Trước đây, độ tuổi nghỉ hưu của các phi công Nhật Bản là 65. Tuy nhiên, theo quy định mới của Bộ Giao thông Nhật Bản, các phi công dưới 65 tuổi có thể lựa chọn tiếp tục bay cho đến khi bước sang tuổi 68, với điều kiện họ phải kiểm tra y tế để xem có bị chứng động kinh hay không.
Chính sách này được đưa ra để giải quyết tình trạng thiếu hụt phi công trầm trọng của nước này.
“Chúng tôi cố gắng giải quyết vấn đề thiếu hụt phi công trong khi vẫn đảm bảo sự an toàn,” quan chức Bộ Giao thông phát biểu.
Tại Nhật Bản hiện nay có khoảng 5.900 phi công thương mại, trong đó có 500 người đã ngoài tuổi 60.
Bộ Giao thông Nhật Bản cam kết sẽ giới hạn giờ bay của các phi công cao tuổi chỉ bằng 80% bình thường, tức là 80 giờ/tháng và 216 giờ/3 tháng. Ngoài ra, các hãng bay phải phân công một cơ phó dưới 59 tuổi làm việc với cơ trưởng trên 65 tuổi.
Nhu cầu bay tăng mạnh do sự bùng nổ của các hãng hàng không giá rẻ, đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt phi công trầm trọng ở Nhật Bản. Nhiều hãng hàng không nước này phải hủy hàng nghìn chuyến bay.
Theo dự báo của các chuyên gia, tình trạng thiếu hụt sẽ còn tồi tệ hơn nữa vào năm 2030, khi phần lớn cơ trưởng của Nhật Bản sẽ bước sang tuổi 60.
Chuyên gia hàng không Úc Neil Hansford cho biết việc thiếu hụt phi công trình độ cao là tình trạng chung của nhiều quốc gia. Do vậy, việc sử dụng các phi công cao tuổi là chuyện bình thường. Tuy vậy, tình trạng thiếu hụt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là nghiêm trọng nhất, nguyên nhân là do chi phí đào tạo phi công ở châu Á rất cao.
Greg Waldron, biên tập viên tạp chí hàng không Flight Global cho biết tại Mỹ và các nước châu Âu có nhiều sân bay nhỏ, việc sở hữu máy bay tư nhân rất phổ biến do đó chi phí đào tạo và lấy bằng phi công không cao. Còn ở châu Á không có nền văn hóa này nên việc đào tạo và lấy bằng phi công rất tốn kém.
Ông Waldron cho rằng các phi công cao tuổi không phải là một nguy cơ, bởi họ có nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống.
M. Phương (Theo Japantoday)
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.