Một thuyền viên Philippines trên tàu hàng q |
Philippines
Theo thống kê của UN, Philippines hiện là quốc gia có số lượng công dân làm việc ở nước ngoài nhiều nhất thế giới, ước tính lên tới 8 triệu lao động. Trong đó, lực lượng thuyền viên làm việc trên toàn thế giới đã lên tới 460.000 người. Lực lượng lao động tại nước ngoài cũng đóng góp tới 10 tỷ USD cho quốc gia này, trong đó có 4,2 tỷ USD thuộc về sự đóng góp của lao động thuyền viên. Lực lượng thuyền viên Philippines được đánh giá có kiến thức chuyên môn tốt, thái độ làm việc chuyên nghiệp.
Dựa trên sự đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, Chính phủ Philippines đặc biệt quan tâm đến lực lượng thuyền viên của quốc gia này. Mức lương dành cho thuyền viên được Chính phủ Philippines đưa ra dựa trên tiêu chuẩn của Liên đoàn Công nhân Vận tải Quốc tế (ITF), vốn cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, trong khi đó ngành nghề này lại được áp dụng mức thuế thu nhập rất ưu đãi từ Chính phủ.
Bên cạnh những ưu đãi về mặt tài chính, Chính phủ Philippines cũng coi trọng việc xây dựng hành lang pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của thuyền viên trên các chuyến tàu quốc tế. Vào năm 1995, Philippines đã đưa ra Đạo luật Người và Công nhân Philippines làm việc tại nước ngoài với trọng tâm đặt vào việc bảo vệ các quyền lợi pháp lý của lực lượng thuyền viên Philippines, đồng thời quản lý chặt chẽ các nhà tuyển dụng nhằm tránh việc tuyển dụng vi phạm pháp luật.
Để nhận được những ưu ái trên từ Chính phủ, các thuyền viên Philippines được yêu cầu trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn và luật pháp. Vào năm 2002, Chính phủ Philippines đã đưa ra chiến lược toàn quốc gia nhằm cải thiện chất lượng của các thuyền viên Philippines, đồng thời áp dụng sự tiến bộ của công nghệ thông tin liên lạc hàng hải làm trọng tâm cho sự phát triển kinh tế quốc gia. Để có thể trở thành thuyền viên quốc tế, công dân Philippines được yêu cầu phải có bằng Cử nhân Khoa học Vận tải biển và Cử nhân Khoa học Kỹ thuật Hàng hải hoặc khóa học cơ bản của các thủy thủ từ các trường học hàng hải. Hệ thống giáo dục hàng hải cũng được Chính phủ Philippines tập trung phát triển. Hiện tại, Philippines có khoảng 80 đến 100 trường hàng hải có thẩm quyền cấp các loại bằng và chứng chỉ trên sau khi học viên hoàn thành khóa đào tạo 3 năm (bao gồm 12 tháng thực tập trên tàu biển) và kỳ thi thuộc Hội đồng Quản trị thủy thủ quốc gia.
Để trở thành thủy thủ có đăng ký ở Philippines, người nộp đơn cần phải có hộ chiếu thuyền viên (SRIB) được cấp bởi Cơ quan Công nghiệp Hàng hải (MARINA) cùng với các tài liệu chứng minh rằng người nộp đơn đã vượt qua các yêu cầu về tiêu chuẩn tối thiểu nghề thuyền viên dựa trên Công ước quốc tế về Tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên (STCW) và phù hợp với các quy tắc và quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO). Bên cạnh đó, lực lượng thuyền viên cũng được yêu cầu phải nắm rõ các quy định mới nhất của Luật Hàng hải quốc tế, đồng thời phải có khả năng xử lý tình huống bất ngờ và trang bị kiến thức xã hội của các quốc gia điểm đến.
Hà Lan
Một tàu container đang cập cảng Rotterdam |
Là một quốc gia có lợi thế lớn về ngành Hàng hải, Hà Lan sở hữu lực lượng thủy thủ và nhân viên hàng hải có tay nghề và sự linh hoạt cao, khả năng sử dụng thành thạo nhiều ngôn ngữ và được trang bị đầy đủ chuyên môn đối với các hoạt động trên biển và khu vực bến cảng. Bên cạnh đó, Chính phủ Hà Lan cũng rất linh hoạt trong việc thương thảo hợp đồng với lao động, được thể hiện qua tỷ lệ tuyển dụng cao thông qua các chi nhánh tuyển dụng độc lập. Một số chi nhánh tuyển dụng có thể đảm nhiệm nhu cầu nhân lực cho hầu hết các lĩnh vực kinh doanh, số khác sẽ tập trung chuyên biệt vào một ngành đặc biệt, trong đó có hàng hải. Nhờ vậy, chi nhánh tuyển dụng mang tính chuyên biệt có thể đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Hàng hải.
Đối với lĩnh vực đào tạo nhân lực hàng hải, các viện đào tạo hàng hải của Hà Lan luôn nhận được sự theo dõi sát sao của Chính phủ. Điều này giúp cho các cơ quan chức năng có thể đánh giá được chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo cũng như dễ dàng điều chỉnh lĩnh vực đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế. Ngoài ra, với lợi thế là quốc gia có mật độ dân số sử dụng thành thạo tiếng Anh lên tới 85%, các nhân viên lĩnh vực hàng hải Hà Lan cũng có thể dễ dàng được tuyển dụng bởi các tập đoàn quốc tế.
Để đảm bảo chất lượng cũng như thái độ làm việc trách nhiệm cao đối với lực lượng lao động nói chung và nhân viên, thuyền viên lĩnh vực hàng hải nói riêng, Hà Lan hiện đang duy trì một hệ thống trợ cấp và an sinh xã hội hiệu quả bậc nhất thế giới, đảm bảo quyền lợi của thuyền viên trong các trường hợp bệnh tật, thương tật, thất nghiệp và nghỉ hưu, giúp cho lực lượng thuyền viên có thể chuyên tâm đóng góp hoàn toàn sức lực cho công việc. Người lao động nước ngoài có kỹ năng đặc biệt làm việc trong lĩnh vực hàng hải cũng được Chính phủ cấp nhiều ưu đãi với những khoản trợ cấp miễn thuế lên tới 30% tổng số lương.
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuyền viên, Hà Lan đang được các nước sử dụng lao động hàng hải ngưỡng mộ vì phương pháp tiếp cận và đào tạo kỹ lưỡng, cùng với số lượng các môn giảng dạy sẵn có cho lao động hàng hải lớn. Ngoài ra, khả năng sử dụng thành thạo ngôn ngữ nước ngoài luôn được coi trọng, giúp cho thuyền viên Hà Lan có kỹ năng ngôn ngữ tốt nhất châu Âu. Các chương trình giảng dạy của hầu hết các khóa đào tạo nghề bao gồm thời gian thực tập giúp sinh viên tiếp cận gần gũi với công việc thực hành thực tế.
Hơn nữa, nội dung của các khóa học này đã được thiết kế dựa trên tham vấn chặt chẽ với các cộng đồng công nghiệp, thương mại và kinh doanh, giúp các thuyền viên và nhân viên hàng hải mới tốt nghiệp có thể thích nghi với công việc mới một cách nhanh nhất có thể. Bên cạnh đó, sinh viên có thể chọn lựa các cơ sở giáo dục hàng hải khác nhau ở Hà Lan và được đảm bảo chất lượng bởi Bộ Giáo dục, Văn hóa và Khoa học (Ministry of Education, Culture and Science) và Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường (Ministry of Infrastructure and the Environment)
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.