"Phạt nguội" người đi xe máy vi phạm được không? – Kỳ cuối: Định danh chính chủ phương tiện

An toàn giao thông 13/06/2024 06:11

Là loại phương tiện khá phổ biến ở Việt Nam, tỷ lệ TNGT cao nên để "phạt nguội" người điều khiển xe máy vi phạm giao thông, theo nhiều chuyên gia, cần nhất là định danh được chính chủ phương tiện, có như vậy mới tăng hiệu quả chế tài.

Đã có biển số định danh

Chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ Quận 3, TP. HCM) bày tỏ quan điểm: Hiện nay có tình trạng người đi xe máy vô tư vi phạm Luật GTĐB như vừa chạy xe vừa nghe điện thoại; đi vào đường cấm, ngược chiều, chuyển hướng không báo trước; học sinh chưa đủ tuổi đi xe phân khối lớn…

"Để hạn chế TNGT, tôi rất ủng hộ lực lượng chức năng tăng cường "phạt nguội" để người dân thay đổi thói quen và chấp hành đúng quy định khi tham gia giao thông", chị Hoa nêu ý kiến.

"Phạt nguội" người đi xe máy vi phạm được không? – Kỳ cuối: Định danh chính chủ phương tiện- Ảnh 1.
"Phạt nguội" người đi xe máy vi phạm được không? – Kỳ cuối: Định danh chính chủ phương tiện- Ảnh 2.
"Phạt nguội" người đi xe máy vi phạm được không? – Kỳ cuối: Định danh chính chủ phương tiện- Ảnh 3.

Một số hình ảnh người điều khiển xe máy vào đường cấm, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ tại một số tuyến đường ở TP. HCM. Ảnh: Văn Quyết

Theo lãnh đạo Đội CSGT Hàng Xanh (Phòng CSGT Công an TP. HCM), "phạt nguội" đối với người điều khiển xe máy vi phạm thường khó hơn ôtô bởi khó tìm được chủ phương tiện. Bên cạnh đó, đa phần xe máy ở TP. HCM được bán giấy tay, qua nhiều đời chủ nên lực lượng chức năng rất khó xác minh, xử lý.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP. HCM cho biết, Nhà nước định danh điện tử vào biển số xe máy là hợp lý. Có biển số định danh thì sẽ dễ dàng xác định chủ xe đó tên gì, ở đâu, địa chỉ cụ thể rõ ràng. Vì vậy, khi phát hiện vi phạm giao thông cứ ghi hình lại, sau đó gửi hình ảnh vi phạm, thông báo phạt về tận nhà. Mạnh tay "phạt nguội" người điều khiển xe máy vi phạm giao thông là cần thiết. 

"Làm mạnh, kiên quyết thì ý thức tham gia giao thông của người dân sẽ dần được nâng cao. Nếu chủ xe máy vi phạm không nộp phạt thì không được đăng ký biển số mới. Có biển số định danh thì cơ quan chức năng dễ quản lý", Thượng tá Hà cho hay.

Tại Bắc Giang, một trong những địa phương điển hình làm tốt việc "phạt nguội" người đi xe máy vi phạm, ngoài việc phát huy vai trò của công an xã, thị trấn và hệ thống truyền thanh cơ sở, các trang mạng xã hội, theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh, hiện nay lực lượng CSGT đã triển khai định danh biển số. Đây là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để xác minh, xử phạt. Đối với các xe máy chưa có đủ thông tin chủ xe, lực lượng CSGT tiến hành cập nhật, bổ sung dữ liệu thông tin chủ xe, căn cước công dân, số điện thoại...

"Thời gian tới, khi toàn bộ dữ liệu chủ xe được đồng bộ, bổ sung tạo hành lang pháp lý quan trọng để xử phạt nguội người đi xe máy vi phạm", Thiếu tá Giáp Văn Khương, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang chia sẻ và cho biết, cùng với định danh biển số xe hiện nay, việc tổng rà soát thông tin chủ phương tiện là rất cần thiết, tăng hiệu quả trong xử lý vi phạm.

