Chính quyền Paris khuyến khích người dân đi xe đạp để giảm phát thải ra môi trường. Ảnh: Getty. |
Ô nhiễm môi trường là vấn đề đau đầu của Paris từ thế kỷ 19-20, với nguyên nhân chính khi đó xuất phát từ các hoạt động công nghiệp.
“Từ đó đến nay, các nguồn ô nhiễm đã giảm nhiều”, bà Karine Leger, Giám đốc của Airparif, mạng lưới quản lý chất lượng không khí của Paris, cho biết tại buổi tọa đàm ở Hà Nội hôm 12/10. “Các quy định, quy chuẩn liên quan tới xe cộ đã giảm bớt ô nhiễm”.
30% phương tiện biến mất sau gần 2 thập kỷ
Từ năm 2001-2018, lượng phương tiện giao thông ở Paris giảm 30%. Nhờ vậy, từ 2005-2015 lượng phát thải NOx đã giảm 40% (đây là một loại tiền chất gây ra bụi siêu mịn PM2.5 làm giảm chất lượng không khí). Ngoài ra, lượng bụi PM10 đã giảm 32%, lượng CO2 giảm 22%, theo trình bày tại buổi tọa đàm được tổ chức bởi Live & Learn (tổ chức giáo dục về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu) và Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace) thuộc Đại sứ quán Pháp.
Theo các khách mời, một lợi thế của Paris so với Hà Nội trong việc giải quyết ô nhiễm không khí là xác định được nguồn gây ô nhiễm thời nay chính là từ phát thải giao thông.
Chính quyền Paris đã đạt được kết quả trên bằng hàng loạt các biện pháp như thắt chặt tiêu chuẩn phát thải của xe hơi, phát triển giao thông công cộng, tăng các khoảng không gian xanh, thực hiện các chương trình chia sẻ xe hơi. Người dân được khuyến khích đi xe đạp nhờ việc trợ cấp mua xe đạp, xây thêm làn đường dành cho xe đạp, mở các mạng lưới cho thuê xe đạp.
“Nhờ chương trình cho thuê xe hơi, người dân không nhất thiết phải mua xe riêng cho gia đình mà có thể đi xe chung... Họ chia sẻ cả xe chở hàng, xe chuyên dụng”, Olivier Cretien, trưởng phòng Tác động Môi trường của Ủy ban Sinh thái Đô thị Paris, cho biết.
Tuy vậy, thành phố Paris vẫn còn rất nhiều việc phải làm khi nguồn phát thải chính gây ra bụi mịn (PM2.5) là lò sưởi mở vẫn chưa được giải quyết triệt để, theo buổi tọa đàm.
Tại “kinh đô ánh sáng”, nhiều người dân vẫn phải tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm có nồng độ vượt mức tiêu chuẩn. Chẳng hạn, 1 triệu người tiếp xúc với NO2 vượt quá 40 microgram/m3, 100.000 người tiếp xúc với PM10 trên 50 microgram/m3 trên 35 ngày. 85% diện tích có nồng độ bụi siêu mịn PM2.5 trên tiêu chuẩn 10 microgram/m3 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nên đi phương tiện công cộng thay vì xe hơi
Trả lời câu hỏi của Zing.vn về kinh nghiệm giảm phát thải giao thông của Paris, ông Olivier Chretien cho biết tắc nghẽn giao thông là vấn đề liên quan tới ô nhiễm không khí, gây ra nhiều tranh luận ở Pháp.
“Phản ứng tự nhiên giải quyết tắc đường là tăng thêm làn đường, nhưng chúng tôi có những ví dụ cho thấy càng xây đường, xe cộ sẽ lại choán đầy phần đường mới... chúng ta sẽ có đoạn tắc đường lớn hơn, ô nhiễm nhiều hơn”, ông Chretien nói.
Ông nói trong thành phố đông dân nên phát triển phương tiện công cộng thay vì xe hơi, vì xe hơi tốn nhiều chỗ và cần chỗ đỗ xe, kèm theo vấn đề ô nhiễm.
“Chẳng hạn, nếu lưu lượng xe trên cao tốc là 2.000 xe mỗi giờ mỗi làn, con số đó tương đương với 1 chuyến tàu, một cao tốc tương đương 4 chuyến tàu mỗi giờ. Còn với tàu, bạn có thể có 20 chuyến tàu mỗi giờ - hiệu quả cao hơn nhiều”, ông nói.
Chính phủ Pháp cũng lập ra các “vùng phát thải thấp” (low emission zone), trong đó giới hạn một số loại xe nhất định và trong những giờ nhất định, hay có thể trong những ngày mà mức ô nhiễm không khí tăng vọt. Các xe hơi đi vào các vùng này phải có nhãn dán Crit’Air ở cửa kính, có các màu khác nhau tương ứng với 6 nhóm hạn mức về phát thải. Những xe ít gây ô nhiễm nhất được ưu tiên chỗ đỗ xe. Chủ xe có thể đăng ký mua nhãn dán đúng loại cho xe của mình trên trang web của chính phủ.
Ông Cretien cho biết việc thực thi các yêu cầu trên đang là một thách thức. “Nhiều khi cứ dán không đúng thực tế của xe đó... biện pháp nào cũng có những khó khăn”.
“Chúng tôi có nhân viên xử phạt, nhưng không đủ... hiện chỉ phạt 1.000 xe mỗi ngày, nhưng có tới 1 triệu xe vào thành phố mỗi ngày, chứng tỏ khả năng kiểm soát đang thấp”, ông Cretien chia sẻ.
“Chúng tôi muốn kiểm soát tự động dùng camera, nhưng ở Pháp không cho phép chụp lại tất cả biển số xe vì vấn đề quyền tự do cá nhân... nên chúng tôi đang làm việc ở cấp quốc gia, để có thể được phép kiểm tra không phải toàn bộ xe mà 20% số xe chẳng hạn”.
Ông cho biết chính quyền có chính sách hỗ trợ để gia đình nghèo mua xe bớt ô nhiễm hơn, cả xe mới lẫn xe đã qua sử dụng.
Nếu người dân Paris bán xe và lấy giấy chứng nhận là không còn xe nữa, họ được nhận 400 euro từ thành phố, bằng với chi phí phải chi cho giao thông công cộng hàng năm ở Paris.
Nếu mua xe mới, họ có thể được hỗ trợ từ chính phủ nếu chứng tỏ xe họ mới mua đạt tiêu chuẩn Euro 5 hoặc Euro 6 (tiêu chuẩn gắt gao hơn về phát thải).
“Được hỗ trợ bao nhiêu phụ thuộc vào thu nhập. Bạn phải có thu nhập dưới một mức nhất định. Nếu bạn mua xe chạy xăng, có thể được nhân khoảng 1.000-2.000 Euro, nếu bạn mua xe chạy điện, có thể khoảng 7.000 Euro, vì xe điện đắt hơn”, ông Cretien nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.