Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Tham gia phiên thảo luận này có các diễn giả là những phụ nữ tiêu biểu trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm: kinh tế, khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học và kỹ thuật. Các khách mời là chị Nguyễn Phạm Thanh Thảo, nhà khoa học dữ liệu tại Amazon Japan; chị Nguyễn Việt Hà, CEO Công ty Kennet; chị Đỗ Thị Minh Phương, Cựu Biên tập viên VTV4, Giám đốc Truyền thông Công ty Koi Media (đóng vai trò diễn giả kiêm dẫn chương trình cho chuyên đề) và chị Đào Thị Ngọc Anh, Giáo sư trợ lý trường Đại học Tohoku. Đặc biệt, phiên thảo luận có sự tham gia của bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế nổi tiếng trong nước và là hình ảnh tiêu biểu cho những người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Năm khách mời trong chuyên đề đã mang đến cho khán giả nhiều thông tin và góc nhìn đa dạng, thú vị; cũng như đã góp chung một tiếng nói giúp các bạn nữ thêm tự tin phát huy thế mạnh củamình trong việc cân bằng cuộc sống và xây dựng sự nghiệp.
Mở đầu phiên thảo luận, bà Phạm Chi Lan chia sẻ những ấn tượng của bà về sự thay đổi về vai trò của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam trong những năm gần đây: từ những định kiến xã hội khiến con gái gần như không thể học quá cấp 1, cho đến những năm tháng chiến tranh yêu cầu người phụ nữ gánh mọi công việc gia đình và xã hội thay đàn ông đi chiến trận. Bà cho rằng, chiến tranh tuy là vận mệnh không may của đất nước nhưng lại là cú hích giúp xã hội công nhận phụ nữ “3 đảm đang”. Ngày nay, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ nữ giới tham gia lao động cao bậc nhất thế giới, phụ nữ chiếm 26% tổng số đại biểu quốc hội, tỉ lệ cao so với nhiều nước khác.
Nhìn từ khía cạnh vĩ mô, một xã hội không ưu tiên xây dựng chính sách cân bằng giới cấp tiến, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển sẽ vướng phải các hậu quả xã hội phức tạp và kéo dài. Tiến sĩ Ngọc Anh lấy ví dụ về một xã hội không mấy thân thiện với phụ nữ đi làm, Nhật Bản như một ví dụ điển hình cho xã hội “không mấy thân thiện” với phụ nữ đi làm. Hậu quả là hiện giờ họ đang phải đối mặt với tỉ lệ sinh thấp bậc nhất thế giới khi ngày càng có nhiều phụ nữ lựa chọn công việc thay vì gia đình. Chị Ngọc Anh nhấn mạnh thay vì quảng bá thông điệp phụ nữ cần sinh nhiều con hay cần lựa chọn gia đình, chúng ta cần phải tìm cách xây dựng một chính sách giới đúng đắn, hỗ trợ phụ nữ cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp. Và cũng cần nhìn nhận rằng, giúp phụ nữ phát triển không đơn thuần chỉ là vì bản thân người phụ nữ, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế và cấu trúc xã hội của một quốc gia.
Phiên thảo luận dành phần lớn thời gian để bàn về những hỗ trợ cho phụ nữ từ phía chính sách, doanh nghiệp, gia đình và cả những thay đổi từ chính bản thân người phụ nữ. Chị Việt Hà gợi ý về mặt vĩ mô cần xóa bỏ chênh lệch lương giữa hai giới, thiết lập một chế độ thai sản phù hợp, có luật bắt buộc phụ nữ nghỉ trước khi sinh một tháng để chăm sóc sức khỏe cho mẹ và con, đồng thời phân biệt nghỉ sinh con và nghỉ nuôi con như nhiều nước tân tiến là điều cần thiết. Cùng chung quan điểm, chị Thanh Thảo cho rằng để giúp phụ nữ quay lại nhanh với công việc, cần xây dựng các nhà trẻ chăm sóc trẻ nhỏ dưới 6 tháng, dịch vụ chăm sóc trẻ bị bệnh, các hỗ trợ từ phía chính quyền trong việc tìm người giúp việc theo giờ.
