Phòng tránh tai nạn giữa tàu cá và tàu vận tải trên biển

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 26/04/2022 09:25

Những năm gần đây, tình hình tai nạn tàu cá có chiều hướng gia tăng, trong đó nổi lên là va chạm giữa tàu cá và tàu hàng. Nguyên nhân tai nạn chủ yếu là do sự chủ quan của ngư dân khi tiến hành hoạt động đánh bắt hải sản và sinh hoạt trên tàu.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đặc điểm địa hình bờ biển của Việt Nam dài hơn 3.200 km, vì vậy số bà con theo ngư nghiệp khá đông. Hoạt động đánh bắt trên biển nhộn nhịp, mật độ tàu thuyền trên biển ngày càng gia tăng. Cũng chính vì điều này mà những tàu hành hải ven biển căng thẳng nhất là phải tránh các loại tàu cá, lưới giăng, lưới cào, đăng, đó, giàn câu.
Khi đánh bắt trên biển, ngư dân trên tàu cá có một tập tục nguy hiểm, đó là cắt ngang mũi tàu lớn đang chạy để lấy may. Cơ quan chức năng đã khuyến cáo, nhắc nhở và cũng đã có không ít tàu cá bị đâm va khi cắt mũi tàu lớn, tuy nhiên tình trạng trên vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.
Một thực trạng khác là khi hành hải, tàu vận tải có thể tránh được tàu cá nhưng rất khó để tránh được lưới. Mặc dù chỗ nào có lưới, bà con ngư dân cũng làm ký kiệu nhưng trên ca-bin tàu cách mặt biển mấy chục mét hoặc vài hải lý thì khó phân được mặt biển xanh sẫm với quả phao trắng chỉ to bằng quả bóng đá, trên cắm 1 con cờ đuôi nheo màu đen cao chừng 1 m. Cho nên, việc chân vịt của tàu quấn lưới là chuyện thường xuyên. Nếu cắt được lưới thì tàu không sao, ngư dân cũng đỡ thiệt hại, chỉ phải nối lại chỗ đứt, còn bị quấn lưới vào chân vịt thì tàu mất thời gian, tiền bạc để khắc phục, bà con ngư dân cũng chịu thiệt hại nhiều vì một tay lưới thường có giá vài chục triệu đồng.
Một trường hợp nữa đã gây nên nhiều vụ tai nạn mà hậu quả vô cùng nghiêm trọng là trong quá trình hoạt động tại ngư trường, nơi có tuyến hành trình của các tàu vận tải, sau khi thả lưới song, bà con ngư dân không tổ chức trực canh, quan sát, ban ngày không trưng dấu hiệu, ban đêm không trưng các đèn hiệu để các tàu vận tải hành trình chạy qua nhận biết, vòng tránh nên đã có nhiều vụ đâm va giữa tàu biển và tàu cá mà hậu quả làm nhiều ngư dân tàu cá thiệt mạng trong khi đang ngủ, nghỉ trong khoang, tàu cá bị vỡ, chìm, toàn bộ tài sản bị thiệt hại. Đó là những vụ tai nạn hết sức tang thương, hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Để tránh được những thiệt hại trên, bà con ngư dân lưu ý không đánh cá ở những khu vực cấm đánh bắt, không chạy lấn luồng các tàu lớn; cử người trực canh, quan sát, canh gác và thắp đèn tín hiệu vào ban đêm, nếu điều kiện cho phép thì chủ động vòng tránh tàu biển để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Một trong những điểm đáng lưu ý nữa đối ngư dân khi đánh bắt trên biển đó là chấp hành tốt các quy định mua bảo hiểm cho người và tàu thuyền hoạt động khai thác thủy sản.
Bà con cần trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn, cứu nạn, hệ thống thông tin, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người và tàu thuyền theo tiêu chuẩn quy định; thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết và thực hiện đúng các hướng dẫn của cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động trên biển; tổ chức sản xuất theo tổ, đội để hỗ trợ, cứu giúp lẫn nhau khi hoạt động trên biển; khai báo đúng và đầy đủ tần số liên lạc của tàu, số lượng thuyền viên, ngư trường, tọa độ, vị trí khu vực hoạt động trên biển với đơn vị Bộ đội Biên phòng khi xuất bến.
Chủ tàu, thuyền trưởng phải đảm bảo tàu thuyền đánh bắt thủy sản luôn ở trạng thái an toàn, có đầy đủ các trang thiết bị an toàn cho người và tàu thuyền (áo phao, phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc, đèn, còi, trang bị công cụ, thiết bị chống cháy, chống chìm...); khai báo chính xác tần số liên lạc của đài tàu với chi cục quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố, đơn vị Bộ đội Biên phòng và UBND địa phương nơi cư trú; phải có đủ chứng chỉ chuyên môn (bằng thuyền trưởng, máy trưởng và số thuyền viên tàu cá phù hợp với từng nhóm tàu theo quy định); luôn mang theo danh bạ điện thoại, tần số thông tin cứu nạn, cấp cứu cần thiết; khuyến khích các chủ tàu đầu tư trang bị phao tự thổi.

Ý kiến của bạn

Bình luận