Máy bay của hãng Cathay Pacific chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay quốc tế Hong Kong |
Hàng loạt nhân viên xin nghỉ việc
Hai năm qua, các phi công của hãng hàng không Cathay Pacific đã kiệt sức và chán nản khi phải làm việc tại một trong những nơi có quy định kiểm dịch nghiêm ngặt nhất thế giới.
Từng được coi là môi trường làm việc đáng mơ ước, hãng hàng không Cathay Pacific có trụ sở tại Hong Kong lại đang phải đối mặt với tình trạng nhân viên sa sút tinh thần nghiêm trọng. Số lượng nhân viên nộp đơn xin nghỉ việc đã tăng vọt khi họ phải trải qua quãng thời gian tự cô lập quá lâu vì quy định giãn cách.
Chia sẻ với CNN, một phi công giấu tên từng làm việc tại Cathay cho biết: "Mất tinh thần là mất tất cả. Tất cả nhân viên chúng tôi luôn trong trạng thái nóng nảy, mất kiểm soát".
Giống như hầu hết các hãng hàng không khác, Cathay Pacific (CPCAY) chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 khi hoạt động du lịch trên khắp thế giới bị đình trệ vào năm ngoái. Hãng buộc phải cắt giảm đáng kể lịch bay của mình. Hậu đại dịch, lượng hành khách tăng nhanh trở lại, có thời điểm tăng đến 99% nhưng hãng lại phải đối diện với thách thức chưa từng thấy.
Hong Kong hiện là những nơi hiếm hoi ở châu Á vẫn áp dụng chính sách "zero Covid". Điều này có nghĩa là phần lớn Hong Kong sạch bóng Covid-19 nhưng thời gian cách ly ở thành phố này cũng lâu nhất thế giới. Sự xuất hiện của biến thể mới Omicron gần đây càng khiến cho những chính sách kiểm soát dịch có khả năng sẽ được siết chặt hơn. Điều này làm dấy lên tranh cãi liệu chính sách "Zero Covid" có kìm hãm sự phát triển của Hong Kong hay không khi thế giới đang dần sống chung với dịch.
Cựu phi công của Cathay cho biết, ông đã nói chuyện với 4 đồng nghiệp vừa nghỉ việc cùng ngày và được biết rất nhiều đồng nghiệp của mình đã phải tìm gặp bác sĩ tâm lý.
Trả lời CNN, đại diện hãng hàng không Cathay cho hay, chỉ trong 10 tháng năm 2021, tỷ lệ xin nghỉ việc đã ngang bằng với số lượng nghỉ việc trong lịch sử trước đó.
Tháng 11/2021, Tập đoàn giao nhận FexEx cho biết sẽ đóng cửa hoàn toàn cơ sở ở Hong Kong và điều động toàn bộ nhân viên ra khỏi thành phố này. Tháng 12/2021, hãng British Airways cũng đã phải tạm ngừng các chuyến bay đến Hong Kong sau khi một trong số thành viên phi hành đoàn của hãng dương tính với Covid-19. Không lâu sau đó, hãng hàng không quốc tế Swiss cũng đã đình chỉ các chuyến bay đến Hong Kong do những chính sách kiểm dịch quá nghiêm ngặt của thành phố này.
Sau mỗi chuyến bay khép kín, tổ bay Cathay Pacific phải cách ly đến gần 1 tháng. |
Những chuyến bay khép kín
Kể từ sau đại dịch, Cathay đã áp dụng hình thức chuyến bay khép kín, chủ yếu dành cho những tổ bay đến các quốc gia được chỉ định là "có nguy cơ cao" như Mỹ, Ấn Độ, Anh. Các phi công tuyến này phải bay liên tục trong vài tuần, khi đến nơi cũng không được rời khỏi phòng khách sạn. Khi trở lại Hong Kong, họ phải tiếp tục cách ly 2 tuần nữa tại khách sạn và khi về nhà lại phải tiếp tục tự cách ly 2 tuần. Việc tham gia bay khép kín ban đầu là dựa trên tinh thần tự nguyện. Tổ bay nào không bay khép kín có thể được sắp xếp bay các chuyến hàng hóa hoặc các điểm đến ít nguy cơ, một số khác thì không được bay. Tuy nhiên, hiện tại thì thà không có việc cũng chẳng ai muốn nhận bay khép kín cả.
Tháng 11/2021, Cathay đã phải tuyên bố hủy một số chuyến bay khép kín trong tháng 12 vì Hong Kong liên tục siết chặt quy định kiểm dịch. Hiện tại, đã có hơn 10 quốc gia được gắn mác "nguy cơ cao" bao gồm Hàn Quốc, Đức, Singapore... khiến nhiều hành khách ngần ngại đi du lịch nước ngoài.
Theo các phi công bay khép kín, lịch trình như vậy khiến tinh thần của họ bị tra tấn nghiêm trọng. Do bị cô lập dài ngày, không ít người xin rút hoặc phải tìm đến đội ngũ hỗ trợ tinh thần do Cathay thành lập. Các phi công không bay khép kín cũng mất kiên nhẫn vì môi trường làm việc trở nên căng thẳng, thiếu thân thiện.
"Hãy tưởng tượng cảnh đồng nghiệp bay khép kín vừa gặp bạn là như muốn tát vào mặt bạn. Một lần thì không sao nhưng ngày nào cũng thế thì quá sức chịu đựng" - một phi công khác của Cathay nói.
Đại điện hãng hàng không Cathay cho biết hãng cũng đã làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ nhân viên như tăng lương, tăng số ngày nghỉ phép hoặc cho nghỉ sau mỗi đợt bay khép kín. Tuy nhiên, điều này vẫn không xoa dịu được những nhân viên bất mãn.
"Ngay cả tù nhân biệt giam cũng được nửa tiếng đến 1 tiếng tập thể dục mỗi ngày, trong khi chúng tôi còn không được ra khỏi phòng khách sạn địa ngục." - phi công giấu tên của Cathay nói.
Dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng những số liệu ca mắc cho thấy chính sách "Zero Covid" thực sự có hiệu quả trong việc ngăn chăn sự lây lan của dịch bệnh. Thành phố hơn 7 triệu dân này mới chỉ ghi nhận hơn 12.000 trường hợp mắc và 213 trường hợp tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu. Nhưng khi đại dịch gần đến mốc 2 năm, các công ty ngày càng phải chịu áp lực vì nhân viên kiệt quệ tinh thần. Cathay Pacific cho biết, hãng sẽ xem xét điều chuyển một số phi công sang nước ngoài và mở rộng danh sách nhân viên đóng quân ngoài Hong Kong từ 2-4 tháng.
Brendan Sobie, nhà phân tích và tư vấn hàng không cho biết, chính sách Zero Covid không chỉ tác động đến vấn đề kiểm dịch, phi công hay phi hành đoàn. Các trung tâm hàng không quốc tế khác trong khu vực đã bắt đầu phục hồi trong khi Hong Kong vẫn bị mắc kẹt ở lưu lượng giao thông thấp. Do đó, Zero Covid có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Hong Kong trong một thời gian, thậm chí là để lại những tác động vĩnh viễn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.