Phụ nữ: Nhân tố quan trọng trong đảm bảo trật tự ATGT

Tác giả: THÙY DƯƠNG

saosaosaosaosao
Xã hội 01/11/2017 07:18

Phụ nữ với vai trò là người quán xuyến công việc gia đình nên được nhìn nhận là nhân tố quan trọng trong việc giảm thiểu các nguy cơ mất ATGT, là “cánh tay” đắc lực cho các tổ chức xã hội trong việc đảm bảo TTATGT.

 

phu nu
 

 ATGT khởi nguồn từ gia đình

Gia đình là hạt nhân của xã hội. Con cái chính là tấm gương phản ánh thực trạng đạo đức, nếp sống mỗi gia đình, việc giáo dục con cái của những bậc làm cha, làm mẹ. Xã hội phát triển khi có những gia đình tốt, những công dân tốt. Hạt nhân đó chính là thành quả do những người cha, người mẹ gây dựng nên. Đặc biệt, bàn tay người mẹ chăm sóc, gieo trồng cho những hạt giống đó được đâm chồi, nảy lộc và cho trái ngọt.

Gia đình là cái nôi hình thành nhân cách, giáo dục phẩm chất, đạo đức ý chí, tính cách để giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội, trong đó có ý thức tham gia giao thông. Văn hóa giao thông là kết quả, là một khía cạnh của văn hóa gia đình mà người phụ nữ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Họ vừa là tuyên truyền viên, giám sát viên để các thành viên trong gia đình cùng thực hiện tốt pháp luật giao thông.

Về vấn đề này, theo các chuyên gia giao thông thì nữ giới chiếm trên 50% dân số cả nước, tuy nhiên tỉ lệ phụ nữ vi phạm về TTATGT là thấp  (khoảng 15%), điều đó cho thấy ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của chị em phụ nữ là cao.

Ở Việt Nam có lẽ chúng ta ít thấy hơn hình ảnh phụ nữ lái xe lạng lách, đánh võng, chen lấn, giành đường mà thường là những hình ảnh chị em đoan trang, thùy mị tham gia giao thông một cách có văn hóa, luôn chủ động nhường đường cho người khác, tuân thủ hiệu lệnh điều khiển giao thông.

Trong cuộc sống hầu hết phụ nữ Việt Nam không uống rượu, không sử dụng chất kích thích thần kinh. Trong gia đình thì đa số phụ nữ là người đưa đón con đi học, đi chơi; phụ nữ cũng là người tự tay mua mũ bảo hiểm cho cả gia đình khi tham gia giao thông. Hầu hết chị em sẵn sàng và luôn có mong muốn đi dự tiệc với bạn trai hay chồng của mình để cùng chia sẻ niềm vui và hơn nữa có thể lái xe đưa người đàn ông đã uống rượu về nhà. Có thể khẳng định phụ nữ đã, đang và luôn là những người bảo vệ, đồng hành về sự an toàn khi tham gia giao thông ở Việt Nam.

Trong Lễ ký kết thống nhất Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động “Phụ nữ tham gia đảm bảo ATGT vì hạnh phúc của mỗi gia đình” giai đoạn 2017 - 2022 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Quang Nghĩa đánh giá cao Hội Phụ nữ các cấp trong thời gian qua đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo với nhiều mô hình được nhân rộng trong cả nước về công tác bảo đảm TTATGT như: Phụ nữ với ATGT; Gia đình phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật về ATGT; Phụ nữ không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang ATGT gây tai nạn và UTGT; Mô hình: Gia đình phụ nữ tích cực đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe mô tô, xe gắn máy vì sự an toàn của trẻ…

“Có thể nói, với truyền thống “Phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, chị em phụ nữ đã phát huy vai trò người mẹ, người chị, người em trong gia đình, tích cực là tuyên truyền viên vận động người thân, cộng đồng chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về đảm bảo TTATGT, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, góp phần quan trọng để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn, UTGT gây ra”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định.

Cần nâng cao vai trò của người phụ nữ

Đặc điểm của giáo dục trong gia đình là xây dựng thói quen, tính tự giác cho mỗi thành viên, trong đó người phụ nữ với vai trò người mẹ, người vợ, người chị, người em giữ vị trí quan trọng. Việc cán bộ, hội viên phụ nữ gương mẫu thực hiện và động viên chồng, giáo dục con cùng người thân trong gia đình thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về TTATGT từ việc đội mũ bảo hiểm đến cách ứng xử nhường nhịn và tự giác chấp hành luật giao thông sẽ góp phần tạo dựng thói quen tốt khi tham gia giao thông.

Bên cạnh các biện pháp mang tính tình thế, ứng phó cần có những cách làm mang tính chiến lược lâu dài, bền vững, đó chính là trang bị cho tầng lớp thanh thiếu niên nhận thức, hiểu biết về ATGT. Hơn ai hết, người mẹ có thể làm việc đó tốt nhất. Trong khoảng thời gian từ lúc sinh thành tới tuổi vị thành niên, trẻ tiếp thu thế giới khách quan, nhận thức và các lý luận cơ bản của cuộc sống được người mẹ trang bị thông qua những câu chuyện cuộc sống. Người phụ nữ có thể lồng ghép các câu chuyện giao thông trong các sinh hoạt hằng ngày như kể các mẩu chuyện vui, các hiện tượng và hậu quả vi phạm giao thông, cách ứng xử khi va chạm giao thông… Cách giáo dục tại gia đình gần gũi này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tích cực về mặt thông tin, nâng cao nhận thức của lớp trẻ đối với vấn đề ATGT.

Tuy nhiên, để tạo nên môi trường thật sự để phụ nữ khẳng định vai trò của mình trong vấn đề đảm bảo ATGT, chị em rất cần có các diễn đàn giao lưu, hội thi, giao lưu sinh hoạt, truyền thông cộng đồng... nhằm giáo dục cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia đảm bảo TTATGT. Chúng ta cần đặc biệt chú trọng việc tạo nên sức mạnh tổng hợp từ tập thể, phát huy vai trò của người phụ nữ trong việc tuyên truyền, vận động chồng con và người thân trong gia đình không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Để nâng cao vai trò của phụ nữ trong công tác đảm bảo TTATGT, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động, nâng cao nhận thức chấp hành quy định của pháp luật về ATGT cho cán bộ, hội viên phụ nữ; thường xuyên mở lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội, cung cấp kiến thức, kỹ năng ATGT; xây dựng tài liệu tập huấn cho cán bộ Hội tuyên truyền về giáo dục hành động thực hiện ATGT…

Ý kiến của bạn

Bình luận