Hội nghị lần này đã thu hút hơn 500 đại biểu trong nước, quốc tế tham dự với nhiều tham luận tâm huyết nhằm nâng cao ATGT tại Việt Nam. Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ tịch UBATGT QG Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển GTVT là động lực phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó là nguy cơ mất cân bằng giữa nhu cầu giao thông với năng lực cung ứng về hạ tầng, dịch vụ, cũng như các mặt trái do hoạt động giao thông vận tải gây ra. Những năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực, cố gắng thông qua việc ban hành nhiều nghị quyết, nghị định, chỉ thị tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt hàng loạt các giải pháp khác nhau tập trung vào ba nhóm quan trọng gồm: phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông công cộng và tổ chức quản lý giao thông để hạn chế ùn tắc, tai nạn. Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT còn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản (dù số người chết năm 2012 giảm khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2011). Chính phủ Việt Nam cam kết đến năm 2020 giảm 50% số vụ tai nạn, số người chết do tai nạn so với năm 2011. Giám đốc WB tại Việt Nam Victocria Kwakwa cũng đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện ATGT, trong đó xác định đây là mục tiêu ưu tiên quốc gia.
Tại hội nghị này, từng tiểu ban đã thẳng thắn đánh giá những mặt được, hạn chế, từ đó xây dựng đề án, chính sách chiến lược bảo đảm ATGT QG. Nhận thức, ý thức của người tham gia, điều khiển phương tiện giao thông còn hạn chế là nguyên nhân quan trọng khiến số vụ tai nạn, số người tử vong, số người bị thương do TNGT còn cao. Nguyên Chánh Văn phòng UBATGT QG Thân Văn Thanh cho biết, từ 93% đến 97% số vụ tai nạn giao thông do con người gây ra, trong đó chỉ có khoảng 30% người tham gia giao thông hiểu biết pháp luật nhưng vẫn cố tình vi phạm. Như vậy, hậu quả do chính con người gây ra. Tuy nhiên, điều kiện hạ tầng, công tác quản lý điều hành giao thông còn không ít bất cập; chất lượng hạ tầng giao thông kém, thiếu đồng bộ do xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau, theo những tiêu chuẩn khác nhau cũng là tác nhân không nhỏ gây ra tai nạn. Trong khi đó, giao thông ở nước ta là phức hợp, việc phân làn, dành đường riêng cho từng loại phương tiện rất hạn chế. Thạc sĩ Lê Văn Đạt, Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết, Malaysia dành đường riêng cho xe máy, nhờ đó giảm 39% tai nạn. Đó là chưa kể chất lượng hạ tầng còn không ít hạn chế, ngay cả ở tiêu chí độ bằng phẳng tại một số dự án đường cao tốc. PGS.TS Nguyễn Quang Toàn và TS Trần Thị Thu Hà cảnh báo nên thận trọng khi khai thác đường ô tô cao tốc ngay khi đạt tiêu chuẩn. Đáng tiếc, không ít người tham gia giao thông lại chưa nhận thức đúng vấn đề.
