Các nữ sinh trung học Hàn Quốc trong lớp học vào khoảng năm 1964. Ảnh: Flickr |
Hàn Quốc tự hào sở hữu một trong những lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao nhất trên thế giới. Nhiều người cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc vững mạnh nhờ đề cao tầm quan trọng của giáo dục, sẵn sàng trả lương hậu hĩnh cho những người đầu tư công sức vào giáo dục bậc cao.
Điểm số PISA tổng thể của Hàn Quốc đã giảm trong những năm gần đây, nhưng nó luôn nằm trong top 10 kể từ năm 2006. PISA, chương trình đánh giá học sinh quốc tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ra đời nhằm so sánh các hệ thống giáo dục trên toàn cầu. Vậy bí quyết thành công của Hàn Quốc là gì? Cách tiếp cận giáo dục của nó có thể được nhân rộng hay không?
Đầu tư và cải cách giáo dục
Asia Society thông tin, người dân Hàn Quốc gần như phổ cập tiểu học và trung học kể từ khoảng năm 1990, và hiện nay 86% thanh niên ghi danh vào các chương trình giáo dục đại học. Sự phát triển giáo dục có thể được giải thích bởi lý do văn hóa và lịch sử, kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và chính sách quyết đoán của chính phủ.
Trước hết, truyền thống Nho giáo lâu đời đã thiết lập một xã hội mà trong đó các học giả xếp trên cùng của hệ thống phân cấp. Những ai ăn học tử tế đều được mọi người kính nể. Tuy nhiên, ngay cả những người Hàn Quốc bình thường cũng có thể tận hưởng sự tôn trọng của xã hội và những đặc quyền khác của tầng lớp cao nhất này bằng cách vượt qua Kwageo, kỳ thi nghiêm ngặt để trở thành công chức. Sự dân chủ hóa tài năng này dồn lực vào sức mạnh của giáo dục để thay đổi cuộc sống.
Cuộc kháng chiến khốc liệt chống lại ách đô hộ của Nhật Bản từ năm 1910 đến năm 1945 cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của tự lực kinh tế và phát triển quốc gia thông qua giáo dục, dẫn đến việc thành lập khoảng 3.000 trường tư trên toàn quốc. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Triều Tiên sau đó đã tàn phá đất nước, khiến người dân không còn cách nào khác ngoài làm việc cật lực để khôi phục tình hình. Chăm chỉ được xem như nét tính cách đặc trưng của người Hàn Quốc, được hình thành qua quá trình lịch sử phức tạp.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Hàn Quốc đóng góp đáng kể vào giá trị của giáo dục đại học. Trong 25 năm qua, đất nước đã nhận một tỷ lệ hoàn vốn rất cao từ đầu tư giáo dục, khoảng 10%. Tiến sĩ SooBong Uh, Đại học Công nghệ và Giáo dục Hàn Quốc tuyên bố "sẽ khôn ngoan hơn nếu những người trẻ tuổi đầu tư tiền bạc vào giáo dục thay vì giữ khư khư trong ngân hàng".
Bên cạnh đó, tấm bằng đại học mang lại cho bạn một khoản lương hậu hĩnh. Năm 2007, sinh viên tốt nghiệp đại học kiếm được gấp 2,5 lần so với các đồng nghiệp chỉ có tấm bằng trung học cơ sở. Với sự công nghiệp hóa nhanh chóng của đất nước, thị trường lao động của Hàn Quốc được phân chia rõ rệt theo trình độ giáo dục. Như vậy, vào đại học được coi là bước cần thiết để đặt chân vào thị trường lao động chính. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp từ 10 trường đại học lớn chiếm gần ba phần tư vị trí cao cấp của chính phủ.
Chính phủ cũng thể hiện cam kết nhất quán trong việc đầu tư vào giáo dục. Bộ Giáo dục hiện có ngân sách 29 tỷ USD, gấp sáu lần năm 1990, chiếm khoảng 20% chi tiêu của chính phủ trung ương.
Kể từ năm 1954, chương trình giáo dục đã trải qua bảy lần sửa đổi lớn, nhằm "phản ánh nhu cầu mới về giáo dục của một xã hội đang thay đổi, và khía cạnh mới của các môn học".
Bản cập nhật mới nhất, được gọi là Chương trình giảng dạy thứ bảy, nhằm chuẩn bị tri thức toàn cầu hóa thế kỷ 21, áp dụng cho học sinh từ lớp 1 đến 10. Chương trình nhấn mạnh tính cá nhân, sáng tạo, kiến thức về văn hóa Hàn Quốc cũng như các nền văn hóa khác. Học sinh được phép tùy chọn khóa học trong hai năm cuối trung học.
