Phòng chống đuối nước cho trẻ em: Cần sự chung tay của toàn xã hội

30/08/2017 14:56

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 6.400 người bị đuối nước, trong đó hơn 50% là trẻ em và trẻ vị thành niên. Trung bình, mỗi năm nước ta có khoảng 3.500 trẻ em bị chết đuối, nghĩa là có khoảng 9 trẻ tử vong do đuối nước mỗi ngày.

images867375_be_boi_thong_minh_1
Mô hình bể bơi thông minh

Nỗi lo của toàn xã hội

Thời gian qua, xã hội không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến các vụ đuối nước thương tâm đối với các em lứa tuổi học sinh. Vụ gần đây nhất là vào ngày 02/5, 3 học sinh Trường THPT Điềm Thụy, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên bị tai nạn đuối nước trên khu vực sông Cầu (địa phận xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình).

Trước đó, ngày 9/4, 02 học sinh lớp 12A6 Trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An trong khi đi chụp ảnh kỷ yếu, tắm biển ở thị xã Cửa Lò đã không may bị sóng cuốn mất tích. Một vụ việc thương tâm khác xảy ra vào đầu giờ chiều ngày 29/3, 4 nữ sinh chết đuối khi rủ nhau đi tắm tại vùng ngập nước của hồ thủy điện Sê San thuộc làng Tăng, xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Đây chỉ là một số ít trong rất nhiều vụ đuối nước thương tâm đối với các em ở độ tuổi thanh, thiếu niên.

Chúng ta biết rằng nhu cầu vui chơi giải trí, đặc biệt là bơi lội của thanh thiếu niên, nhất là vào những ngày thời tiết nóng bức tăng cao. Tuy nhiên, song hành cùng với nhu cầu trên là những mối nguy hiểm, đe dọa rình rập sức khỏe và tính mạng các em khi mà hiện nay, việc phổ cập, giáo dục kỹ năng bơi lội an toàn cho các lứa tuổi học sinh vẫn rất hạn chế.

Khác với học sinh thành thị có nhiều điều kiện tiếp cận với các khu vui chơi hiện đại, học sinh vùng nông thôn hiện nay vẫn đang rất thiếu những sân chơi an toàn và lành mạnh, nhất là vào mỗi dịp nghỉ hè. Vì vậy, nhiều em tại các vùng nông thôn thường rủ nhau ra sông, kênh, rạch để tắm và nạn đuối nước đã liên tiếp lấy đi sinh mạng của các em.

Còn ở khu vực đô thị, các khoảng không gian vui chơi dành cho học sinh dường như thành chuyện quá xa xỉ, bởi nhiều nơi đã tận dụng tối đa các khoảng đất, khoảng không gian vào việc kinh doanh thương mại như nhà hàng, quán cà phê, bãi đậu xe... khiến các em cũng không có chỗ vui chơi an toàn, lành mạnh. Nhiều em đã tự rủ nhau đi tắm ở những khu vực ao, hồ xung quanh mà không ai biết và tai nạn đã xảy ra... Thật xót xa thay!

Trước vấn đề này, nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng chống tai nạn thương tích, trong đó có phòng chống đuối nước cho trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 234/QĐ-TTg về Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích, trong đó có phòng chống đuối nước trẻ em. Các địa phương có mô hình phòng chống đuối nước triển khai xuống cơ sở. Đặc biệt, đã có nhiều địa phương bố trí nguồn lực để dạy bơi, học bơi, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt học bơi miễn phí; tạo bể bơi di động để tăng cường giáo dục kỹ năng học bơi cho các em.

Cần nhân rộng nhiều mô hình hay

Trong kế hoạch triển khai Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, nhiều mô hình mới được xây dựng và triển khai hiệu quả.