Chất lượng hạ tầng còn hạn chế, công tác sơ cấp cứu chưa đáp ứng nhu cầu, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông kém, nhưng việc quản lý, điều hành giao thông, chất lượng phương tiện cũng chưa ổn. Tham nhũng trong cưỡng chế giao thông đường bộ thực sự là vấn nạn nhức nhối và được “điểm danh” đứng đầu trong những lĩnh vực tham nhũng. Đây là lý do khiến không ít tham luận trong tiểu ban quản lý ATGT kiến nghị cần nâng cấp đường bộ và xử lý vi phạm qua hình ảnh để hạn chế tiêu cực; bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Theo TS Nguyễn Thanh Phong, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển GTVT, phát triển bền vững các giải pháp và chính sách an toàn giao thông đường bộ đáp ứng các yêu cầu hiện tại và tương lai; giảm TNGT và UTGT đường bộ một cách bền vững, tiến tới xây dựng một xã hội có giao thông an toàn, văn minh, hiện đại, thân thiện và bền vững; đây là mục tiêu tổng quát của ”Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 24 tháng 10 năm 2012. Đồng quan điểm, ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới cũng đều hướng tới một nền kinh tế phát triển, xã hội văn minh. Song song với mục đích đó đòi hỏi các quốc gia phải có hệ thống phương tiện an toàn, thân thiện với môi trường cùng với một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại. Từ năm 1995, Bộ GTVT đã giao Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức việc quản lý và kiểm tra các phương tiện giao thông. Kể từ đó đến nay, Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện đúng và tốt các nhiệm vụ được giao. Các phương tiện ô tô, xe máy sản xuất, lắp ráp được kiểm tra, kiểm soát từ khâu thiết kế. Các phương tiện nhập khẩu được kiểm tra, kiểm soát từ nguồn. Chia sẻ kinh nghiệm của Đức về vấn đề ATGT GS. TS Ing.Reinhold Maier, Trường Đại học Kỹ thuật Dresden, ở các quốc gia châu Âu, hàng năm có đến 14.000 người tử vong và 2010 số lượng tử vong, bị thương tăng lên. Nhiều bên liên quan cũng có những cố gắng để đảm bảo ATGT nhưng tỷ lệ bị thương vẫn tăng. GS TS. Ing.Reinhold Maier nhấn mạnh, điều kiện dân số cũng ảnh hưởng đến vấn đề ATGT. Chặng đường tham gia giao thông cũng là nguyên nhân cần quan tâm khi tham gia giao thông, nhiều phương tiện tham gia GT cũng là nguyên nhân gây mất ATGT. Các khách bộ hành chiếm 14% số lượng tử vong. 75% của các vụ va chạm trầm trọng là do khách bộ hành và người đi xe đạp. Chính vì vậy, cần có những giải pháp tổng thể để tránh xảy ra rủi ro về TNGT như: điều kiện cở sở hạ tầng giao thông, ý thức của người tham gia giao thông, cải thiện kết hợp hài hòa, cải thiện hơn.
Một yếu tố quan trọng giảm UTGT và TNGT là văn hoá giao thông. Theo GS Hoàng Chương, nhận thức về văn hóa giao thông trong dư luận xã hội còn nhiều hạn chế, trên các phương tiện thông tin đại chúng còn phiến diện, dường như chỉ tập trung vào ý thức văn hóa, tinh thần chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao. Từ đó, nội dung xây dựng văn hóa giao thông cũng chỉ nhằm vào vận động mọi người chấp hành tốt luật giao thông và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Một trong những lý do khiến việc xây dựng văn hóa giao thông chậm tiến triển là do chúng ta chưa quan niệm đầy đủ các thành tố tạo nên văn hóa giao thông cũng như mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố đó nên chưa xác định đúng khâu then chốt và đột phá trong quá trình xây dựng văn hóa giao thông.
Trong ý nghĩa chung nhất, văn hóa giao thông cần được coi là một tập hợp những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra theo lý tưởng chân thiện mỹ trên lĩnh vực giao thông. Nói đến văn hóa giao thông là nói đến cái phải, cái đẹp, cái thiện của con người trong quá trình xây dựng, sử dụng các công trình, phương tiện giao thông, trong xây dựng và thực thi pháp luật về giao thông và trong tham gia giao thông. Văn hóa giao thông vừa là động lực, vừa là mục tiêu tạo nên một hệ thống giao thông hiện đại, văn minh, hiệu quả, một môi trường giao thông an toàn, nhân ái, thân thiện.
Văn hoá giao thông là một phần quan trọng của sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và là một trong những thước đo về trình độ văn hóa, văn hiến của dân tộc, là một lĩnh vực thể hiện rõ danh dự của tổ quốc, nhân phẩm của con người Việt Nam như nhiều học giả lớn của đất nước khẳng định trong các hội thảo về văn hóa giao thông vừa qua…
Các tham luận, góp ý tại hội nghị thực sự là bài học kinh nghiệm từ nghiên cứu khoa học, lý luận đến thực tiễn để các cơ quan chức năng tham khảo, xây dựng đề án, chính sách, chiến lược bảo đảm ATGT như mong muốn của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu khai mạc hội thảo. Thông qua hội nghị này, các cơ quan chức năng cần thẳng thắn nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý, điều hành. Người tham gia giao thông không có cơ hội “lên tiếng” tại hội nghị, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các cơ quan hữu trách đã làm tròn trách nhiệm. Đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan thì dễ, nhưng nhìn lại vai trò, trách nhiệm của mình để khắc phục tình trạng mất ATGT sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Hoàng Thạch
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.