Phố Hoàng Hoa Thám: Phố cây cảnh của Hà Nội

Du lịch 30/11/2018 16:00

Những ngày cuối tuần, người yêu hoa lại đổ về phố Hoàng Hoa Thám để gặp gỡ những người có cùng sở thích


 

162
Hoàng Hoa Thám được mệnh danh là phố cây cảnh của Hà Nội

Tên đường Hoàng Hoa Thám được đốc lý HN Trần Văn Lai đặt từ năm 1945. Nhắc tới Hoàng Hoa Thám là nhắc tới một anh hùng nông dân yêu nước với tinh thần kiên trung bất khuất trong lịch sử cận đại Việt Nam.

Hoàng Hoa Thám (1845 - 1913), còn gọi là Đề Thám, người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế, còn gọi là "Hùm thiêng Yên Thế" (Bắc Giang) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế năm 1887, lập căn cứ ở Bắc Giang, chống Pháp dai dẳng suốt 26 năm. Ngày 10-2-1913, Pháp mua chuộc được một số tên phản bội, đã sát hại ông ở vùng rừng Yên Thế. Ông là một anh hùng nông dân yêu nước, có tính thần bất khuất, kiên dũng trong lịch sử cận đại VN.

Theo bản đồ Thăng Long đời Hồng Đức (1470 - 1497) thì vị trí đường Hoàng Hoa Thám ngày nay chính là một trong hai dãy tường thành phía Bắc (tường kép) của toà thành Thăng Long.

Đường này được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc nhiều thôn làng cổ. Chính vì thế, nhiều dấu tích các đền, đình chùa lâu đời và đặc trưng của vùng hồ Tây vẫn còn được lưu giữ và tồn tại trên dọc con đường Hoàng Hoa Thám cho đến ngày nay.

Phố Hoàng Hoa Thám ngày nay được biết đến là Phố cây cảnh của Hà Nội, có chiều dài hơn 3km, rộng 5m, có vỉa hè 2m. Hoàng Hoa Thám cũng là một trong những tuyến phố cũ dài nhất trong nội thành Hà Nội.

Dọc đường vài chục năm trước còn hoang vu, nay đã sầm uất chẳng kém một đường phố nào khác của Hà Nội. Vì là tuyến phố đã hình thành từ lâu nên đặc điểm dễ nhận thấy đó là những hàng cây cổ thụ hai bên đường cùng với rất nhiều ngôi nhà đã được xây dựng từ khá lâu, thấp tầng và không quá hiện đại.

Từ lâu, người dân trên phố này đã có một mặt hàng kinh doanh khá đặc trưng, đó là kinh doanh cây cảnh. Trên phố đoạn từ Dốc Đốc Ngữ đến chợ Bưởi là nơi bày bán rất nhiều loại cây cảnh, phong phú và đa dạng. Những ngày cuối tuần, người yêu hoa lại đổ về phố để gặp gỡ những người có cùng sở thích, hoặc chọn cho mình một chậu cảnh ưng ý nhất.

Ngoài ra, chợ cây cảnh trên phố còn phong phú mặt hàng bởi có bán cả chim cảnh, chó cảnh, cá cảnh...

Chính sự rực rỡ, phong phú của các loài hoa và thú chơi tao nhã của dân sành hoa và đã góp phần tạo nên nét đặc sắc của con phố, nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về:

Thêm một điểm dừng chân vô cùng quý báu và hấp dẫn trên phố Hoàng Hoa Thám đó chính là Công viên Bách Thảo. Không chỉ sở hữu khuôn viên rộng lớn, công viên Bách Thảo còn là nơi có nhiều cây xanh cùng cảnh quan phong phú.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người vẫn so sánh công viên Bách Thảo như "lá phổi xanh" của thủ đô. Công viên nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội, ngay sau Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với tuổi đời hơn 100 năm, công viên Bách Thảo sở hữu rất nhiều cây cổ thụ, quý hiếm với tán lá rộng che mát cả khuôn viên. 

163
Chợ hoa ngày Tết trên phố Hoàng Hoa Thám

Được biết, công viên Bách Thảo bắt đầu thành lập năm 1890 bởi thực dân Pháp. Ban đầu, đây chỉ là khu vườn trồng cây và nuôi các loài muôn thú, vì thế người ta gọi nó là vườn thảo mộc và sau ngày giải phóng thủ đô thì được đổi tên thành công viên Bách Thảo như ngày nay.

Bên cạnh cây xanh và các loài động vật quý hiếm, công viên Bách Thảo còn là nơi có hồ nước rộng lớn, trong xanh, tĩnh lặng. Mùa hè nóng nực được đến công viên Bách Thảo ngồi dưới tán cây và tận hưởng làn gió trong lành mát rượi của tự nhiên quả là lựa chọn tuyệt vời cho bất cứ ai.

Thêm một nét thú vị nữa trên hành trình khám phá đường Hoàng Hoa Thám đã trở thành đặc trưng được nhiều người biết đến, đặc biệt là cánh mày râu. Đó là Bia hơi Hà Nội.

Nhiều người cho rằng, yếu tố quan trọng để bia hơi Hà Nội nhanh chóng trở thành một thứ đồ uống trứ danh chính là tại địa điểm xây dựng nhà máy, có nguồn nước phù hợp.

Với bia, nước không chỉ là một nguyên liệu chủ yếu mà còn là nguyên liệu quan trọng, quyết định hương vị của bia.

Trong thời bao cấp, bia hơi khá hiếm, người ta phải xếp hàng hàng giờ chỉ để đợi đến lượt được thưởng thức một cốc bia mát lạnh. Ngày đó, cốc để uống bia hơi thường là cốc thủy tinh được thổi thủ công, thân cốc phải có các bọt khí li ti còn xót lại để tạo nên các hình ảnh và cảm giác vừa xù xì, vừa gai gai rất quen thuộc đối với những người yêu bia hơi HN.

Còn đến hôm nay, khó có thể thống kê nổi Hà Nội có bao nhiêu quán bia hơi. Và dù trên thị trường đã xuất hiện thêm tên tuổi của nhiều hãng bia khác hay bia ngoại nhập về, nhưng bia hơi Hà Nội vẫn là thức uống quen thuộc và ưa thích của người dân HN hơn cả.

Tại Đại hội cổ đông mới đây, Tổng công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã ra quyết định di dời nhà máy hơn trăm tuổi ra khỏi vị trí 183 Hoàng Hoa Thám ra ngoại thành và dự kiến sẽ xây một bảo tàng bia trên chính khu đất này.

Tương lai không xa, hình ảnh về nhà máy bia nổi tiếng tại Hà Nội giữa lòng thành phố sẽ chỉ còn trong ký ức và những câu chuyện kể chúng ta dành cho nhau mà thôi. Nhưng hy vọng, những ký ức lịch sử đẹp đẽ nhất về Hồ Tây, về Hà Nội sẽ vẫn được trân trọng lưu giữ trên con đường Hoàng Hoa Thám cho các thế hệ mai sau.

Ý kiến của bạn

Bình luận