Tại TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với UBND phường Tân Kiểng, quận 7 tổ chức lớp dạy bơi miễn phí cho gần 40 em thiếu nhi tại hồ bơi Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, quận 7. Trong khoảng thời gian hơn một tháng, các em đã được học các kỹ năng bơi lội, xử lý sự cố ở dưới nước và cứu người đuối nước nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho chính trẻ em và những người xung quanh. Đặc biệt, các em không chỉ được học lý thuyết mà còn trải qua những buổi học thực hành thực tế với nhiều tình huống giả định dưới sự giám sát của huấn luyện viên chuyên môn, để các em có thể xử lý nhanh chóng, kịp thời với các tình huống nguy hiểm, bất ngờ xảy ra trong thực tế...

Sau hơn một tháng tham gia khóa học bơi miễn phí, em Tân Thị Thu Hồng (12 tuổi, phường Tân Kiểng, quận 7, TP. Hồ Chí Minh) phấn khởi nói: “Trước đây, mỗi lần đi tắm biển cùng gia đình em rất sợ nước và không dám ra xa bờ. Nhiều vụ đuối nước đã xảy ra với bạn bè cùng trang lứa nên em rất sợ vì mình cũng không biết bơi. Nhân dịp nghỉ hè có lớp dạy bơi miễn phí gần nhà nên em xin phép bố mẹ đăng lý tham gia. Ngày đầu tiên em không dám xuống hồ bơi vì sợ uống phải nước, chỉ khi các thầy hướng dẫn và em có chiếc áo bơi mới dám xuống hồ bơi. Vài ngày tập luyện liên tục, được các thầy hướng dẫn nhiệt tình em đã biết bơi. Ngoài ra, em và các bạn còn được tham gia các tình huống ứng xử khi bị đuối nước, điều này rất tốt và ý nghĩa đối với chúng em”.

Cũng giống như TP. Hồ Chí Minh, để ngăn ngừa tình trạng trẻ em thương vong do đuối nước, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội đã triển khai kế hoạch mới vô cùng hiệu quả từ bể bơi thông minh. Theo đó, qua gần một tháng đưa vào triển khai thí điểm, mô hình bể bơi thông minh dành cho học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Đông Anh bước đầu cho thấy những hiệu quả tích cực trong việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Từ khi bể bơi thông minh đặt tại Nhà Giáo dục thể chất, Trường THCS Hải Bối, các bậc phụ huynh tại huyện Đông Anh vô cùng phấn khởi đưa con em mình đến đây học bơi và vui chơi. Tại đây, các em không chỉ được dạy kỹ năng bơi lội mà còn được trang bị nhiều kiến thức hữu ích về phòng, chống cũng như kỹ năng sơ cấp cứu khi gặp tai nạn đuối nước. Điều khá đặc biệt là nhờ hệ thống camera giám sát được lắp đặt xung quanh bể bơi thông minh, các bậc phụ huynh dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần có kết nối Internet đều có thể theo dõi mọi hoạt động học tập, bơi lội của con em tại trường.

Bể bơi thông minh này còn gọi là hồ bơi lắp ráp, bể bơi khung kim loại với giá thành rẻ bằng 1/10 chi phí xây bể bơi đã dần trở nên quen thuộc với mọi người nhờ tính ưu việt của nó. Bể bơi thông minh tại Trường THCS Hải Bối là công trình đầu tiên được triển khai theo hình thức xã hội hóa và hoàn thành dịp đầu mùa hè năm 2017. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả của mô hình thí điểm này, huyện Đông Anh sẽ phối hợp với các doanh nghiệp tiến hành lắp đặt thêm 6 bể bơi thông minh khác tại các trường học khác trên địa bàn huyện.

Có thể thấy rằng, bể bơi thông minh là giải pháp phù hợp với điều kiện nông thôn và có thể mang lại hiệu quả tốt hơn so với phương thức xây dựng các bể bơi kết cấu cứng từng được thí điểm triển khai tại một số quận, huyện thời gian qua. Đây cũng là cách làm tương thích với định hướng xã hội hóa trong triển khai đầu tư các dự án mang tính cộng đồng, góp phần thực hiện có hiệu quả trong việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Ý kiến của bạn

Bình luận