Phối hợp liên Bộ trong kiểm soát tải trọng xe: Hơn 2 năm nhìn lại

Tác giả: An Bình

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 30/09/2016 06:38

Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các lực lượng chức năng ngành Công an và GTVT đã đem lại kết quả đáng ghi nhận

IMG_0419_11
Lực lượng liên ngành phối hợp trong công tác KSTTX. Ảnh: Khánh Hà

Sau hơn 2 năm thực hiện Kế hoạch số 12593/KHPH-BGTVT-BCA của liên Bộ Công an và Bộ GTVT về kiểm soát tải trọng xe (KSTTX), với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các lực lượng chức năng ngành Công an và GTVT đã đem lại kết quả đáng ghi nhận. Các vi phạm về tải trọng phương tiện đã giảm trên 92%, qua đó tạo sự chuyển biến rất lớn về nhận thức trong đại đa số các doanh nghiệp vận tải, chủ xe, lái xe, đồng thời giảm áp lực vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, hạn chế sự hư hỏng của cầu, đường, góp phần giảm TNGT.

Tạo sự đồng thuận trong nhân dân

Đánh giá tại Hội nghị Tổng kết Kế hoạch liên Bộ (Kế hoạch số 12593), Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, tình hình vi phạm về tải trọng phương tiện xe ô tô đã được kiểm soát, giảm trên 92% so với thời điểm trước khi thực hiện Kế hoạch số 12593, đặc biệt là các phương tiện chở hàng lưu thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm từ Bắc vào Nam; ý thức chấp hành quy định về tải trọng của lái xe, chủ xe, chủ hàng đã được nâng cao hơn, giảm áp lực vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường biển, đường thủy nội địa và đường sắt, hạn chế sự hư hỏng của cầu, đường, góp phần giảm TNGT, do đó tạo được sự đồng thuận và đánh giá cao của nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, trong quá trình triển khai thực hiện, ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, các quy định về vận tải đường bộ của một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe vẫn còn hạn chế. Theo đó, vẫn còn tình trạng trốn tránh, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng như: Đóng cửa xe bỏ đi hay thuê container vận chuyển hàng rồi kẹp chì gây khó khăn cho việc hạ tải; dừng, đỗ xe gây cản trở UTGT… để đối phó, thậm chí chống lại lực lượng thực thi công vụ. Nhiều nơi đã xuất hiện đối tượng “cò”, “môi giới dẫn xe” hoạt động xung quanh các điểm KSTTX lưu động.

Mặt khác, việc phân công nhiệm vụ giữa lực lượng CSGT, cảnh sát khác, TTGT ở một số địa phương không thống nhất, không đúng với Kế hoạch 12593 của liên Bộ; thiết bị cân ở một số trạm KSTTX có lúc trục trặc, gặp sự cố hoặc lái xe điều khiển xe đâm vào gây hư hỏng dẫn đến kết quả thiếu chính xác, không loại trừ dấu hiệu tiêu cực, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng thiếu chặt chẽ, có nơi thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định của pháp luật.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, Kế hoạch số 12593 đã đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, vì vậy hai Bộ thống nhất kết thúc thực hiện Kế hoạch liên ngành Công an - GTVT số 12593. Tuy nhiên, việc KSTTX vẫn phải được tiếp tục thực hiện thường xuyên, liên tục, xử lý kiên quyết từ gốc, kết hợp xử lý trên đường không để xe quá tải lọt qua các trạm KSTTX trên nhiều địa phương khác nhau. Theo đó, các lực lượng được giao nhiệm vụ phải thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng lực lượng được pháp luật quy định. “Bộ Công an sẽ chỉ đạo CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT nói chung, trong đó có vi phạm tải trọng xe. Công an các đơn vị, địa phương hoàn thiện việc trang bị hệ thống cân tải trọng cố định tại các trạm CSGT theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó, cơ quan Cảnh sát điều tra kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, đồng thời xác lập chuyên án đấu tranh với các hành vi có biểu hiện tiêu cực trong hoạt động KSTTX…”, Thứ trưởng Lê Quý Vương khẳng định.

