Phòng chống thiên tai trong lĩnh vực hàng hải

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 14/07/2019 09:32

Phòng ngừa thiên tai trong lĩnh vực hàng hải là các hoạt động được tiến hành trước khi thiên tai xảy ra để cảnh báo, thông báo, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nhân lực, phương tiện, thiết bị, hậu cần, biện pháp sơ tán nhằm bảo vệ con người, tài sản và môi trường. Nhằm ứng phó thiên tai trong lĩnh vực hàng hải là các biện pháp cần thiết, kịp thời, thích hợp để cứu người, tài sản, bảo vệ môi trường trong khu vực xảy ra thiên tai nhằm giảm tới mức thấp nhất hậu quả do thiên tai gây ra. Mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 10/2019/TT-BGTVT ngày 11/3/2019 về phòng chống thiên tai trong lĩnh vực hàng hải, Tạp chí GTVT trích lược đăng tải Thông tư này.

 

cun nan hang hai

Nhiệm vụ phòng ngừa thiên tai của các tổ chức hoa tiêu hàng hải

- Sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về cung cấp hoa tiêu của chủ tàu, thuyền trưởng hoặc cảng vụ hàng hải nhằm nhanh chóng điều động tàu thuyền trong cảng;

- Phối hợp với doanh nghiệp cảng đề xuất phương án điều động tàu thuyền khi có nguy cơ thiên tai xảy ra.

Nhiệm vụ phòng ngừa thiên tai của các tổ chức bảo đảm an toàn hàng hải

- Tăng cường kiểm tra số lượng và chất lượng các công trình bảo đảm an toàn hàng hải, hệ thống báo hiệu hàng hải bảo đảm luôn hoạt động tốt;

- Lập danh mục các công trình bảo đảm an toàn hàng hải xung yếu, chịu ảnh hưởng của thiên tai và kế hoạch duy tu, bảo dưỡng để chủ động phòng, chống thiên tai;

- Khi tổ chức thi công các công trình nạo vét, công trình xây dựng phải có phương án, biện pháp phòng, chống thiên tai;

- Chuẩn bị trang thiết bị dự phòng và phương tiện phục vụ việc khôi phục hoạt động của các trạm đèn biển và báo hiệu hàng hải bị ảnh hưởng của thiên tai.

Nhiệm vụ phòng ngừa thiên tai của doanh nghiệp cảng biển

- Phối hợp chặt chẽ với cảng vụ hàng hải, các tổ chức hoa tiêu hàng hải trong việc xây dựng và triển khai phương án điều động tàu thuyền đang hoạt động trong cảng đi tránh bão hoặc ra khu neo đậu tránh, trú bão;

- Sẵn sàng thực hiện yêu cầu của cảng vụ hàng hải trong việc điều động các phương tiện tham gia khắc phục hậu quả thiên tai;

- Chấp hành quy định về chằng buộc hệ thống cần cẩu trên cầu tàu; áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm chống tác động xấu của thiên tai đối với kết cấu hạ tầng hàng hải;

- Tuân thủ các quy định về bảo vệ hệ thống dây tải điện và trạm biến áp cung cấp điện cho cảng;

- Đối với kho tàng, bến bãi, nhà xưởng phải có phương án bảo vệ an toàn, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị;

- Phải có phương án phòng chống cháy, nổ đối với kho chứa hàng hóa dễ cháy, nổ;

- Thường xuyên kiểm tra, duy trì hệ thống thoát nước trong cảng bảo đảm thông thoát, tránh úng ngập;

Các phương tiện vận tải cơ giới, thiết bị nâng hàng và các phương tiện phục vụ sản xuất phải được tập kết đúng nơi quy định;

Xây dựng phương án ứng phó thiên tai cụ thể trong trường hợp tàu thuyền neo đậu tại cầu cảng để phòng chống thiên tai.

Nhiệm vụ phòng ngừa thiên tai của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển và cơ sở phá dỡ tàu biển

Đối với tàu thuyền đang đóng mới, sửa chữa, phá dỡ:

- Theo dõi diễn biến của thiên tai để chủ động xây dựng phương án ứng phó thiên tai phù hợp;

- Đối với tàu thuyền neo đậu tại cầu tàu phải tăng cường chằng buộc, bố trí tàu kéo trực cảnh giới.

Đối với các cần trục chân đế:

- Đưa cần trục về vị trí an toàn, khóa cố định chân đế và chằng buộc cần trục cẩn thận.

Đối với âu, ụ nổi:

- Chằng buộc máy móc, thiết bị, tàu thuyền trong âu bằng các biện pháp phù hợp như hàn đính, bắt bu-lông, tăng cường dây buộc, đóng kín các nắp hầm hàng và các biện pháp phù hợp khác;

- Hạ các cần cẩu về vị trí thấp, bắt chặt các giá đỡ cần;

- Đóng kín cửa ngăn hầm bơm với âu, duy trì bơm hút khô trong trạng thái sẵn sàng hoạt động;

- Hạ thấp ụ nổi ở mức nước tối đa, tăng cường dây neo, buộc.

