Quá trình đào tạo, sát hạch lái xe hơi tại Nhật Bản

Ý kiến phản biện 04/05/2019 08:35

Nhật Bản là một trong những quốc gia có giao thông an toàn nhất thế giới. Để có thể là “điểm sáng” về giao thông, Nhật Bản đã xây dựng hệ thống quy định cấp bằng lái xe khắt khe nhất thế giới.


Ảnh 1 - Một sân tập sa hình tiêu chuẩn tại Nhật Bả
Một sa hình tiêu chuẩn tại Nhật Bản

Tổng quan về hệ thống giao thông tại Nhật Bản

Về hệ thống giao thông nói chung tại Nhật Bản, xe hơi lái ở bên trái đường và có ghế lái và vô lăng ở bên phải. Độ tuổi tối thiểu hợp pháp để lái xe là 18 tuổi. Uống rượu khi lái xe đều bị nghiêm cấm. Các biển báo và quy tắc lưu thông của Nhật Bản đều theo tiêu chuẩn quốc tế và hầu hết các biển báo trên đường chính đều có tiếng Nhật và tiếng Anh đi kèm. Ngoài ra, các phương tiện phải dừng hẳn trước khi băng qua bất kỳ đường ray xe lửa nào.

Về quy định tốc độ, giới hạn tốc độ thường thấy ở Nhật Bản ở mức 80 đến 100 km/giờ trên đường cao tốc, 40 km/giờ ở khu vực thành thị, 30 km/giờ ở đường phụ và 50 - 60 km/giờ ở nơi khác. Tuy nhiên, một số tuyến đường có trang bị hệ thống giao thông thông minh nhằm điều chỉnh giới hạn tốc độ linh hoạt theo thời điểm.

Quá trình học và thi tuyển lấy bằng lái xe ô tô

Để có thể duy trì thứ hạng cao ở mức 5 và 7 trong thống kê các quốc gia có tỷ lệ tử vong do TNGT trên mật độ dân số và số lượng xe, Nhật Bản đã duy trì một hệ thống sát hạch và cấp bằng lái xe nghiêm ngặt nhất thế giới. Quá trình kiểm tra nghiêm ngặt đến mức hầu hết tài xế xe hơi tại Nhật Bản đều trượt sát hạch trong kỳ kiểm tra đầu tiên và chỉ có khoảng 35% học viên được cấp bằng lái. Ngoài ra, rất nhiều học viên phải thi lại đến lần thứ hai hoặc ba thì mới đạt đủ yêu cầu của kỳ kiểm tra sát hạch.

Để có thể tham dự quá trình sát hạch cấp bằng lái xe, học viên cần phải có đủ 30 giờ đào tạo trong tay và số giờ học một ngày không được vượt quá hai tiếng. Chính sách này khiến cho học viên không thể “đi tắt” nhằm có bằng một cách sớm nhất có thể. Một khóa học lái xe tại Nhật Bản có thể kéo dài đến 3 - 4 tháng và tối đa 9 tháng dành cho bằng lái xe phổ thông.

Đối với quá trình thực hành, những người có nhu cầu có bằng lái xe sẽ phải đăng ký học và thi thực hành tại các cơ sở đào tạo lái xe được chỉ định bởi cơ quan có thẩm quyền. Các cơ sở thực hành sẽ tiến hành đào tạo kỹ năng cho học viên, đồng thời kiêm luôn trách nhiệm sát hạch thực hành cho học viên. Ngoài ra, học viên có thể tham dự kỳ thi thực hành chính thức do Chính phủ tổ chức với lệ phí cao hơn rất nhiều. Ngoài ra, những người hoàn thành kỳ sát hạch của các trung tâm chỉ định sẽ chỉ cần hoàn thành nốt kỳ sát hạch lý thuyết là sẽ đạt đủ tiêu chuẩn cấp Giấy phép lái xe.