Sẽ chấm dứt xe quá tải hoạt động trên đường bộ vào cuối năm 2016

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, hiện nay số xe quá tải còn không nhiều (khoảng 8%), chủ yếu còn ở khu vực có công trình xây dựng, mỏ vật liệu, cảng sông, kho bãi nhỏ, lưu thông trong nội vùng, nơi mà lực lượng chức năng chưa thật sự quyết liệt duy trì công tác KSTTX. Do đó, đòi hỏi các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương phải quan tâm, lực lượng chức năng phải cương quyết, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và đẩy mạnh tuyên truyền để giải quyết dứt điểm số phương tiện còn vi phạm chở hàng quá tải trong năm 2016. “Hiện nay, số lượng xe quá tải không còn nhiều nhưng chúng ta cũng cần xác định để giải quyết dứt điểm số phương tiện vi phạm tải trọng này là một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Lực lượng TTGT phải xác định lại trách nhiệm của mình để làm tròn trách nhiệm, cần thiết thời gian tới củng cố lại lực lượng thanh tra cơ động của Bộ GTVT được trang bị cân sách tay kiểm tra theo đúng thẩm quyền. Lực lượng này có thể đến tận các trạm, cảng, mỏ, bến, bãi…, phải thay đổi phương pháp thực hiện và tôi nghĩ rằng biện pháp “đánh tại gốc” và kiểm tra người thực thi công vụ là biện pháp hữu hiệu nhất”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.

Đánh giá lại công tác phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch 12593 tại các địa phương, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhìn nhận, công tác tổ chức ký cam kết và kiểm tra việc thực hiện cam kết đã ký của các tổ chức, cá nhân về không chở hàng quá tải trọng, bốc xếp hàng hóa lên xe ô tô tại các kho cảng, bến, bãi, đầu nguồn hàng… chưa hiệu quả, vi phạm cam kết vẫn còn xảy ra như ở các địa phương: Bắc Giang, Quảng Ninh, Lai Châu, Tây Ninh, Vĩnh Phúc…

Việc lựa chọn vị trí đặt xe KSTTX lưu động khó khăn, do địa hình, mặt bằng không đáp ứng được quy định, không đảm bảo an toàn cho các phương tiện khác lưu thông như: An Giang, Bình Dương, Bình Thuận, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Kon Tum, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Yên Bái… Các điểm KSTTX lưu động liên ngành, tỷ lệ giữa số phương tiện vi phạm chở quá tải trọng được phát hiện trên tổng số phương tiện đưa vào kiểm tra là rất thấp. Riêng trong năm 2015, nhiều nơi có tỷ lệ dưới 10%, thậm chí có nơi chỉ đạt dưới 6% như Điện Biên, Quảng Ninh, Đắk Lắk...

Theo đó, để phấn đấu đến hết năm 2016 chấm dứt tình trạng xe quá tải hoạt động trên đường bộ, Bộ GTVT cũng đề ra những giải pháp chủ yếu như phải rà soát và kiểm tra việc tổ chức ký cam kết không chở hàng quá tải trọng của các đơn vị, địa phương; địa phương nào chưa ký thì yêu cầu phải ký cam kết, đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cam kết đã ký.

Lực lượng thanh tra Bộ GTVT, TTGT Tổng cục ĐBVN, TTGT các sở GTVT phối hợp với các lực lượng chức năng khác tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện theo đúng chức năng nhiệm vụ, xử lý nghiêm vi phạm về tải trọng phương tiện, về kích thước thành, thùng xe tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, bãi, cảng biển, cảng thủy nội địa, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô…; thực hiện tiếp nhận và xử phạt vi phạm về tải trọng phương tiện từ kết quả thu được qua phương tiện, thiết bị nghiệp vụ của các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Siết chặt công tác quản lý cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ, đồng thời tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc cấp giấy phép lưu hành với thủ tục hành chính nhanh gọn; nâng cao chất lượng độ chính xác của cân tải trọng, kiên quyết không đăng kiểm những phương tiện cơi nới kích thước thùng xe trái quy định; thiết lập môi trường kinh doanh vận tải bình đẳng, lành mạnh, có cơ cấu thị phần hợp lý giữa các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không.

Cùng với đó, UBND các địa phương tăng cường kiểm soát, xử lý ngay tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô để ngăn chặn, xử lý kịp thời các xe ô tô chở hàng quá tải trọng trước khi lưu thông trên các tuyến đường; đề nghị Chính phủ ban hành Chỉ thị về công tác KSTTX để phân công rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật để tránh chồng chéo, đồng thời vẫn đảm bảo kiểm soát, xử lý vi phạm tải trọng.

Ý kiến của bạn

Bình luận