Nghề giáo được coi trọng
Nền giáo dục Hàn Quốc có một số điểm trái ngược Phần Lan, quốc gia thành công khác về giáo dục. Học sinh Phần Lan tận hưởng 15 phút nghỉ giải lao sau mỗi 45 phút học, dành ít thời gian trong lớp hơn so với mức trung bình toàn cầu. Ngược lại, học sinh Hàn Quốc dành phần lớn thời gian trong lớp học và học thêm đến tối muộn. Chi tiêu tư nhân cho giáo dục (bao gồm học thêm) chiếm 3,6% GDP quốc gia của Hàn Quốc. Dù vậy, cả hai quốc gia đều đứng ở top đầu thế giới khi xét đến điểm đánh giá năng lực học sinh. Điều này góp phần chứng minh việc cải thiện chất lượng tổng thể của giờ học sẽ hiệu quả hơn tăng thời gian học tập.
Tuy nhiên, giữa hai nền văn hóa đông tây trái ngược này tồn tại điểm tương đồng nổi bật: cách đối đãi với giáo viên trong xã hội. Cũng như Phần Lan, giáo viên Hàn Quốc rất được xem trọng. Họ không chỉ là nguồn cung cấp và truyền đạt tri thức cho lớp trẻ mà còn được xem là nhân vật có quyền thế. Giảng dạy là một nghề nghiệp đáng mơ ước ở Hàn Quốc, nhưng chỉ có 5% ứng viên được chấp nhận vào các chương trình đào tạo giáo viên tiểu học hàng năm. Dường như cảm giác được xã hội đánh giá cao thúc đẩy những người tài giỏi nhất của đất nước theo đuổi nghề giáo.
Khoản đầu tư của chính phủ vào giáo dục được chi mạnh tay cho lương giáo viên. Theo dữ liệu công bố năm 2018 của OECD, lương giáo viên tiểu học Hàn Quốc xếp thứ 3 thế giới với mức khởi điểm là 28.352 USD mỗi năm. Lương giáo viên trung học xếp thứ 4, trong đó kinh nghiệm và thâm niên ảnh hưởng rất lớn đến mức thu nhập. Năm đầu tiên, giáo viên chỉ kiếm được 27.702 USD, nhưng con số tăng lên thành 41.875 USD sau 10 năm và có thể đạt mức cao nhất là 77.979 USD.
Văn hóa Hàn Quốc đặt trọng tâm vào thành tích học tập, đó là một niềm tin văn hóa sâu sắc và khó có thể áp dụng cho mọi quốc gia khác. Tuy nhiên, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, đào tạo giáo viên nghiêm ngặt hơn và cung cấp đãi ngộ hấp dẫn cho nghề giáo là cách "sao chép" phù hợp.
Thách thức cần vượt qua
Thành công của giáo dục Hàn Quốc không đến dễ dàng mà là kết quả của nhiều thập niên tập trung mạnh mẽ vào việc xây dựng "đất nước đẳng cấp thế giới".
Nhưng để thành công, họ phải trả giá. Học sinh chịu áp lực khủng khiếp và dồn dập. Tài năng không phải là điều để cân nhắc, bởi vì văn hóa đất nước này tin vào sự chăm chỉ và siêng năng hơn tất cả, không có lý do gì cho thất bại. Trẻ em học quanh năm, cả ở trường và với gia sư. Nếu bạn học đủ chăm chỉ, bạn có thể đủ thông minh.
"Người Hàn Quốc về cơ bản tin rằng tôi phải trải qua giai đoạn khó khăn này để có một tương lai tươi sáng", Andreas Schleicher, giám đốc về giáo dục và kỹ năng tại PISA và cố vấn đặc biệt về chính sách giáo dục tại OECD nói. Không chỉ bố mẹ gây áp lực cho con cái, áp lực từ bạn học cũng thúc đẩy mỗi người cải thiện kết quả học tập.
Nhận xét của Okhwa Lee, giáo sư tại Đại học Quốc gia Chungbuk đáng để suy ngẫm: "Hàn Quốc có tỷ lệ tốt nghiệp cao, nhưng người Hàn Quốc có niềm đam mê giáo dục thấp". Quá nhiều người xem các cơ sở giáo dục như "cửa hàng tiện lợi" để đạt được tiền tài và địa vị trong cuộc sống. Do vậy, bài toán mà chính phủ đang đặt ra là nâng cao ý thức học tập suốt đời của mỗi người dân, xem đó là khía cạnh không thể thiếu trong sự phát triển của đất nước.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.