Chị Thanh Thảo cũng thể hiện mong muốn các doanh nghiệp tạo điều kiện cho phụ nữ làm việc thời gian linh hoạt, làm việc tại nhà, tổ chức các khóa training cho người quản lý để hiểu được những ưu điểm của đa dạng giới, từ đó cảm thông với phụ nữ hơn nữa trong công việc cũng như khuyến khích nam giới tham gia gánh vác việc nhà.
Càng về cuối, phiên thảo luận càng trở nên sôi nổi khi các khách mời bàn về sự hỗ trợ từ những người thân trong gia đình và thay đổi từ chính bản thân người phụ nữ. Các khách mời đều cho rằng sự chia sẻ, tâm sự thường xuyên giữa hai vợ chồng là điều cần thiết. Tuy nhiên, chị Việt Hà cho rằng, các chị em cũng nên giảm bớt kỳ vọng và biến điều ‘không hoàn hảo’ của chồng và của chính mình thành những điều đáng yêu. Xã hội, mà trước tiên là chính người phụ nữ, cần xóa bỏ những áp lực ‘3 đảm đang’ và công nhận sự đa dạng trong phong cách sống. Bà Chi Lan nhấn mạnh phụ nữ nên mạnh mẽ và năng động hơn nữa, bớt so sánh và yêu bản thân chính mình. Chị Thanh Thảo cũng chia sẻ “những dằn vặt tâm lý như không dành đủ thời gian cho con hay không làm tốt công việc đơn thuần chỉ là dấu hiệu cho thấy sự mệt mỏi của cơ thể (về thể chất và/hoặc tinh thần)”, và từ đó việc dành thời gian nghỉ ngơi cho chính mình nên được ưu tiên. Chị Việt Hà và bà Chi Lan cùng đồng tình với phương pháp “đặt ưu tiên tạm thời” cho những việc cần làm: chẳng hạn khi phải đi công tác hoặc có deadline công việc, bạn có thể ưu tiên toàn bộ sức lực cho công việc, tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài cho việc chăm sóc con; nhưng sau khi xong giai đoạn đó cần chuyển ưu tiên sang cho gia đình.
Hơn 80 khán giả đã tham gia chuyên đề và đặt ra nhiều câu hỏi hay cho các khách mời, như cách để phụ nữ không áp đặt định kiến lên chính mình và lên những người phụ nữ khác, hay suy nghĩ của các diễn giả về nhận xét “Phụ nữ giỏi thì khổ”. Các diễn giả nhất trí việc “biết chấp nhận và yêu bản thân mình” sẽ giải quyết được phần lớn vấn đề. Khi đó chúng ta sẽ tự tin với bản thân mình hơn, ít so sánh hơn và ít áp đặt định kiến hơn với cả chính mình và người khác. Ngoài ra, suy nghĩ “giỏi thì khổ” thường là cái nhìn của người thứ ba. Muốn trở nên “giỏi” ai cần trải qua một quá trình phấn đấu học tập, rèn luyện vất vả không phân biệt nam nữ; đồng thời những người giỏi sẽ là những người được trọng dụng, giao trọng trách lớn lao và vì thế, cũng vất vả hơn người khác. Những điều này có thể là “khổ” đối với người ngoài, nhưng với bản thân người “giỏi” thì lại là một sự đam mê, nhiệt huyết cống hiến và có cả niềm tự hào, tự tin vì được tin tưởng. Khi chính bản thân bạn thấy khổ vì mình giỏi thì có lẽ bạn đang phải làm việc mình không thích, hoặc quá giới hạn của bạn. Chị Việt Hà gợi ý, mỗi khi làm một việc gì đó hãy tự hỏi: “mình có vui không?” “mình có quá sức không?”, và từ đó thay đổi để tự giúp mình thoát khỏi nỗi khổ không đáng có.
Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản do ba tổ chức lớn trong cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản (bao gồm Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản VANJ, Cộng đồng chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản VPJ, và Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản VYSA) phối hợp tổ chức phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Đây là sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản và hy vọng sẽ trở thành nơi quy tụ những ý tưởng đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.