Khi gọi taxi thí điểm vào trời mưa, gọi taxi hãng nào cũng báo chờ từ 5-10 phút, nên thường khách hàng phải gọi 3 hãng. (Ảnh minh họa) |
Tại buổi tọa đàm “Những vấn đề “nóng” trong quản lý xe hợp đồng điện tử GrabTaxi và Uber” do Báo Giao thông tổ chức, ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT - cho biết: Theo kết quả nghiên cứu của đơn vị này, không có căn cứ xác định khi triển khai GrabCar thì gây ùn tắc, bởi không có căn cứ nào để khẳng định khi đưa vào một phần mềm ứng dụng để kinh doanh thì nhu cầu phương tiện sẽ tăng lên và dẫn đến ùn tắc. