Hoàn thiện Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST theo tinh thần Đại hội XIII
Hội thảo"Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vùng Bắc Trung Bộ" đã tập trung trao đổi, thảo luận các giải pháp triển khai thực hiện Chiến lược, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) và quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KHCN và ĐMST tại vùng Bắc Trung Bộ sao cho hiệu quả, thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng Bắc Trung Bộ nhanh và bền vững trong thời gian tới đây.
Tại Hội thảo, ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN) đã giới thiệu tóm tắt Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030 và Hướng dẫn xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh (gọi tắt là Chiến lược).
"Chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ riêng với ngành KHCN mà còn với toàn thể hệ thống chính trị bởi vai trò của KHCN&ĐMST trong 10 năm tới là đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế", ông Hoàng Minh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hoàng Minh, các nội dung của Chiến lược được xây dựng trên cơ sở khoa học, có căn cứ thực tiễn và đồng bộ với những nội dung có liên quan trong các văn bản của Đảng và Nhà nước đã ban hành về định hướng phát triển kinh tế xã hội và KHCN&ĐMST, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030; kế thừa có chọn lọc các nội dung của Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020; bổ sung nội hàm "đổi mới sáng tạo" để phù hợp với bối cảnh mới và tham khảo Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST của một số quốc gia,…
Các quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được trình bày trong Chiến lược sẽ có tác động tích cực, phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn trong phát triển KH,CN&ĐMST và đóng góp của KH,CN&ĐMST vào phát triển KT-XH của nước ta. Qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã được khẳng định trong Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030, quyết định đưa Việt Nam nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh, đi tắt, đón đầu để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, thực hiện khát vọng phát triển thịnh vượng và hùng cường.
"Trong thời gian tới, để có thể thực hiện thành công các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KH,CN&ĐMST không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của ngành KH&CN mà còn cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự chung tay, góp sức của tất cả các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội", ông Hoàng Minh bày tỏ.
Đối với Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh (PII) là một bức tranh tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển KT-XH dựa trên KHCN&ĐMST của từng địa phương; chỉ rõ các điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển KT-XH của từng địa phương; cung cấp cơ sở khoa học và bằng chứng để chính quyền xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách nhằm thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KT-XH dựa trên KHCN&ĐMST ở địa phương; cung cấp công cụ để đánh giá năng lực, kết quả ĐMST, chất lượng điều hành, quản lý nhà nước về ĐMST; xây dựng các chỉ tiêu về KHCN&ĐMST trong các chiến lược, kế hoạch.
ĐMST phải đi vào thực chất, hiệu quả
Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh: "Việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cũng như phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST không phải là một phong trào mà cần phải đi vào thực chất; các kết quả nghiên cứu KHCN của các viện trường phải được ứng dụng thành công và được đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai, ứng dụng để phát triển, hình thành nên những doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST thành công, có khả năng tăng trưởng nhanh và bền vững, đóng góp cho sự phát triển của địa phương, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0".
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, mặc dù còn là một khái niệm khá mới nhưng ĐMST đã gắn liền với các ngành KH&CN trong vùng nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng trong thời gian quan đã có nhiều hoạt động khởi sắc. Tinh thần ĐMST được lan tỏa rộng rãi trong các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, các trường đại học hưởng ứng mạnh mẽ, số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cũng tăng lên nhiều.
"Trong thời gian tới Thừa Thiên Huế sẽ đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh bạn về lĩnh vực KH&CN nói riêng cũng như các lĩnh vực khác nói chung nhằm liên kết thúc đẩy sự phát triển chung của vùng về ĐMST, góp phần phát triển sự nghiệp KH&CN, phát triển nền KT-XH của đất nước. Thừa Thiên Huế sẽ luôn đồng hành cùng các nhà khoa học, tạo điều kiện về mọi mặt để ngành KH&CN phát triển một cách tốt nhất, đồng bộ, bền vững và hiện đại", ông Nguyễn Thanh Bình cam kết.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về công tác hỗ trợ ĐMST tại một số địa phương, trường đại học, công tác kết nối với các quỹ đầu tư cho ĐMST. Các ý kiến trao đổi, thảo luận tập trung đánh giá những thuận lợi cũng như những khó khăn, vướng mắc từ đó xác định được những nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng hệ sinh thái ĐMST vùng Bắc Trung Bộ phát triển mạnh hơn nữa, góp phần vào sự phát triển KT-XH chung của đất nước trong thời gian tới. Đồng thời các đại biểu cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước sớm ban hành nhiều chính sách, tạo dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ nhất hỗ trợ cho các hoạt động ĐMST.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy khẳng định "Để đưa KHCN vào cuộc sống, chúng ta không thuần túy chỉ có sở KHCN, viện nghiên cứu, trường đại học mà chúng ta cần có hệ sinh thái tích hợp với nhau để cùng phát triển, trong đó doanh nghiệp được đặt vào vị trí trung tâm của hệ sinh thái ĐMST. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có thêm nhiều các thiết chế xung quanh như các quỹ đầu tư, ngân hàng, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ,… để giúp hệ sinh thái ĐMST đi vào hoạt động một cách hiệu quả".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.