Ngoài ra, thông báo "phạt nguội" có thể được lưu vết lên cơ sở dữ liệu dân cư để tiện tra cứu. Điều này là cần thiết, nên làm vì VNeID cũng là một kênh thông tin hữu ích, quan trọng để chủ sở hữu phương tiện và người điều khiển phương tiện biết vi phạm của mình để chủ động đến cơ quan công an xử lý.

Cần định danh chính chủ phương tiện

"Phạt nguội" người đi xe máy vi phạm được không? – Kỳ cuối: Định danh chính chủ phương tiện- Ảnh 4.
"Phạt nguội" người đi xe máy vi phạm được không? – Kỳ cuối: Định danh chính chủ phương tiện- Ảnh 5.
"Phạt nguội" người đi xe máy vi phạm được không? – Kỳ cuối: Định danh chính chủ phương tiện- Ảnh 6.

Người đi xe máy lưu thông trong làn BRT tại Hà Nội. Ảnh: Văn Huế

Theo TS. Phan Lê Bình, Phó trưởng đại diện Văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản, một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về giao thông ở Việt Nam, những năm gần đây, nhờ sự quyết liệt trong việc triển khai "phạt nguội" ôtô, nhiều tài xế, chủ phương tiện đã có ý thức hơn rất nhiều. Chẳng hạn như với làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh (BRT), khi Hà Nội thông báo "phạt nguội" phương tiện đi vào làn BRT, hầu như không còn tình trạng ôtô lưu thông vào làn đường ưu tiên này.

"Nếu chúng ta triển khai "phạt nguội" được với xe máy thì nhiều người sẽ có ý thức tham gia giao thông, giảm tình trạng bất chấp nguy hiểm, vượt đèn đỏ hay đi ngược chiều… Tuy nhiên, bài toán đặt ra, chúng ta cần phải định danh chính chủ được toàn bộ xe máy hiện nay. Đối với ôtô, chủ phương tiện phải nộp phạt vi phạm mới được đăng kiểm để lưu thông, còn xe máy thì làm thế nào để có thể xử phạt cũng là việc cần phải tính toán", TS. Phan Lê Bình cho hay.

Trong khi đó, cùng quan điểm về việc trước tiên cần phải định danh chính chủ tất cả xe máy, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, hiện nay ở Việt Nam, xe máy hay ôtô được coi là tài sản của người dân. Còn ở một số nước khác, xe máy hay ôtô được coi là phương tiện giao thông đi lại.

"Chính vì thế, khi sang tên đổi chủ, ở một số nước không có quy định tính thuế trên giá trị của mỗi phương tiện. Nếu chúng ta nghiên cứu việc này, tạo cơ chế tốt hơn thì phần nào sẽ khuyến khích được người dân thực hiện việc sang tên đổi chủ phương tiện cá nhân", ông Tạo nói và đề xuất nên có quy định gắn thêm trách nhiệm của chủ phương tiện.

"Hiện nay, chủ xe chỉ có trách nhiệm giải trình, phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh ai là người đang sử dụng phương tiện trong trường hợp vi phạm. Nhưng tiến tới, chúng ta cũng cần phải quy định cả chủ xe cũng phải nộp phạt khi người điều khiển chiếc xe vi phạm. Có như vậy, phần nào sẽ giảm bớt tình trạng nhiều xe máy không chính chủ như hiện nay", TS. Khương Kim Tạo đề xuất thêm.

Từ giữa tháng 9/2023, Công an tỉnh Vĩnh Phúc triển khai "phạt nguội", đến nay phát hiện gần 5,9 triệu lượt người đi xe máy vi phạm các lỗi như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, đơn vị này mới xử lý được gần 1.800 trường hợp.

Tại TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), qua hơn 7 tháng triển khai "phạt nguội", đến nay Cảnh sát giao thông TP. Vĩnh Yên phát hiện 1.600 người đi xe máy trong số hơn 8.100 phương tiện vi phạm thông qua hệ thống camera trên đường. Song đơn vị mới xử lý được hơn 780 phương tiện, phần lớn là ôtô, với số tiền xử phạt hơn 3 tỷ đồng.