Đối với triền đà:

- Tàu đóng mới, sửa chữa, phá dỡ trên triền đà phải được tăng cường chằng buộc với hệ thống xe triền, mặt triền;

- Máy móc, thiết bị phải được chằng buộc, che đậy.

Yêu cầu về phòng ngừa thiên tai đối với công trình đang xây dựng trong vùng nước cảng biển

- Đối với các công trình đang xây dựng có thời gian thi công kéo dài qua mùa bão lũ, chủ đầu tư phải xây dựng phương án ứng phó thiên tai phù hợp;

- Chủ đầu tư xây dựng phương án ứng phó thiên tai cụ thể cho công trường, công trình xây dựng và gửi cảng vụ hàng hải để phối hợp kiểm tra, chỉ đạo khi xảy ra thiên tai;

- Đối với trang thiết bị, máy móc thi công lớn như giá búa, cần cẩu, sà lan, phao nổi và các trang thiết bị khác, chủ đầu tư phải có phương án sơ tán, chằng buộc trước khi thiên tai xảy ra.

Yêu cầu về phòng ngừa thiên tai đối với tàu thuyền

Chuẩn bị phòng ngừa thiên tai đối với tàu thuyền:

- Đối với hàng hóa, trang thiết bị trên boong: Tổ chức sắp xếp, chằng buộc hàng hóa, trang thiết bị theo đúng quy định để bảo đảm an toàn;

- Các hệ thống động lực, cứu sinh, cứu hỏa, trang thiết bị thông tin liên lạc phải luôn duy trì trạng thái sẵn sàng hoạt động;

- Bảo đảm độ kín nước của tàu thuyền: Các nắp hầm hàng, cửa ra vào, cửa mạn tàu, hệ thống thông hơi hầm hàng, hầm neo phải được che chắn, gia cố bảo đảm kín nước;

- Chuẩn bị vật tư, thiết bị: Dây buộc tàu, dây kéo tàu, bạt kín nước, dây thép, vật liệu chống thủng, đèn chiếu ắc quy và các trang thiết bị có liên quan khác phải được trang bị đầy đủ.

Khi tàu thuyền hành trình trên biển:

- Phải tuân thủ quy định về phòng, chống thiên tai đối với tàu thuyền;

- Thực hiện chế độ thu nhận các bản tin thời tiết hàng ngày để nắm bắt kịp thời diễn biến của thiên tai;

- Kịp thời đưa tàu thuyền vào khu neo đậu tránh, trú bão đúng quy định về cấp tàu và tình trạng kỹ thuật của máy móc, thiết bị;

- Điều động tránh, trú bão hợp lý, hạn chế ảnh hưởng của thiên tai đến người, tàu thuyền và hàng hóa;

- Bơm, điều chỉnh hợp lý các két dằn, két dầu, nước để bảo đảm tính ổn định của tàu thuyền;

- Cấm những người không có nhiệm vụ đến khu vực sóng có thể tràn lên boong;

- Khi làm việc trên boong, ít nhất phải có hai người mặc áo phao cứu sinh và buộc dây an toàn.

Khi tàu thuyền neo đậu trong cảng:

- Tuân thủ lệnh điều động tàu thuyền của giám đốc cảng vụ hàng hải và yêu cầu tham gia khắc phục hậu quả thiên tai của cơ quan có thẩm quyền;

- Khi nhận tin về thiên tai phải triển khai ngay phương án ứng phó thiên tai;

- Phải tính toán độ dài neo cho phù hợp với địa hình, dòng chảy, mật độ tàu thuyền xung quanh và tăng cường dây buộc tàu để bảo đảm an toàn;

- Hệ thống động lực phải luôn trong trạng thái sẵn sàng hoạt động; hệ thống đèn, còi báo sự cố hoạt động ổn định;

- Khi xếp, dỡ hàng hóa phải luôn theo dõi, kiểm tra sơ đồ và tính ổn định của tàu thuyền, hàng hóa phải được chằng buộc đúng quy định;

- Phải luôn duy trì đủ các chức danh thuyền viên để bảo đảm cho việc cảnh giới và điều động tàu thuyền;

- Thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, phương tiện cấp cứu luôn trong trạng thái sẵn sàng.

Khi tàu thuyền neo đậu trong khu vực tránh, trú bão:

- Tổ chức phòng, chống thiên tai theo phương án đã xây dựng để bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền viên và hành khách;

- Phải đảm bảo duy trì chế độ thông tin liên lạc, thông báo chính xác vị trí, tình trạng của tàu thuyền, thuyền viên và hành khách cho cảng vụ hàng hải;

- Thường xuyên kiểm tra vị trí tàu để đề phòng đứt neo hoặc rê neo;

- Kịp thời báo cáo cảng vụ hàng hải, trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực hoặc đài thông tin duyên hải về sự cố của tàu thuyền mình hoặc tàu thuyền lân cận

Ý kiến của bạn

Bình luận