Một chiếc Hunter MQ-5B |
Hunter là hệ thống máy bay không người lái đầu tiên được đưa vào hoạt động trong quân đội Mỹ. Nó đã bắt đầu sứ mệnh đầu tiên hồi 1995 và có mặt ở nhiều căn cứ của nước này. Ban đầu nó được dùng chủ yếu trong các nhiệm vụ huấn luyện bộ binh nhưng về sau, Hunter được đưa tới châu Âu để hỗ trợ NATO trong cuộc chiến Kosovo (1999 - 2002). Tiếp sau đó, cỗ máy không người lái lại chao cánh trong cuộc chiến Iraq bắt đầu hồi 2003.
Về mặt chức năng, Hunter là một UAV do thám và trinh sát, nó không có khả năng tiêu diệt mục tiêu. Hunter được trang bị các hệ thống ghi nhận hình ảnh cho phép nó thu thập được dữ liệu thực địa thời gian thực. Chủ yếu nó được dùng để theo dấu hành trình của các binh lính, dẫn dắt họ đến các mục tiêu, hoặc để tránh oanh tạc nhầm đồng đội; đồng thời nó cũng để theo dấu các mục tiêu để từ đó xác định được toạ độ các cứ điểm bí mật.
Hunter MQ-5B chuẩn bị cất cánh |
Trong 20 năm hoạt động, Hunter đã có một vài lần nâng cấp giúp tăng cường bán kính hoạt động, thời gian bay cũng như hệ thống trinh sát. Phiên bản MQ-5B có thiết kế 2 đuôi với 2 động cơ nằm ở giữa thân, trong đó 1 "đẩy" và 1 "kéo". Nó có khả năng bay liên tục 20 giờ với bán kính hoạt động 200 km và ở trần cao 5,5 km.
Cỗ máy này được trang bị các cảm biến quang điện tử cũng như hồng ngoại cho phép nó hoạt động cả ban đêm. Đặc biệt MQ-5B còn có cả chế độ relay, một tính năng độc nhất cho phép tổ lái điều khiển thêm một chiếc Hunter khác nếu nó nằm trong phạm vi của chiếc Hunter đầu. Điều này đặc biệt cần thiết trong điều kiện bay ở đồi núi nơi có nhiều chướng ngại vật.
Tới cuối 2011, các chiếc Hunter đã thực hiện tới hơn 110.000 giờ bay (hơn 4.580 ngày hay 12,5 năm), cho thấy đây là một cỗ máy vận hành ổn định, bền bỉ và đáng tin cậy, đặc biệt ở những điều kiện khắc nghiệt như các dãy núi ở Balkan hay sa mạc nóng bỏng của Iraq. Nó cũng cho thấy tính hiệu quả của việc sử dụng UAV để hỗ trợ chiến đấu, khi là chiếc đầu tiên được chính thức hoạt động trong quân đội Mỹ.
Sau khi Hunter "về hưu", vị trí của nó trong quân đội Mỹ sẽ được thay thế bởi chiếc Grey Eagle có thời gian bay tới 25 giờ, tốc độ tối đa 310 km/h và trần bay 8,8 km. Ngoài hệ thống cảm biến quang điện tử và hồng ngoại như Hunter, Grey Eagle còn được trang bị thêm một hệ thống radar tổng hợp cũng như một số vũ khí khác, cho phép nó không chỉ thực hiện chức năng trinh sát mà còn có thể tấn công yểm hộ cho bộ binh (close air support), bảo vệ các đoàn hậu cần (convoy protection), phát hiện và tiêu huỷ các khối nổ cải tiến (IED).
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.