Tái cơ cấu vận tải
Phát huy tinh thần “Đi trước mở đường”, những năm qua thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành GTVT đã có bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển mọi mặt của đất nước. Tuy nhiên so với nhu cầu, GTVT nói chung và lĩnh vực vận tải nói riêng vẫn còn những hạn chế như: Cơ cấu phát triển các phương thức vận tải chưa hợp lý, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của từng phương thức vận tải, kết nối giữa các phương thức vận tải còn yếu, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, năng lực của các doanh nghiệp còn hạn chế…
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, Bộ GTVT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành GTVT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020 (Quyết định số 1210/QĐ- TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó tập trung tái cơ cấu 4 lĩnh vực trụ cột, đó là tái cơ cấu, đổi mới thể chế, chính sách phát triển GTVT, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu vận tải.
Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu vận tải, Bộ GTVT đã phê duyệt các đề án tái cơ cấu vận tải cho từng lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không giai đoạn đến năm 2020 với định hướng phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa, đặc biệt trên các hành lang vận tải chính, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, xây dựng thể chế, chính sách để phát triển vận tải đa phương thức, logistics và kết nối hiệu quả các phương thức vận tải, cụ thể:
Đối với đường bộ: Phát huy lợi thế của vận tải đường bộ trong gom hàng, tạo chân hàng, vận chuyển hàng hóa, hành khách với cự ly ngắn và trung bình; giảm thị phần vận tải đường bộ liên tỉnh, chia sẻ thị phần cho các phương thức vận tải khác; ưu tiên phương tiện vận tải công cộng, phương tiện thân thiện với môi trường.
Đối với đường sắt: Chủ yếu đảm nhận vận tải hàng hóa đường dài hoặc trung bình, khối lượng lớn; vận tải hành khách đường dài, hành khách liên tỉnh và vận tải hành khách công cộng đô thị tại các thành phố lớn; tăng thị phần đảm nhận của vận tải đường sắt trên các hành lang vận tải chủ yếu.
Đối với đường thủy nội địa: Chủ yếu đảm nhận vận tải hàng rời khối lượng lớn (than, xi măng, phân bón, thép…) với chi phí thấp, hàng siêu trường, siêu trọng, vận tải chuyển tiếp phục vụ nông nghiệp và nông thôn; tăng thị phần đảm nhận của vận tải đường thủy nội địa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, vận tải pha sông biển.
Đối với hàng hải: Chủ yếu đảm nhận vận chuyển hàng hóa viễn dương, các tuyến ven biển, nhất là vận tải Bắc - Nam, vận tải than nhập khẩu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, vận chuyển dầu thô phục vụ các nhà máy lọc hóa dầu; nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lên 25 - 30%; phát triển tuyến vận tải hành khách ven biển, hải đảo; chú trọng đầu tư đảm bảo sự kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng giao thông quốc gia và đầu mối logistics ở khu vực, phát triển kết cấu hạ tầng hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics.
Đối với hàng không: Chủ yếu đảm nhận vận tải hành khách đường dài, quốc tế và hàng hóa có giá trị kinh tế cao; phát triển vận tải hàng không trở thành phương thức vận tải an toàn và thuận tiện theo hướng thị trường mở, gắn liền với thị trường vận tải hàng không khu vực và thế giới; tăng thị phần vận tải hành khách quốc tế.
Bước đầu, các giải pháp theo định hướng nêu trên đã góp phần đạt được một số kết quả như: Về sản lượng vận tải có mức tăng trưởng cao qua các năm, đặc biệt năm 2018 có sự tăng trưởng mạnh, đạt 1.634 triệu tấn hàng, tăng 10%; đạt 4.641 triệu lượt hành khách, tăng 10,7% so với năm 2017; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 306 tỷ tấn.km, luân chuyển hành khách đạt 207 tỷ lượt HK.km, tăng 7,6% về luân chuyển hàng hóa và tăng 10,9% về luân chuyển hành khách so với năm 2017. Sản lượng vận tải 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1.244,52 triệu tấn hàng, tăng 8,8%; đạt 3.792,46 triệu lượt hành khách, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 237,92 tỷ Tấn.km, luân chuyển hành khách ước đạt 177,21 tỷ HK.km, tăng 7,4% về luân chuyển hàng hóa và tăng 9,8% về luân chuyển hành khách so với cùng kỳ năm 2018. Riêng tháng 9/2019, tổng sản lượng vận tải ước đạt 141,81 triệu tấn hàng và 436,64 triệu lượt hành khách; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 27,4 tỷ Tấn.km, luân chuyển hành khách đạt 21,38 tỷ HK.km.
