Ảnh minh họa |
Những năm vừa qua, công tác đào tạo lái xe và sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) của nước ta đã được liên tục nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX theo hướng hiện đại, tiếp cận với trình độ quản lý và áp dụng công nghệ hiện đại của các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội khi số phương tiện tham gia giao thông đường bộ gia tăng hàng năm, góp phần đảm bảo TTATGT chung cả nước.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình TNGT ở nước ta diễn biến phức tạp (đặc biệt là giao thông đường bộ). Tình trạng người tham gia giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn còn nhiều. Nhiều lỗi vi phạm gây mất trật tự ATGT và đã xảy ra nhiều TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm kìm chế TNGT, một trong các giải pháp trên là “Nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo & cấp GPLX”. Theo đó, giáo trình đào tạo lái xe và bộ câu hỏi sát hạch lái xe luôn được cập nhật, bộ câu hỏi sát hạch được bổ sung, hoàn thiện tăng từ 300 câu hỏi lên 450 câu hỏi và tới đây là 600 câu hỏi. Bên cạnh đó, các lỗi vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất kích thích, ma túy, đi vượt tốc độ cho phép, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi lùi trên đường cao tốc… diễn ra khá phổ biến đã gây ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Hiện nay, Chính phủ đang sửa đổi thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và sửa Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Qua tham khảo kinh nghiệm quản lý công tác đào tạo sát hạch và cấp bằng lái xe ô tô của một số nước, trong đó có các nước thuộc EU và cụ thể tại Cộng hòa Pháp đang thực hiện và quản lý rất có hiệu quả trong việc bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, cụ thể:
A. Tổng quát về đề xuất (Ý tưởng) quản lý GPLX ô tô bằng “Điểm”
Quản lý GPLX ô tô bằng “Điểm” gồm 02 giai đoạn cụ thể:
Giai đoạn 1: Đào tạo theo khóa học tập trung tại Trường hoặc Trung tâm đào tạo; (tại Việt Nam cũng đang thực hiện theo nội dung này).
Chương trình khóa học gồm:Phần học lý thuyết và phần thực hànhđược tổ chức đào tạo tại các trung tâm đào tạo lái xe trong một khoảng thời gian quy định theo giáo trình đào tạo (tùy theo quy định cụ thể của từng nước).Sau khi hoàn thành khóa học và thi đạt trong kỳ sát hạch lý thuyết và thực hành, học viên sẽ được cấp GPLX đạt số điểm = 50% điểm tối đa (đạt 06/12 điểm).
Riêng tại Việt Nam hiện nay, cũng đang áp dụng chương trình này, sau khi hoàn thành khóa học và thi đạt trong kỳ sát hạch lý thuyết và thực hành, học viên sẽ được cấp GPLX và được quyền lái xe kể từ khi có GPLX.
Giai đoạn 2: Người đã có GPLX tập sự (đạt 06/12 điểm) tự đào tạo, trực tiếp lái xe tham gia giao thông trong khoảng từ 02 đến 03 năm tùy quy định của từng nước (tại Pháp quy định là 03 năm).
Điều đáng lưu ý, giai đoạn tự đào tạo này tại Việt Nam không áp dụng, đây cũng là nguyên nhân đề xuất ý tưởng của tác giả.
Giai đoạn này hầu hết các nước trên thế giới áp dụng, cụ thể:
+ Người có GPLX tập sự (thời gian tập sự lái từ 2 - 3 năm) tùy theo từng nước, đối với các nước thuộc EU thường là 03 năm. Trong 03 năm nếu lái xe an toàn, không có vi phạm (không bị trừ điểm) thì sau mỗi năm lái xe an toàn được cộng thêm 02 điểm, sau 03 năm được cộng thêm 06 điểm và điểm tối đa trên GPLX của người lái xe là 12 điểm;
+ Người có GPLX đã đạt điểm tối đa (12/12 điểm) lái xe tham gia giao thông nếu bị vi phạm nhiều lỗi sẽ bị phạt trừ điểm (ngoài việc phạt bằng tiền) thì hệ thống quản lý “điểm” GPLX sẽ tự động trừ điểm đến khi GPLX của người vi phạm còn (02/12 điểm) là giới hạn điểm cận dưới của GPLX (không được lái) để bắt buộc người lái xe phải học lại khóa đào tạo về tâm lý lái xe và kỹ năng xử lý tình huống (khoảng 03 ngày) với số tiền học phí khoảng 400 Euro; trường hợp đặc biệt người lái xe vi phạm phải thi lại để lấy bằng lái xe và chu trình quản lý được lặp lại như trên.
