Bầu trời Hà Nội ở khu vực Phạm Hùng, Mỹ Đình,mờ mịt vào ngày 18/12. |
Bà Myllynen, người đứng đầu Bộ phận Chất lượng không khí, Cơ quan Môi trường khu vực Helsinki, Phần Lan, trao đổi với PV về trách nhiệm của các bên khi không khí bị ô nhiễm. Cơ quan Môi trường khu vực Helsinki được 4 thành phố gồm thủ đô Helsinki, Espoo, Kauniainen và Vantaa, lập ra.
Năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp hạng Phần Lan là nước có không khí sạch nhất thế giới. Không khí ở Khu trung tâm Helsinki và các nơi khác của Phần Lan được đánh giá sạch, theo tiêu chuẩn của châu Âu. Mật độ PM10 hàng ngày chưa từng vượt quá giới hạn cho phép từ 2006.
Khi không khí bị ô nhiễm, chính quyền khu vực Helsinki làm gì?
Nếu chất lượng không khí bất ngờ xấu đi, được nhận dạng bởi mật độ cao các chất gây ô nhiễm trên không trong ngắn hạn, chính quyền Khu trung tâm Helsinki sẽ thực hiện Kế hoạch đối phó với tình huống bất ngờ (Contingency Plan CP).
Với CP, nhà chức trách xem xét mật độ các chất ô nhiễm và thời gian chúng tồn tại (gồm nitrogen dioxide NO2, bụi mịn PM 2,5, khói và ozone O3), từ đó đưa ra các biện pháp xử lý. Thành phố Helsinki đóng vai trò điều phối các biện pháp của khu vực, đưa ra các quyết định sau khi được các thành phố khác thuộc Khu trung tâm Helsinki uỷ quyền.
Bà nói rõ hơn về CP?
Chính quyền sẽ xem xét các giai đoạn bất thường của 4 chất ô nhiễm nói trên khi áp dụng CP. Kế hoạch này gồm các biện pháp mang tính tập hợp để bảo vệ người dân.
Bước đầu tiên là báo cho các nhà chức trách khác và đưa ra các tuyên bố công khai. Khi xuất hiện tình huống cực đoan, như lượng NO2 từ khí thải giao thông tăng cao, chính quyền có thể tính đến việc cung cấp phương tiện giao thông công cộng miễn phí và hạn chế người dân sử dụng xe cơ giới cá nhân.
CP được các cơ quan liên quan phê duyệt từ giữa năm 2010. Trong 2014, CP có thêm phần Quản lý giao thông. Cơ quan Môi trường khu vực Helsinki là cơ quan chịu trách nhiệm trong duy trì kế hoạch chung này.
Biện pháp để giảm các chất ô nhiễm khác như PM10 hay PM2,5 trong CP?
Khi mật độ PM2,5 cao, có thể là có những đám cháy lớn, cháy rừng hay đất hoang ở các khu vực của Phần Lan. Cũng có thể PM2.5 bị đưa đến từ các nơi khác ở châu Âu. Tiêu chí để đánh giá PM2,5 cao là ở mức trên 40 µm/m3 trong 24 giờ và được dự báo sẽ duy trì trạng thái đó.
Chính quyền có thể áp dụng các biện pháp giúp người dân giảm tiếp xúc với PM2,5, tránh bị ô nhiễm thêm. Trong tình huống cực đoan, có thể đóng cửa các trường học.
Với PM10 (hạt bụi có kích thước đường kính từ 2,5 tới 10 µm), mật độ tăng cao trong mùa xuân hàng năm, giải pháp là làm sạch đường hiệu quả. Phần Lan dùng dung dịch Magie clorua (MgCl2) và nước để rửa đường phố. Chúng tôi cũng tăng cường liên lạc với người dân về chất lượng không khí, tác động đến sức khoẻ, các hành động đang được thực hiện, cách giảm tiếp xúc với chất ô nhiễm, cách tránh bị ô nhiễm thêm.
Việc giảm tiếp xúc với các chất ô nhiễm nhằm tránh các triệu chứng và tổn hại đến sức khoẻ là rất quan trọng.
Hiện nay, các nhân tố chính ảnh hưởng tới không khí ở Phần Lan là giao thông, trong đó có bụi trên đường phố, việc đốt củi của người dân. Ở một số khu vực, các công trường xây dựng quy mô lớn cũng làm giảm chất lượng không khí.
