Phối hợp với Nhật Bản tìm giải pháp khắc phục hằn lún vệt bánh xe

Tác giả: Thuỳ Dương

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 24/09/2015 06:27

Chiều 23/9, trường đại học GTVT phối hợp với đại học Kyoto Nhật Bản tổ chức hội thảo quốc tế về chất lượng mặt đường bê tông nhựa nóng.

_DSC6091
Thứ Trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhiệt liệt chào mừng các vị giáo sư tiến sĩ Trường đại học Kyoto và các cán bộ đại diện cho các công ty công nghệ GTVT Nhật Bản đã tới dự buổi hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết với mục tiêu trọng tâm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam, hàng năm Bộ GTVT cải tạo hàng trăm km đường quốc lộ có mặt đường bê tông nhựa. Trong xây dựng đường cao tốc đã áp dụng lớp phủ tạo nhám, ứng dụng công nghệ bê tông nhựa PMA...để đảm bảo vấn đề kinh tế, kỹ thuật, môi trường cũng như tận dụng tài nguyên.

"Trong quá trình phát triển, đặc biệt là ứng dụng các loại vật liệu truyền thống, chúng tôi đã gặp phải thách thức rất lớn. Gần đây có xuất hiện hiện tượng hằn lún trên mặt đường bê tông nhựa mới được đưa vào khai thác cũng như là xuống cấp nhanh kết cấu mặt đường. Để khắc phục và vượt qua được thách thức này, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung đưa ra giải pháp, nghiên cứu điều chỉnh tiêu chuẩn, quy chuẩn, chấn chỉnh công tác sản xuất bê tông nhựa và giải quyết các nguyên liệu đầu vào...", Thứ trưởng cho biết thêm.

_DSC6108
Tiến sĩ Kazuyuki Kubo, trưởng nhóm nghiên cứu mặt đường Viện Nghiên cứu công chính Nhật Bản thuyết trình về các vấn đề sự cố với công trình mặt đường.

Tại hội thảo, các giáo sư tiến sĩ của hai trường đại học và đại diện các Công ty công nghệ GTVT Nhật Bản trao đổi, thảo luận về thực trạng, các nguyên nhân dẫn đến hằn lún vệt bánh xe ở Việt Nam và Nhật Bản. Đồng thời đưa ra những phương pháp thực hiện và giải pháp khắc phục cho vấn đề này.

Theo giáo sư tiến sĩ Phạm Huy Khang, trưởng nhóm nghiên cứu hằn lún mặt đường của Trường Đại học GTVT, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe hầu hết xảy ra vào mùa hè và ở các vùng khí hậu khác nhau hiện tượng hằn lún cũng khác nhau. Rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng hằn lún và theo kết luận sơ bộ ban đầu, hầu hết các đoạn bị hằn lún vệt bánh xe đều có chất lượng thi công rất kém, chất lượng BTN không đảm bảo, thi công không tuân thủ quy trình, quy phạm.

"Để có thể khắc phục, thành phần cấp phối BTN cần phải thiết kế phù hợp với từng mỏ vật liệu và cần chú ý đến chất lượng đá. Xem xét thiết kế 1 số thành phần cấp phối đá cho BTN trên nguyên tắc tăng kích cỡ hạt, lượng đá và giảm lượng nhựa để chống vệt hằn, vết lún", ông Phạm Huy Khang nhấn mạnh.

Trong hội thảo, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phân tích sự khác biệt của hằn lún vệt bánh xe ở Việt Nam và Nhật Bản. Đồng thời đưa ra những nghiên cứu mới nhất về vấn đề hằn lún vệt bánh xe ở Việt Nam, chia sẻ những kinh nghiệm và thực tiễn của Nhật Bản về tăng cường chất lượng mặt đường.

_DSC6098
Giáo sư tiến sĩ Kiyoshi Kobayashi diễn thuyết về mô hình nền tảng Kyoto Model tại hội thảo.

Thuyết trình tại hội thảo, tiến sĩ Hiromitsu Nakanishi, đại diện cho Công ty TAIYU Kensetsu cho biết "Hằn lún là một trong những vấn đề nhức nhối không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Nhật Bản. Liên quan đến vấn đề này, theo kinh nghiệm cuả chúng tôi ở Nhật Bản, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe có thể giải quyết bằng việc chúng ta tăng cường khả năng kháng hằn lún của bê tông nhựa khi sử dụng nhựa Polime cải tiến".

Ngoài việc thảo luận xoay quanh vấn đề sự cố với công trình mặt đường, các giáo sư, tiến sỹ của Trường đại học Kyoto Nhật Bản còn chia sẻ về mô hình nền tảng Kyoto Model để phát triển hệ thống quản lý mặt đường PMS mới ở Việt Nam và triển khai chu trình PDCA trong quản lý tài sản đường bộ.

Hội thảo quốc tế về chất lượng mặt đường bê tông nhựa nóng được tổ chức nhân dịp kỉ niệm 10 năm quan hệ hợp tác giữa Trường đại học Kyoto Nhật Bản và Trường đại học GTVT.

Trong những năm qua, hai trường đã tổ chức thường niên các khoá học về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, quy  hoạch GTVT và có hàng trăm cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của các đơn vị trong ngành GTVT đã được nâng cao trình độ qua các khoá học này. Đồng thời, nhiều chủ đề khoa học cấp thiết trong lĩnh vực GTVT ở Việt Nam và Nhật Bản đã được tổ chức thành công.

Ý kiến của bạn

Bình luận