Với cách tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và quản lý GPLX bằng “Điểm” như trên của các nước phát triển trên thế giới, đòi hỏi người có GPLX luôn luôn phải chú ý chấp hành Luật Giao thông đường bộ và luôn nâng cao ý thức và kỹ năng khi lái xe bảo đảm an toàn nhất, hạn chế thấp nhất việc vi phạm luật.
Tại các nước phát triển trên thế giới, thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin, để quản lý xử phạt vi phạm và trừ điểm trên bằng lái xe rất minh bạch, không bỏ sót lỗi vi phạm và giảm tải rất lớn cho lực lượng tuần tra, xử lý người lái xe vi phạm khi tham gia giao thông. Việc quản lý này rất hiệu quả, vì người có GPLX được quản lý thường xuyên trong quá trình tham gia giao thông (cả ngày và đêm) thông qua hệ thống quản lý “động” như trên.
B. Kinh nghiệm về công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và quản lý GPLX ô tô; xử phạt hành chính khi người lái xe vi phạm tại Cộng hòa Pháp
1. Khóa học lấy GPLX (bằng lái xe) tại Pháp để học lấy bằng lái xe, học viên bắt buộc phải học qua hai khóa học:
Khóa học lý thuyết: Thời gian được kéo dài tối đa trong vòng 2 năm. Sau khóa học, học viên phải thi qua khóa học với số điểm lớn hơn hoặc bằng 35/40 câu hỏi thì mới được đỗ. Quá trình học và thi lý thuyết hoàn toàn được thực hiện dựa trên các câu hỏi trắc nghiệm trên máy chiếu. Mỗi câu sẽ có 4 phương án trả lời và học viên phải chọn tất cả các phương án đúng. Trong thời gian trả lời cho câu hỏi là một phút (= thời gian phản ứng). Để trả lời thì học viên chỉ việc bấm vào nút 1,2,3 hoặc 4 trên máy bấm trắc nghiệm điện tử.
Khóa học thực hành: Sau khi đã thi qua khóa học lý thuyết, học viên sẽ được phép học thực hành (1 thầy + 1 học viên + 1 xe) trong vòng ít nhất 20 giờ lái xe trước khi được phép thi. Thường thì mỗi tuần, học viên chỉ được học tối đa là 3 đến 4 giờ lái; mỗi ngày học chỉ được học tối đa 2 giờ lái xe.
Sau khi hoàn thành khóa học và thi đạt qua kỳ sát hạch (lý thuyết & thực hành), người lái xe được cấp bằng lái (GPLX) có chíp điện tử hoặc bằng giấy. Số điểm ban đầu được cấp cho người mới lái là (06/12 điểm) trên hệ thống điện tử.
Người có GPLX (06/12 điểm) tự tham gia giao thông lái xe trong thời gian 03 năm: Nếu người lái xe không phạm bất cứ một lỗi vi phạm nào dẫn đến phải trừ điểm trên bằng lái thì cứ sau mỗi năm, trên bằng lái sẽ được cộng tăng thêm 2 điểm. Như vậy, sau 3 năm lái xe thực tế (tập sự), nếu không vi phạm thì người có bằng sẽ đạt được số điểm tối đa là (12/12 điểm).Việc quản lý điểm GPLX được tự động “tăng” hoặc “giảm” số điểm, cụ thể:
Khi người lái xe trong thời gian tập sự bị phạm lỗi hệ thống tự động dừng không cộng điểm vào bằng lái của người lái xe; sau thời gian đủ 01 năm (kể từ thời điểm người lái xe phạm lỗi) nếu người lái xe an toàn (không phạm lỗi tiếp) thì hệ thống tiếp tục tự động cộng điểm theo quy định (01 năm lái xe an toàn được cộng thêm 02 điểm);
Khi người lái xe phạm lỗi, tổng số điểm của bằng lái xe đã bị trừ chỉ còn (02 điểm) thì người lái xe bắt buộc phải học bổ sung 01 khóa học bổ trợ tâm lý và xử lý tình huống cho lái xe trong thời gian 03 ngày, người lái xe phải trả phí đào tạo gấp khoảng 10 lần mức phạt lỗi vi phạm khi lái xe (khoảng 400 Euro). Hoàn thành khóa học, người lái xe được nhận 04 điểm để trở lại bằng lái xe mới ra trường (06 điểm) và tiếp tục thực hiện chu trình quản lý như trên sau 03 năm lái xe an toàn mới được cộng thêm 06 điểm để đủ 12 điểm (tối đa).
