Phụ nữ góp sức đảm bảo trật tự ATGT

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 25/10/2016 05:53

Trong thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nói chung và cán bộ, hội viên, phụ nữ nói riêng đã chung tay góp sức vào công cuộc giữ gìn trật tự đô thị nói riêng và TTATGT nói chung.

Mo hinh doan duong tu quan phuong Ben Goc - Viet T
Mô hình "Đoạn đường tự quản" phường Bến Gót, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ

Nhiều mô hình hay

Những năm gần đây, nhiều địa phương, thành phố có nhiều tuyến đường, tuyến phố được gắn biển “Đoạn đường tự quản”, “Tuyến phố tự quản” do các tổ chức đoàn thể đảm nhận. Mô hình “Đoạn đường tự quản” này do các tổ chức đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ đứng ra chịu trách nhiệm quản lý một đoạn đường nhất định nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm trật tự, ATGT, an ninh ở khu dân cư.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội đã xây dựng những mô hình cụ thể và phù hợp với đặc thù của từng địa bàn. Nếu như năm 2014, Hội triển khai 4 nội dung trọng tâm là: “Hà Nội xanh”, “Hà Nội văn minh”, “Hà Nội nghĩa tình” và “Hà Nội an toàn” thì trong các năm sau chuyển sang tập trung nhóm hoạt động “Để thành phố sáng - xanh - sạch - đẹp”, điển hình là không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng, thực hiện tổng vệ sinh tại cơ quan nơi làm việc, đường làng ngõ xóm vào sáng thứ bảy hằng tuần. Bằng sự quyết tâm trong chỉ đạo, đưa nội dung này vào nội dung thi đua hàng năm, được sự hưởng ứng nhiệt tình của hội viên, đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố luôn duy trì và phát huy hiệu quả gần 1.000 đoạn đường phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp. Tổ chức hội các cấp còn phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội thành lập, duy trì 168 đội tự quản bảo đảm trật tự và văn minh đô thị.

“Điển hình trong thực hiện đoạn đường phụ nữ tự quản phải kể đến Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh. Ban đầu chỉ xây dựng được 2 đoạn đường tự quản, đến nay, Hội đã xây dựng được hơn 100 đoạn đường phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp, trong đó nhiều đoạn đường đạt tiêu chí thành phố đề ra. Hoạt động cụ thể của các cán bộ, hội viên trong mô hình này là quét rác, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm làm che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông; vận động người dân trang bị các giỏ hoa, trồng cây xanh, cây cảnh trước nhà… Đến nay, nhiều đoạn đường trên địa bàn huyện đã trở nên thông thoáng và sạch đẹp, thực sự là những “đoạn đường nở hoa”, bà Lê Kim Anh cho biết thêm.

Hà Nội chỉ là một trong rất nhiều địa phương đã, đang và tiếp tục phát triển rộng mô hình này. Thông thường, ở địa bàn nông thôn, “Đoạn đường tự quản” thường gắn với việc giữ gìn vệ sinh môi trường, còn ở địa bàn các phường, “Đoạn đường tự quản” có nhiều phần việc hơn như tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; kinh doanh đúng nơi quy định, nhắc nhở người dân không vứt rác bừa bãi... Với ý nghĩa tích cực đó, mô hình “Đoạn đường tự quản” đã thu hút được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người dân tại các địa bàn dân cư.

RA MẮT ĐOẠN ĐƯỜNG PHỤ NỮ TỰ QUẢN KHU 5
Ra mắt đoạn đường phụ nữ tự quản khu 5, xã Kim Đức, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ

Chung tay vì tương lai tươi sáng

Bên cạnh việc giữ gìn vệ sinh môi trường đoạn đường, mỗi một cán bộ, hội viên, phụ nữ còn là một tuyên truyền viên về ATGT tại cộng đồng. Chị em phụ nữ đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc vận động người thân trong gia đình thực hiện tốt các quy định ATGT khi tham gia giao thông và sử dụng các phương tiện giao thông đảm bảo an toàn.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, mô hình “Đoạn đường tự quản” chỉ là một trong 53 mô hình điểm về ATGT mà Hội Phụ nữ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và thực hiện trên khắp cả nước. Các mô hình duy trì sinh hoạt hàng tháng với nội dung phong phú, hội viên tại đó được tập huấn, tuyên truyền, cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với mục tiêu hạn chế, giảm thiểu TNGT. Các mô hình hoạt động này được chính quyền địa phương các tỉnh thành đánh giá cao, góp phần đáng kể vào việc giảm tình hình vi phạm TTATGT và lấn chiếm lề đường, vỉa hè ở các địa phương.

Đánh giá hiệu quả của các mô hình điểm ATGT, bà Trần Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, các mô hình, câu lạc bộ sinh hoạt đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ; nâng cao tinh thần trách nhiệm công dân, thực hiện tốt các quy định pháp luật về TTATGT và trật tự đô thị, tuyên truyền vận động mọi người chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, từ đó góp phần giữ gìn tốt TTATGT và trật tự đô thị, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh trong cán bộ, hội viên, góp phần tích cực cùng với cả nước, các ngành, các cấp giảm thiểu thiệt hại do TNGT và UTGT xảy ra.

Theo bà Trần Thị Hương, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động phụ nữ thực hiện, giám sát công tác bảo đảm TTATGT, đồng thời phát huy vai trò của những người cha, mẹ, người vợ, người chị trong gia đình tích cực giáo dục, tác động lên nhận thức của người thân, con em mình, nhất là học sinh, sinh viên về ý thức tự giác chấp hành việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đường bộ, mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy, bảo vệ hành lang ATGT đường sắt…

Ý kiến của bạn

Bình luận