao tốc trục ngang để cung ứng cho dự án; các nhà thầu phải sử dụng tối đa nguồn cát biển để bù lại nguồn cát sông đang thiếu hụt; nhà thầu VNCN E&C tăng cường thiết bị để khai thác tối đa nguồn cát biển, ưu tiên cung ứng trước cho các nhà thầu đã đăng ký sử dụng, phần khối lượng còn thiếu, yêu cầu VNCN E&C phải tự chịu trách nhiệm và có giải pháp đồng bộ (như xử lý nền bằng cố kết hút chân không) để đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch (không tăng chi phí).

Phải tối đa nguồn lực bù tiến độ 2 cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau - Ảnh 4.

Bộ GTVT yêu cầu các nhà thầu huy động nguồn lực bù tiến độ đã chậm trễ

Huy động tối đa nguồn lực để bù tiến độ

Về công tác tổ chức thi công, Ban QLDA Mỹ Thuận chỉ đạo nhà thầu, tư vấn giám sát căn cứ khả năng cung ứng vật liệu, điều kiện thời tiết, năng suất thiết bị, lập lại tiến độ thi công chi tiết của từng nhà thầu kèm theo nhu cầu nhân vật lực, máy móc thiết bị thi công, kế hoạch tập kết vật tư cho phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo hoàn thành các gói thầu vào 31/12/2025, trong đó hoàn thành toàn bộ các cầu cũng như công tác gia tải xử lý nền đất yếu trước 31/12/2024.

Đồng thời huy động vật liệu đá dăm về công trường để thực hiện gia tải (đặc biệt các đơn vị có khối lượng lớn Trường Sơn, Tân Nam, Trung Nam, VNCN E&C, Hải Đăng, CC1) cần đưa về công trường 1,2 triệu m3 trước 31/12/2024; đẩy nhanh tiến độ tập kết đất đắp bao về công trường, đắp nền đến đâu hoàn thiện đắp bao mái taluy đến đó.

Bộ GTVT yêu cầu tập trung sửa chữa hệ thống đường công vụ, bảo đảm điều kiện khai thác bình thường; gắn trách nhiệm của từng đơn vị trong việc sửa chữa, khắc phục, không để tái diễn tình trạng hư hỏng đường công vụ ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Bộ GTVT
Yêu cầu các nhà thầu huy động đầy đủ máy móc thiết bị, nhân vật lực theo tiến độ được chấp thuận, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp để bù lại tiến độ đã chậm trễ.

Bộ GTVT cũng yêu cầu tập trung cắm bấc thấm tại các vị trí đã có công địa; tổ chức thi công đồng loạt các cống hộp lớn; sản xuất, cung ứng đủ khối lượng dầm cầu còn lại, đẩy nhanh tiến độ gác dầm; thi công trụ đất xi măng các đường đầu cầu; đắp vật liệu dạng hạt để hoàn thành đồng bộ các cầu nhằm nối thông toàn tuyến; tổ chức theo dõi, đánh giá hàng tuần theo kế hoạch đối với các đơn vị, kiên quyết xử lý nhà thầu chậm trễ theo đúng quy định của hợp đồng.

Ban QLDA Mỹ Thuận cũng cần đôn đốc các đơn vị trong công tác nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành, kịp thời giải ngân nhằm tháo gỡ tài chính. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát chất lượng công trình, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.

Đối với các nhà thầu thi công, Bộ GTVT yêu cầu thực hiện đúng, đủ, kịp thời các trách nhiệm của nhà thầu theo quy định hợp đồng và các nội dung thuộc trách nhiệm của nhà thầu như mục 2.1; bổ sung, huy động đầy đủ máy móc, thiết bị thi công, tập trung nguồn lực tài chính, nhân vật lực, tổ chức thi công tuân thủ chỉ dẫn kỹ thuật, hồ sơ thiết kế và quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu; thực hiện đầy đủ công tác đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn giao thông trong suốt quá trình thi công.

Các nhà thầu phải tăng cường, nhân sự để kịp thời hoàn thành hồ sơ nội nghiệp và thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng đã thi công, đảm bảo nguồn tài chính phục vụ thi công.

Cùng với đó là khẩn trương làm việc, phối hợp với các cơ quan liên quan của địa phương để sớm hoàn thành các thủ tục khai thác mỏ vật liệu; Công ty VNCN E&C phải chủ động các giải pháp để cấp đủ vật liệu cát đắp cho dự án, bảo đảm công suất yêu cầu.

Đối với đơn vị tư vấn giám sát, Bộ GTVT yêu cầu thực hiện công tác giám sát theo các quy định của hợp đồng và pháp luật liên quan; giám sát chặt chẽ việc huy động nhân lực, máy móc thiết bị, vật liệu đầu vào, việc tổ chức thi công của nhà thầu theo kế hoạch đã xây dựng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình đảm bảo tuân thủ theo hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án; tăng cường kiểm tra, giám sát các nhà thầu trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.

Đồng thời thực hiện công tác nghiệm thu thanh toán nhanh gọn, đúng trình tự, thủ tục; chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về kỹ thuật trong quá trình triển khai đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án.

Đối với đơn vị tư vấn thiết kế, Bộ GTVT yêu cầu thực hiện nghiêm trách nhiệm giám sát tác giả, kịp thời có mặt tại hiện trường để xử lý các hạng mục điều chỉnh, bổ sung, phát sinh trong quá trình thi công theo yêu cầu, đáp ứng tiến độ dự án.

Ngoài ra, Bộ GTVT yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng (QLĐTXD) tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị rà soát, xử lý kịp thời các vướng mắc về kỹ thuật trong quá trình thi công; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong việc tổ chức thi công theo kế hoạch, đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án.

Ý kiến của bạn

Bình luận