Ảnh 2 -  Bằng lái xe hạng xanh lá dành do người đư
ằng lái xe hạng xanh lá dành do người được cấp phép lần đầu

Quá trình đào tạo lái xe tại các trung tâm được chia làm nhiều giai đoạn. Tại giai đoạn 1, các học viên sẽ được học các thao tác cơ bản khi lái xe, cùng với các cách xử lý tình huống tại sân tập tiêu chuẩn của cơ sở đào tạo. Các buổi học bắt buộc phải có giáo viên ngồi trên ghế phụ và hướng dẫn cho học viên. Sau mỗi buổi học, giáo viên sẽ đánh giá khả năng của học viên theo từng buổi học. Nếu không đạt tiêu chí, học viên sẽ phải tiếp tục học lại lần nữa cho đến khi đạt. Sau khi kết thúc giai đoạn 1, học viên sẽ phải thực hiện bài kiểm tra trắc nghiệm lý thuyết và thực hành sa hình. Nếu đạt đủ số điểm yêu cầu, học viên sẽ được cấp Giấy phép lái xe tạm thời và chuyển sang giai đoạn đào tạo 2. Bằng lái này có thời gian hiệu lực 6 tháng và sẽ bị hủy sau đó nếu học viên không tham gia giai đoạn đào tạo 2.

Tại giai đoạn 2, học viên vẫn duy trì việc học như giai đoạn trước và được tham gia thực hành trên đường phố dưới sự giám sát của giáo viên. Sau khi kết thúc giai đoạn này, học viên sẽ được hướng dẫn tham gia kiểm bài thi sát hạch bao gồm lý thuyết và thực hành để kiểm tra đủ điều kiện thi tốt nghiệp. Nếu hoàn thành, học viên sẽ được sát hạch thực hành chính thức. Ngược lại, nếu không qua được kỳ sát hạch, học viên sẽ phải tiếp tục học cho tới khi giáo viên hướng dẫn cho phép thi.

Sau khi hoàn thành bài thi sát hạch chính thức tại trung tâm, học viên sẽ phải mang giấy chứng nhận tốt nghiệp tới trung tâm cấp bằng nơi mình cư trú, dự thi tiếp kỳ thi 100 câu lý thuyết cuối cùng. Bài thi được đánh giá có độ khó cao và là nguyên nhân chính khiến cho tỉ lệ đỗ để lấy bằng rất thấp. Nếu hoàn thành bài thi với số điểm trên 90, học viên sẽ được chính thức cấp bằng lái xe hạng xanh lá dành cho người mới lái. Tài xế sở hữu bằng lái hạng xanh lá sẽ phải dán biểu tượng mới lái trên xe trong một năm kể từ lúc lấy bằng. Bên cạnh việc dán biểu tượng, mỗi bằng lái hạng xanh có quỹ 4 điểm trong một năm, tùy mức độ vi phạm giao thông mà bị trừ bao nhiêu điểm, nặng nhất là 3 điểm liên quan đến lỗi gây ra tai nạn.

Các quy định và quyền lợi khi lên hạng bằng

Cho dù quá trình học và sát hạch lái xe rất nghiêm ngặt, Chính phủ Nhật Bản cũng rất mạnh tay trong việc thu hồi bằng và treo bằng lái xe. Việc tài xế bị treo bằng tại Nhật Bản thường xuyên xảy ra, kể cả với những lỗi vi phạm nhỏ. Tuy nhiên, những tài xế có trách nhiệm cũng nhận được rất nhiều quyền lợi từ chính quyền. Sau khi hoàn thành 3 năm sử dụng bằng lái hạng xanh lá dành cho người bắt đầu, tài xế sẽ được gia hạn sang bằng lái xe hạng phổ thông (xanh dương) với cùng niên hạn 3 năm. Nếu người lái xe trong 3 năm sử dụng bằng hạng xanh dương không vi phạm lỗi, cơ quan chức năng sẽ nâng hạng bằng lái của tài xế lên hạng vàng với niên hạn 5 năm. Số lượng người sở hữu bằng lái hạng vàng tại Nhật Bản rất ít, khiến cho những người sở hữu loại bằng này được xã hội Nhật Bản đánh giá là những công dân gương mẫu, có trách nhiệm. Ngoài ra, bằng lái hạng vàng cũng giúp tài xế có nhiều lợi thế khi tham gia tuyển dụng, vay vốn ngân hàng và mua bảo hiểm với mức ưu đãi.

Ý kiến của bạn

Bình luận