Đến năm 2030 các cảng biển Việt Nam sẽ bắt buộc phải tuân thủ các tiêu chí cảng xanh. (Anh minh họa) |
Chiều 2/12, Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Cảng thông minh và cảng xanh: Hướng phát triển cho cảng Việt Nam”.
Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho biết hệ thống cảng biển Việt Nam hiện phân thành 6 nhóm, với 45 cảng biển đang hoạt động được đầu tư đồng bộ theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Trong đó, khu vực Cái Mép - Thị Vải có thể tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 200.000 DWT. Hiện nay, tổng số bến cảng được công bố là 286 bến cảng với tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. Hàng năm, lượng hàng hoá thông qua cảng biển đều tăng trưởng hai con số. Riêng năm 2020, dự kiến sản lượng hàng hoá qua cảng biển Việt Nam đạt khoảng 700 triệu tấn.
Bên cạnh chức năng cung cấp các dịch vụ liên quan đến vận tải, luân chuyển và phân phối hàng hóa và hành khách, cảng biển cũng là đầu mối để vận chuyển khoảng 20% lượng chất thải và chất thải trên toàn cầu đổ ra biển. Cảng càng lớn và càng bận rộn, nguy cơ ô nhiễm ở các cảng đó càng cao. Đồng thời hiện nay, mạng lưới khai thác,vận hành cảng và logistics toàn cầu cũng ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức, từ áp lực về việc cắt giảm chi phí vận hành, đến việc đảm bảo các biện pháp an ninh phù hợp từ việc đối mặt với áp lực chuyển đổi dần theo “hướng xanh hóa” và chống lại biến đổi khí hậu, đến việc làm cách nào để theo dõi và sử dụng lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra hàng ngày.
Theo ông Giang, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, hoạt động khai thác cảng biển trên thế giới đang được “xanh hóa” theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế. Đây là xu hướng chiến lược trong sự phát triển cảng biển trên thế giới nhằm kiểm soát các tác nhân gây ô nhiễm, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phòng ngừa tốt các sự cố, rủi ro môi trường, hạn chế phát thải các chất gây hiệu ứng nhà kính, giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu.
Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang phát biểu tại hội thảo. |
“Mô hình mới về sự tăng trưởng xanh là một cơ hội để chúng ta vừa đảm bảo các lợi ích về kinh tế vừa bảo toàn môi trường, giữ màu xanh bền vững. Thực tế tại các nước phát triển cho thấy, càng phát triển xanh thì càng thu được lợi ích kinh tế lớn, qui mô cảng càng lớn thì môi trường lại càng xanh nếu chúng ta có mô hình phát triển xanh đúng đắn”, ông Hoàng Hồng Giang khẳng định.
Bà Trần Thị Tú Anh, Phó Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, Cục đã xây dựng Đề án phát triển cảng biển xanh tại Việt Nam. Đến tháng 10 năm 2020, Bộ GTVT đã phê duyệt đề án và giao Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Cảng biển Việt Nam và các doanh nghiệp cảng biển triển khai thực hiện.
Theo bà Tú Anh, Đề án đã xây dựng lộ trình cụ thể với những tiêu chí rõ ràng để đến năm 2030 triển khai áp dụng bắt buộc tiêu chí cảng xanh tại Việt Nam. Để được công nhận là cảng biển xanh, các doanh nghiệp cảng biển phải đáp ứng được 6 nhóm tiêu chí chính với thang điểm cụ thể, gồm: Nhận thức về cảng xanh (điểm tối đa là 5 điểm), Sử dụng tài nguyên (điểm tối đa là 15 điểm), Quản lý chất lượng môi trường (điểm tối đa là 50 điểm), sử dụng năng lượng (điểm tối đa là 15 điểm), ứng dụng công nghệ thông tin (điểm tối đa là 5 điểm), giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng (điểm tối đa là 10 điểm). Để được xem xét công nhận cảng xanh, cảng biển phải đạt được tối thiểu 60% số điểm của các tiêu chí (đạt tổng điểm tối thiểu 60/100 điểm).
Là đơn vị đơn vị sở hữu cảng biển đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC (Cảng Tân Cảng Cát Lái), bà Phạm Thị Thúy Vân, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chia sẻ đơn vị đã tập trung nghiên cứu xác định tiêu chí chất lượng môi trường cảng cần đạt được từ đó đưa ra lộ trình thực hiện nhằm đáp ứng định hướng đầu tư, xây dựng và phát triển cảng;xử lý phân loại chất thải tại cảng; ứng dụng công nghệ 4.0; tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường như sử dụng e-RTG, e-forklift, lắp pin năng lượng mặt trời tại các mái nhà kho và đơn vị đang tiếp tục nhiên cứu xây dựng vận hành điện bờ cho các tàu ghé cảng.
“Tại cảng của chúng tôi, công tác giao nhận hoàn toàn thông qua chứng từ điện tử, thanh toán trực tuyến, lệnh giao hàng điện tử… Áp dụng giải pháp này đã giúp giảm thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng từ 13 phút xuống còn 6 phút, thời gian thông quan hải quan điện tử giảm 2 phút/container và hơn hết là triệt tiêu văn bản giấy tại cảng, khoảng 30.000 đến 50.000 tờ/ngày”, bà Vân cho biết.
Trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục xúc tiến nghiên cứu xây dựng hệ sinh thái số, là hệ thống trung gian giúp kết nối hệ thống của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực cảng biển; từng bước tự động hóa dây chuyền sản xuất, xây dựng hệ thống báo cáo thông minh với ứng dụng Big Data hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định kinh doanh, hoạch định chính sách, thử nghiệm trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc khách hàng; lắp đặt máy đo quan trắc không khí tại các cơ sở cảng thuộc Tân Cảng…
Tại hội thảo, ông Richard Willis, Giám đốc lĩnh vực khai thác và công nghệ cảng biển thuộc Royal Haskoning DHV cho biết, Cảng thông minh là cảng vận hành tiết kiệm được cả năng lực, tài chính, thời gian và không gian. Trong đó, “số hóa” dữ liệu là một trong những yếu tố then chốt. Dữ liệu được số hóa này phải được liên thông giữa các doanh nghiệp cảng và đơn vị quản lý để đưa ra quyết định vận hành hợp lý.
Còn theo ông Martijn Coopman, Giám đốc chương trình chuyển đổi năng lượng Cảng Rotterdam (Hà Lan) chia sẻ hiện nay tại cảng này đang triển khai dịch vụ không khí thải. Đó là việc sử dụng đội tàu vận tải xanh và trung tính với khí hậu. Đây là những tàu vận tải chạy bằng ắc quy trung tính carbon (không thải CO2), có khả năng chạy không cần giám sát, được thiết kế để hoạt động độc lập. Khi đến cảng container, ắc quy có thể được thay đổi hoặc sạc trong bốn giờ. Các ắc quy được nạp trên bờ bởi nhà cung cấp năng lượng không có carbon Enerco (năng lượng mặt trời, cối xay gió và năng lượng tái tạo khác). Các doanh nghiệp vận tải sử dụng phương tiện này chỉ phải chi trả cho năng lượng sử dụng và không phải đầu tư vào công nghệ năng lượng. Các doanh nghiệp cỡ vừa có thể sạc và chuyển đội tàu tại các vị trí sạc. Trong tương lai, khi giải pháp này được áp dụng rộng rãi, một mạng lưới các điểm sạc sẽ cho phép các doanh nghiệp vận tải đi khắp các lục địa mà không phát sinh khí thải.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.