EDF cho biết đã ngắt kết nối một trong hai lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fessenheim, nằm dọc sông Rhine gần khu vực biên giới phía đông giáp với Đức và Thụy Sĩ vào lúc 2 giờ sáng hôm nay. Đây là công đoạn đầu tiên của việc đóng cửa hoàn toàn nhà máy điện hạt nhân này. Theo kế hoạch, lò phản ứng thứ hai sẽ ngừng hoạt động vào tháng 6 và sau vài tháng để nguội, các thanh nhiên liệu sẽ được dỡ bỏ cho tới năm 2023 thì hoàn tất. Dự kiến tới tận năm 2040, nhà máy này mới hoàn toàn đóng cửa.
Ngày 19-2, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe khẳng định rằng việc đóng cửa những nhà máy hạt nhân quá cũ là bước đi đầu tiên trong chiến lược năng lượng của Pháp để dần cân bằng lại các nguồn điện hạt nhân và năng lượng tái tạo. Cùng lúc Pháp thực hiện mục tiêu giảm lượng khí thải các-bon thông qua việc đóng cửa các nhà máy điện than vào năm 2022.
Sau khi xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011, Pháp đã tiến hành kiểm tra độ an toàn của các nhà máy hạt nhân. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng tiêu chuẩn về xây dựng và mức độ an toàn tại nhà máy điện hạt nhân Fessenheim kém rất nhiều so với nhà máy Fukushima. Ngoài ra công tác phòng chống các rủi ro như địa chấn và lũ lụt ở khu vực có nhà máy hạt nhân chưa tốt.
Vài tháng sau sự cố ở nhà máy Fukushima ở Nhật Bản, Tổng thống Pháp François Hollande đã cam kết đóng cửa nhà máy Fessenheim. Mãi đến năm 2018, chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron mới có kế hoạch cụ thể cho việc đóng cửa nhà máy này.
Theo kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo của chính phủ, Pháp sẽ xây dựng thêm nhiều tua-bin điện gió trên biển, đồng thời dự kiến đóng cửa 14 lò phản ứng hạt nhân vào năm 2035. Mục tiêu là giảm tỷ trọng của năng lượng hạt nhân xuống còn 50% trong tổng sản lượng điện của quốc gia.
Ngày 20-1, Bộ trưởng Bộ chuyển đổi sinh thái, Élisabeth Borne, cho biết chính phủ sẽ dành thêm 1,8 tỷ euro cho khí sinh học. Cùng với việc tháo dỡ một số lò phản ứng hạt nhân cũ, Pháp sẽ tăng cường phát triển các nguồn năng lượng sạch, chủ yếu là điện gió và điện Mặt trời để đạt mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 40% ngay từ năm 2030.
Pháp là quốc gia đứng hàng thứ hai thế giới về số lò phản ứng hạt nhân (58 lò phản ứng ), chỉ sau Hoa Kỳ (99 lò phản ứng). Tại Pháp, hơn 70% lượng điện là do các nhà máy hạt nhân cung cấp. Các nhà máy điện hạt nhân của Pháp có công suất tổng cộng là 63 nghìn megawatt (MW). Tỷ trọng điện hạt nhân trong sản lượng điện ở Pháp (hơn 71% ), mức cao nhất thế giới hiện nay. Toàn bộ 58 lò phản ứng đều sử dụng công nghệ "thế hệ thứ hai," lò phản ứng nước áp lực và do EDF quản lý.
Trong số các nhà máy hạt nhân còn hoạt động của Pháp, cũ nhất chính là nhà máy Fessenheim ở vùng Haut-Rhin, nằm dọc theo sông Rhin. Đa số các nhà máy điện hạt nhân hiện nay đã được đưa vào hoạt động trong thập niên 1980, hai nhà máy điện mới nhất thì bắt đầu sản xuất điện vào năm 2000 và 2002. Một lò phản ứng EPR (lò phản ứng thế hệ thứ ba) đang được xây dựng từ năm 2007 ở Flamanville.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.