"Phép" nào cho các "siêu dự án" trái phép mọc trên đất Cảng Hà Nội?

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 15/12/2016 14:49

Tại khu vực cảng Hà Nội (phường Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội) mọc lên hàng loạt "siêu dự án" trái phép, khiến người dân vô cùng bức xúc.


“Phép” nào cho các “siêu dự án” dưới chân cầu Vĩnh Tuy?

Thời gian gần đây, tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn tại chân cầu Vĩnh Tuy diễn ra công khai, uy hiếp nghiêm trọng tới kết cấu hạ tầng giao thông, đê điều...song không hề thấy có động thái xử lý nào từ các cơ quan  chức năng TP.Hà Nội. Để làm rõ vấn đề này, trong nhiều ngày liên tiếp, phóng viên Tạp chí GTVT đã trực tiếp “thị sát” khu vực này.

Theo quan sát của PV, hiện tại, dọc chân cầu Vĩnh Tuy và khu vực Cảng Hà Nội, nhiều kho bãi tập kết hàng hóa, DN sản xuất và kinh doanh bê tông, các công ty kinh doanh thiết bị máy móc… lại ồ ạt “mọc” lên, những hoạt động này vi phạm nghiêm trọng đến hành lang bảo vệ chân cầu Vĩnh Tuy, xả thải gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

15409645_1160279850753832_1631148998_o
Hàng loạt dự án trái phép được xây dựng trên hành lang bảo vệ cầu Vĩnh Tuy, trên đất hành lang đê điều quốc gia, song không thấy có động thái xử lý từ các cơ quan chức năng TP. Hà Nội

Tại khu vực gầm cầu Vĩnh Tuy, “án ngữ” nhiều kho bãi, công ty tư nhân ty dùng để sản xuất và tập kết hàng hóa như: Công ty cổ phần đầu tư sông Đà - Việt Đức, Trạm bê tông Phú Kí, Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại dầu khí Việt Nam, bãi máy Hưng Thành, Công ty CP Thương mại và Vận tải Việt-Xô, kho bãi Tuấn, kho chứa xăng dầu Mobil…

Những DN này ngang nhiên chiến dụng hành lang phía gầm cầu Vĩnh Tuy, hành lang đê sông Hồng làm địa điểm kinh doanh, vi phạm những quy định của pháp luật, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.

Mặt khác, hàng loạt các DN kinh doanh trạm trộn bê tông tươi “án ngữ” hành lang cầu Vĩnh Tuy, khu vực Cảng Hà Nội còn nghiễm nhiên xả thải trực tiếp xuống sông Hồng, đe dọa đến môi trường sống của người dân và uy hiếp đến an toàn cây cầu huyết mạch của Thủ đô.

Điển hình như hoạt động của Công ty Cổ phần Việt Đức sản xuất bê tông, bên cạnh việc vi phạm lang bảo vệ chân cầu, mỗi ngày lượng xe quá tải chuyên chở xi măng, bê tông… gây sụt lún nghiêm trọng hành lang đê điều, kéo theo tiếng ồn, khói bụi, khiến người dân vô cùng hoang mang, lo sợ mỗi khi di chuyển qua khu vực cảng.

15398898_1160277037420780_2102880309_o
Công ty Cổ phần  sản xuất bê tông Việt Đức  vi phạm lang bảo vệ chân cầu, sử dụng  xe quá tải chuyên chở xi măng, bê tông… gây sụt lún nghiêm trọng hành lang đê điều, hạ tầng giao thông.

Còn tại khu vực Cảng Hà Nội, xuất hiện hàng trăm thùng xăng, dầu của một cửa hàng giới thiệu sản phẩm dầu Mobil. Những thùng xăng dầu này được tập kết ngoài trời, không có mái che, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân xung quanh.

Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ có quy định rất rõ về Giới hạn hành lang an toàn đối với cầu, cống. Theo đó, giới hạn hành lang an toàn tại chân cầu Vĩnh Tuy là 150m (áp dụng với cầu có chiều dài lớn hơn 300m). Tuy nhiên, trên thực tế thì một số DN tận dụng cả không gian phía gầm cầu làm mái che phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình.

15417805_1160277027420781_2002295015_o
Xe cung cấp nguồn vật liệu cho các trạm trộn bê tông bên trong Cảng Hà Nội.

Cảng Hà Nội “thâu tóm đất vàng”…cho thuê trái phép

Hiện nay, hầu hết các công trình thuộc kết cấu hạ tầng của Cảng Hà Nội gần như xuống cấp hoàn toàn. Hiện tại khu vực cảng Hà Nội chỉ khai thác được một phần nhỏ bằng việc vận chuyển xi măng, còn lại là hoạt động bốc dỡ cát sỏi chủ yếu diễn ra vào ban đêm.

Theo thiết kế trước đó, các kho bãi tại cảng Hà Nội được dựng lên mới mục đích để chứa hàng hóa nội địa vào khu vực cảng, thì đến nay hầu hết đã được thế chỗ cho các DN tư nhân làm kho hàng trung gian để phân phối hàng hóa của mình tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các kho bãi này thường tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao do vấn đề PCCC không được chú trọng.

Tuy nhiên, đến nay, hàng loạt các máy móc cẩu, băng chuyền… hiện đại lâu ngày không sử dụng đã trở nên hoen gỉ, xập xệ bên bờ sông. Các công trình phụ trợ tại cảng cũng bị bỏ hoang nhiều năm trông rất phản cảm.

15409783_1160282067420277_1260304856_o
Một bãi tập kết  xăng dầu trái phép "án ngữ" trên đất Cảng Hà Nội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến công tác PCCC.

Nghiêm trọng hơn khi một vài doanh nghiệp còn tận dụng phía bờ sông là nơi tập kết vỏ chai, nước uống, vỏ bia, sắt thép rỉ, khô bãi lụp sụp gây mất mĩ quan và ảnh hưởng đến hành lang đê điều.

Thậm chí, trên hàng lang bảo vệ đê điều, Cảng Hà Nội còn xây dựng rất nhiều công trình trái phép mà hiện nay đang bỏ hoang hoặc sử dụng không hết diện tích.

Trước đó, vào cuối năm 2014 dư luận đã vô cùng sửng sốt khi Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO) cổ phần hóa cảng Hà Nội với giá “bèo” cho Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường. Ngay sau khi nắm quyền điều hành "Tổng" này, tân Chủ tịch Nguyễn Thủy Nguyên đã lập tức cho thôi chức Giám đốc Cảng Hà Nội, đơn vị đang nắm quyền quản lý hàng chục hécta đất cùng nhiều kho hàng, bến bãi ngay giữa lòng Thủ đô.

15494052_1160277024087448_210748212_n
Hàng loạt bãi tập kết vật liệu xây dựng tồn tại trên khuôn viên Cảng Hà Nội khiến dư luận khó hiểu vì mục đích đầu tư sử dụng nguồn đất nhà nước giao cho đơn vị.

Động thái này khiến dư luận không khỏi nghi ngờ việc mua lại Cảng Hà Nội của Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường không nhằm mục đích hoạt động cảng mà là thâu tóm đất vàng? Bởi, cho đến nay hệ thống cảng Hà Nội dường như chỉ hoạt động cầm chừng.

Phần lớn các công trình thuộc kết cấu hạ tầng, máy móc cẩu, băng chuyền đã gần như xuống cấp hoàn toàn, hàng loạt công trình phụ trợ tại cảng bị bỏ hoang, kho bãi chứa hàng hóa nội địa vào khu vực cảng đang bị sử dụng sai mục đích…

Tạp chí GTVT sẽ tiếp tục thông tin.

Ý kiến của bạn

Bình luận