Kết nối đồng bộ - phát huy hiệu quả
Một đoạn trên tuyến La Sơn - Túy Loan |
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, để phát triển hài hòa các phương thức vận tải, phát huy hiệu quả, đặc biệt là phương thức vận tải khối lượng lớn, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, Bộ GTVT tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như:
Hoàn thiện hệ thống QPPL, cơ chế chính sách tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải; đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính trong lĩnh vực vận tải; xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng, vận tải đa phương thức, vận tải hàng hóa khối lượng lớn trên các hành lang chính phù hợp với thực tiễn phát triển; xây dựng cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải (cảng cạn, cảng biển, cảng thủy nội địa, trạm dừng nghỉ…); tổ chức thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành GTVT, quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt; gắn kết các mục tiêu, giải pháp và tổ chức thực hiện chiến lược, giải pháp thực hiện tái cơ cấu vận tải.
Các loại hình sẽ tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; tập trung hoàn thành điều chỉnh quy hoạch phát triển trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở hoàn thiện quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn; triển khai thực hiện kêu gọi đầu tư hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt; ưu tiên đầu tư các cảng cạn là các đầu mối tổ chức vận tải đa phương thức và cung cấp dịch vụ logistics, kết nối các phương thức vận tải.
Ngành sẽ nghiên cứu, xây dựng các trung tâm logistics hàng không gắn liền với Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, các khu dịch vụ logistics sau cảng tại các cảng cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu (Cái Mép - Thị Vải) và Hải Phòng (Lạch Huyện); cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới các ga đường sắt đầu mối hàng hóa tại Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng...; triển khai đầu tư xây dựng cảng container Phù Đổng nhằm phát triển vận tải container đường thủy nội địa từ cảng Hải Phòng về các địa phương khu vực phía Bắc; tăng cường, đẩy mạnh phát triển vận tải container thông qua việc nâng cấp, đầu tư trang thiết bị bốc xếp container tại các cảng đầu cuối, phát triển phương tiện vận tải chuyên dụng; tập trung giải quyết dứt điểm các nút thắt, các điểm tắc nghẽn trên các tuyến đường thủy nội địa huyết mạch như các cầu có tĩnh không thấp, các đoạn tuyến sông chính cần xây dựng, mở rộng để tăng tốc độ lưu thông phương tiện…
Khuyến khích, tạo thuận lợi các doanh nghiệp dịch vụ logistics, các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển lớn chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường bộ để cung cấp các dịch vụ vận tải đa phương thức và các dịch vụ logistics trọn gói; nâng cao năng lực của các doanh nghiệp đường sắt, đường thủy nội địa trong việc đầu tư phương tiện và cung cấp các dịch vụ vận tải, kho bãi, giao nhận container; khuyến khích các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng sử dụng sàn giao dịch vận tải; tiếp tục tăng cường hoạt động của tuyến vận tải sông pha biển; khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có; ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình có tính trọng yếu để tạo sự đột phá trong phát triển vận tải và thực hiện tái cơ cấu vận tải.
Một trong những giải pháp quan trọng là cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ, tăng cường kiểm soát tải trọng tại các ga, cảng, kho bãi... bốc xếp hàng hóa; tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm khai thác hiệu quả các cảng cửa ngõ quốc tế khu vực Cái Mép - Thị Vải; triển khai các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng quan trọng làm nền tảng cho tái cơ cấu vận tải như: Cảng Lạch Huyện, kênh Quan Chánh Bố, kênh Chợ Gạo; tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; nâng cấp hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam, ưu tiên các đoạn Hà Nội - Vinh, TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang; tiếp tục đầu tư để đưa vào khai thác toàn tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn; xây dựng các tuyến đường sắt kết nối với các cảng Lạch Huyện, Nghi Sơn, Thị Vải…; đầu tư nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nghiên cứu xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng UTGT; xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Bên cạnh đó, Ngành sẽ xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư các dịch vụ vận tải với sự hỗ trợ của Nhà nước về cấp đất, ưu đãi thuế, vốn vay...; triển khai thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt và có hiệu quả các đề án xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đã được phê duyệt; đẩy mạnh chính sách xã hội hóa trong kinh doanh vận tải đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; thu hút mạnh các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư hoặc liên doanh, liên kết đầu tư hạ tầng, phương tiện và khai thác, kinh doanh vận tải đường sắt; kêu gọi xã hội hóa đầu tư nâng cấp cải tạo kho, bãi hàng, đầu tư thiết bị xếp dỡ... tại các ga đường sắt.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải, quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hoạt động vận tải của các phương thức, thống kê số liệu vận tải; các phần mềm quản lý hoạt động vận tải, quản lý phương tiện, quản lý hoạt động của sàn giao dịch vận tải..., đảm bảo đồng bộ thống nhất, kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các đơn vị kinh doanh vận tải trong toàn quốc. Đồng thời, các đơn vị cần đổi mới phương tiện vận tải nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm quản lý phát triển giao thông đô thị ở các thành phố lớn; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là các loại hình vận tải nhanh, khối lượng lớn; hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực vận tải
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.