Với mỗi vi phạm giao thông, một số điểm nhất định trên bằng lái có thể bị trừ đi. Số điểm này sẽ được trừ trên hệ thống điện tử sau khi người vi phạm nộp tiền phạt ở các trung tâm thu tiền phạt vi phạm giao thông. Nếu trong thời gian 15 ngày mà người vi phạm không đến trung tâm nộp tiền phạt thì số tiền phạt sẽ tự động tăng theo cấp số nhân. Khi số tiền phạt tăng đến mức tối đa, người vi phạm sẽ bị triệu tập đến tòa án và bị đưa ra tòa để phán quyết.
Về quy định nhận tiền nộp phạt: Cảnh sát giao thông (lực lượng tuần tra xử lý vi phạm Luật GTĐB) khi phạt chỉ có nhiệm vụ ghi giấy phạt, tuyệt đối không được nhận tiền nộp phạt của người vi phạm Luật GTĐB.
Về quản lý GPLX:Sau khi GPLX bị trừ điểm có hiệu lực, người lái xe được thông báo về địa chỉ nhà về số điểm còn lại. Khi nào bị trừ hết điểm thì sẽ nhận được thông báo là bằng lái xe hết hiệu lực và người lái không được quyền lái xe. Khi đó bắt buộc phải đi học 01 khóa học bổ sung, hoặc phải thi lại để lấy bằng lái xe.
2. Về các lỗi vi phạm bị phạt hành chính
2.1. Mức phạt hành chính tối đa và không bị trừ điểm trên bằng lái xe.
+Lỗi được coi là vi phạm giao thông:
Đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt: Phạt một lần 90 € hoặc 135 €;
Lái xe không có biển hiệu (A) dành cho người mới lái xe (trong ba năm đầu tiên kể từ khi có bằng lái): Phạt từ 22 € tới 35 €;
Không trả tiền ở trạm thu phí: Phạt từ 22 tới 35 €;
Không xuất trình đăng ký xe: Phạt 33 €;
Quên thay đổi địa chỉ nhà trên giấy đăng ký xe: Phạt 135 €;
Không xuất trình giấy đăng kiểm đúng thời hạn: Phạt 135 €;
Biển số xe không rõ hoặc bị che khuất: Phạt 68 €;
Không có biển số xe hoặc biển sai quy định: Phạt 135 €;
Vượt đèn vàng trong trường hợp không cần thiết: Phạt 35 €;
Lái xe trên làn đường giữa hoặc bên trái trên đường cao tốc: Phạt 35 €;
Không trả tiền đạu xe trên bãi đậu hoặc đạu xe sai quy định: Phạt 17 €;
Lạm dụng còi trong trường hợp không cần thiết: Phạt 35 €;
Dùng đèn pha không đúng quy định hoặc sử dụng không đúng của đèn pha: Phạt 135 €;
Lốp mòn quá quy định: Phạt 135 €;
Hút thuốc lá khi lái xe: Phạt 35 €.
+ Lỗi được coi là tội phạm
Lái xe không có bằng lái: Phạt 15.000 Euro + có thể bị phạt tù ;
Lai xe không có bảo hiểm: Phạt 3.500 Euro.
2.2. Mức phạt hành chính + bị trừ điểm trên bằng lái xe
+ Các lỗi bị trừ 1 điểm + phạt tiền
Nghiền lên vạch phân cách liền: Phạt 135 €;
Vượt tốc độ tối đa quy định dưới 20 km/h: Phạt 90 € (trong thành phố), phạt 68 € trên đường cao tốc;
Bật đèn pha làm chói xe đi ngược chiều: Phạt 135€.
+ Các lỗi bị trừ 2 điểm + phạt tiền
Tăng tốc khi xe khác đang vượt: Phạt 135 €;
Đi hoặc đỗ xe trên giải phân cách cùng trên đường cao tốc: Phạt 135 €;
Vượt tốc độ tối đa quy định trên 20km/h và dưới 30km/h: Phạt 135 €.
