Quản lý Uber, Grab: Chấn chỉnh theo hướng nào?

Ý kiến phản biện 07/07/2017 18:00

Ông Dương Trung Quốc lo ngại Uber, Grab sẽ gây hệ lụy xã hội nhưng các chuyên gia cho rằng không nên dùng tư duy 0.4 quản cách mạng 4.0 và trói buộc Grab hay Uber sẽ phản tác dụng.

 

4c6acccf
Ảnh minh họa

Hiện Uber, Grab chỉ đóng thuế trên 20% tổng thu nhập, được trích từ doanh thu của lái xe, còn lại chuyển hết ra nước ngoài... 80% còn lại của lái xe được hưởng bao nhiêu cũng đang là ẩn số với cơ quan chức năng

Ông Dương Trung Quốc

Ý kiến của ông Quốc được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đó đề nghị lãnh đạo Chính phủ trả lời các vấn đề về xe Grab, Uber.

Thí điểm càng lâu, hệ lụy càng lớn?

Theo ông Dương Trung Quốc, chủ trương cho phép Grab, Uber thử nghiệm rơi vào thời điểm sự phát triển của taxi truyền thống trên những địa bàn đô thị quan trọng đã tới ngưỡng cần giới hạn số lượng...

Cho rằng Grab, Uber khó kiểm soát vì nó “tàng hình” nhưng chắc chắn nhiều hơn taxi truyền thống đang hoạt động, ông Quốc cho rằng điều này sẽ làm trầm trọng hơn áp lực quá tải lên hạ tầng và ách tắc giao thông.

“Nhưng điều đáng lo hơn là thử nghiệm nào cũng phải đi đến kết cục: chấp nhận hay không chấp nhận” - ông Quốc viết và cho rằng cả hai phương án trên đều đi đến những hệ lụy tiêu cực.

Nếu chấp nhận, số lượng xe vận chuyển khách chính thức sẽ tăng vọt.

Nếu không chấp nhận, chủ hãng nước ngoài sẽ kết thúc cuộc làm ăn ở Việt Nam với những món lợi kếch xù đã bỏ túi, để lại hàng vạn người lao động có xe mà không có quyền hoạt động.

Lý thuyết xe tham gia Grab, Uber là xe nhàn rỗi nhưng thực tế nhiều người sắm xe hi vọng hành nghề, nếu không được hoạt động họ sẽ dồn trách nhiệm cho Nhà nước. Do vậy, theo ông Quốc, càng thử nghiệm lâu, sự tích tụ hệ lụy càng lớn.

Ông Quốc đặt câu hỏi: Chính phủ cho phép thử nghiệm Grab, Uber đến bao giờ?

Đồng thời ông Quốc cũng cảnh báo rằng nếu cơ quan quản lý không chấn chỉnh kịp thời, sẽ có hai nguy cơ: “họ sẽ giết chết taxi truyền thống để độc quyền và quyết định mọi thứ”; “họ có thể buông và để lại hậu quả tiêu cực về mặt xã hội”.

Ý kiến của ông Quốc tiếp theo việc có thành phố không cho thí điểm Grab, nhiều cuộc hội thảo “tố” Uber, Grab... đang khiến nhiều tài xế xe ôm, taxi công nghệ cảm thấy bị “siết chặt vòng vây”.

Trói buộc Grab, Uber sẽ phản tác dụng

Tuy nhiên, việc ông Dương Trung Quốc với tư cách đại biểu Quốc hội lo ngại về hệ lụy từ việc cho kéo dài thí điểm Grab, Uber đã gây ra làn sóng phản đối gay gắt trên nhiều diễn đàn, nhất là mạng xã hội.

Nhiều người dân cho rằng không nên dung túng cho sự lạc hậu, kém phát triển của taxi truyền thống.

Trong thời gian qua, sự phát triển của Grab, Uber đã đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng, vì thế Quốc hội nên chấp thuận đưa loại hình taxi công nghệ đi vào hoạt động...

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng cuộc cạnh tranh giữa Grab, Uber và taxi truyền thống nên để khách hàng và thị trường quyết định, trói buộc sẽ phản tác dụng, khiến dịch vụ vận tải khó cải thiện.

Giáo sư Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM - cho biết việc kiến nghị hạn chế sự phát triển của Grab và Uber là không hợp lý, không nên buộc xe hợp đồng điện tử phải chịu điều tiết hay quản lý theo kiểu taxi truyền thống.

Có thể thấy Uber và Grab đã tận dụng công nghệ thông tin rất tốt, giúp giảm chi phí cho khách nên sự phát triển của loại hình này là tất yếu.

Ông Nguyễn Hữu Thiện - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - cũng đề nghị nên đứng trên quan điểm của chính người dân: dịch vụ nào chất lượng hơn, giá rẻ hơn thì ưu tiên sử dụng.

“Xã hội bây giờ đang phát triển công nghệ 4.0, chúng ta không nên giữ lối tư duy cũ kỹ 0.4 nữa. Chúng ta đừng kìm hãm loại dịch vụ đem lại lợi ích cho người dân” - ông Thiện nói.

Một số chuyên gia cũng đề nghị Nhà nước cần sớm có chính sách mới quản lý hoạt động Uber, Grab để họ đóng thuế đầy đủ, có bảo hiểm cho hành khách và sớm chấm dứt thí điểm, cho nhân rộng để người dân nhiều tỉnh thành được hưởng lợi từ công nghệ mới...

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách):

Không nên giữ quan điểm Uber, Grab là kẻ xấu

Taxi truyền thống có thể kêu cứu Chính phủ, vận động chính sách các lãnh đạo địa phương để loại bỏ Uber, Grab khỏi đời sống xã hội. Họ có thể thành công, như ở một số nơi trên thế giới, nhưng rồi chính họ sẽ bị phản đối và loại bỏ khỏi xã hội.

Nếu taxi truyền thống cứ khư khư quan điểm rằng Uber, Grab là kẻ xấu, là nhân vật phản diện trong xã hội thì chính họ sớm muộn sẽ bị coi là phản diện bởi vì đơn giản rằng Uber, Grab đang là mô hình được người dân và xã hội lựa chọn...

Ý kiến của bạn

Bình luận