Khi không khí ô nhiễm, trách nhiệm của các bên liên quan là gì?
Luật của Phần Lan quy định các thành phố lớn đóng vai trò chính trong bảo đảm chất lượng không khí tốt ở quy mô địa phương.
Đạo Luật Bảo vệ Môi trường của Phần Lan, được ban hành năm 2014, quy định các thành phố cần giám sát tình trạng môi trường dựa trên các điều kiện của địa phương, bảo đảm chất lượng không khí tốt trong khu vực mình quản lý. Họ cũng cần có kế hoạch bảo vệ chất lượng không khí, giữ ô nhiễm ở dưới mức giới hạn cho phép.
Kế hoạch này cần có số liệu về mật độ chất ô nhiễm, mức độ vượt quá giới hạn, phạm vi dân cư bị ảnh hưởng, nguồn và khối lượng phát thải, các nguyên nhân sơ bộ, các biện pháp xử lý gây phát thải, các cơ quan tham gia thực hiện. Các thành phố có thể đưa ra các quy định hạn chế hoặc huỷ bỏ các hoạt động nhằm bảo vệ chất lượng không khí và tăng cường kế hoạch từ trước. Ví dụ, các thành phố có thể thay đổi kế hoạch giao thông, thậm chí cấm đường ở một số khu vực.
Đáng chú ý, các biện pháp quan trọng nhất liên quan đến các vấn đề khác, chứ không chỉ là giám sát chất lượng không khí. Cụ thể, quyết định về sử dụng đất, giao thông, sản xuất năng lượng sẽ ảnh hưởng đến phát thải và chất lượng không khí. Năng lực ban hành giấy phép liên quan đến môi trường của thành phố cho các nhà máy công nghiệp lớn là một trong những nhân tố chính ảnh hưởng đến phát thải. Việc giám sát giấy phép và hoạt động đã đăng ký cũng tác động đến phát thải.
Phần Lan đã làm gì để có chất lượng không khí tốt như hiện nay?
Chất lượng không khí của Helsinki nói chung tốt, được cải thiện qua vài thập niên qua.
Trước đây, chất lượng không khí kém ở các khu vực dân cư do đốt sưởi và rác thải. Sau đó hệ thống sưởi ấm chung đã giúp giảm phát thải và cải thiện chất lượng không khí. Các thành phố cũng cấm các hộ gia đình đốt rác thải.
Phần Lan cũng áp dụng các biện pháp chung của Liên minh châu Âu (EU). EU tăng cường các quy tắc điều chỉnh phát thải từ các phương tiện chịu thuế cao và thấp, giúp giảm phát thải giao thông, dù lưu lượng giao thông tăng. EU thực hiện các quy định chặt chẽ để giảm phát thải trong ngành công nghiệp và sản xuất năng lượng. Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) và EU tăng cường các quy định giúp giảm phát thải từ tàu thuyền.
Các nước đang phát triển có chất lượng không khí thấp là do đâu?
Ở nhiều nước đang phát triển, việc sưởi ấm của các hộ gia đình và giao thông là các nguyên nhân chính gây phát thải, dẫn tới chất lượng không khí kém ở các khu vực đông dân cư.
Các cơ sở hạ tầng công nghiệp và các nhà máy sản xuất điện bằng than cũng tạo nên phát thải nhiều hơn các cơ sở ở châu Âu. Bụi mịn PM2,5 bị chuyển từ các nước láng giềng sang khiến chúng có mật độ cao ở các khu thưa dân. Người dân cũng bị ảnh hưởng bởi chất lượng không khí kém trong nhà do nấu ăn bằng củi than hay bếp gas.
Các vấn đề cần lưu ý trong cải thiện chất lượng không khí là gì?
Pháp luật yếu hoặc thiếu (các quy định về chất lượng không khí, quy tắc về phát thải cho giao thông và các nguồn khác) sẽ gây khó khăn cho việc cải thiện chất lượng không khí. Bên cạnh đó, thiếu năng lượng sẽ dẫn đến việc đốt củi than.
Các nước cũng cần có các thoả thuận quốc tế liên quan đến vận tải đường dài để giảm lượng phát thải. Việc này đã được thực hiện ở châu Âu.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.