+ Các lỗi bị trừ 3 điểm + phạt tiền
Điện thoại cầm tay trong khi lái xe: Phạt 135 €;
Đeo tai nghe hoặc dùng tai nghe điện thoại bluetooth khi lái xe: Phạt 135€;
Nếu không đeo dây an toàn: Phạt 135 €;
Không đội mũ bảo hiểm hoặc không đội mũ bảo hiểm theo quy định: Phạt 135 €;
Không tuân thủ khoảng cách an toàn: Phạt 135 €;
Vượt qua vạch liền liên tục: Phạt 135 €;
Trong phía bản điều khiển của xe có sự hiện diện của các thiệt bị không trợ giúp cho người lái: Phạt 1.500 €;
Đi vào làn đường bên trái của đường dành cho xe đi chiều ngược lại: Phạt 135 €;
Chuyển làn hoặc chuyển hướng mà không bật xin nhan báo hiệu: Phạt 35 €;
Lái xe trên làn đường dành cho dừng khẩn cấp: Phạt 135 €;
Dừng, đỗ nguy hiểm (che chắn các biển báo, ngã ba, ngã tư...): Phạt 135 €;
Vượt xe nguy hiểm: Phạt 135 €;
Đậu xe dưới lòng đường vào ban đêm hoặc trong sương mù, ở một nơi không có hệ thống chiếu sáng công cộng mà xe không bật đèn báo hiệu đúng: Phạt 135 €;
Lái xe không đúng theo quy định về các loại xe được lái trên bằng lái: Phạt 135 €;
Vượt tốc độ quy định hơn 30km/h và dưới 40km/h: Phạt 135 € (tối); sáng: Phạt 90 €.
+ Các lỗi bị trừ 4 điểm + phạt tiền
Không tuân thủ các quy tắc ưu tiên: Ưu tiên quyền từ chối, các khoản tiền phạt một lần: Phạt 135 €;
Không nhường đường cho xe cấp cứu: Phạt 135 €;
Việc không tuân thủ biển dừng stop: Phạt 135 €;
Vượt đèn đỏ: Phạt 135 €;
Không nhường đường cho người đi bộ: Phạt 135 €;
Đi vào đường ngược chiều: Phạt 135 €;
Quay đầu hoặc lùi trên đường cao tốc: Phạt 135 €;
Vượt tốc độ so với tốc độ cho phép lớn hơn 40km/h và dưới 50km/h: Phạt 135€.
+ Các lỗi bị trừ 5 điểm + phạt tiền
Lái xe sau khi uống rượu: Lái xe hoặc đi cùng một người học lái xe với nồng độ cồn trong máu giữa 0,25 và 0,4 mg rượu mỗi lít khí thở ra (0,5 và 0,8 g/lít máu): Phạt 135 €;
Sử dụng máy dò radar hoặc gây rối, khoản tiền phạt một lần: Phạt 135 €;
Vượt tốc độ cao hơn tốc độ quy định trên 50 km/h ghi lại bởi một camera tốc độ hoặc một radar di động, phạt lên đến 1.500 €.
3. Kiến nghị
Nước ta đã tham gia “Công ước Viên về giao thông đường bộ năm 1968”, trước xu thế hội nhập và hòa nhập sâu rộng quốc tế. Với những dẫn chứng trên và qua tài liệu và kinh nghiệm thực tế đang được áp dụng tại Cộng hòa Pháp rất có hiệu quả. Do vậy, việc quản lý, đào tạo, sát hạch cấp GPLX của nước ta như hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, mặc dù đã được củng cố nâng cao những năm gần đây, nhưng chưa khắc phục được bản chất là: Người đã có GPLX là cứ yên tâm sử dụng, rất hãn hữu phải học lại, thi lại để cấp lại GPLX (trừ trường hợp có phạm lỗi theo quy định của NĐ 46/2016/NĐ-CP).
Do vậy, để khắc phục điểm “nghẽn” này nhằm tăng cường đảm bảo trật tự ATGT và hạn chế TNGT trên đường bộ đang xảy ra hết sức phức tạp, tôi kiến nghị với cấp có thẩm quyền về công tác “Quản lý, đào tạo, sát hạch cấp GPLX của nước ta” cần được nâng cao chất lượng hơn nữa, cần có đột phá trong công tác này như các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng là: Quản lý GPLX bằng “điểm” đồng thời tăng cường áp dụng công nghệ thông tin (số hóa) để quản lý GPLX tương tự như hầu hết các nước ở châu Âu và châu Mỹ đang thực hiện, nhằm đảm bảo tốt trật tự ATGT đường bộ ở nước ta, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.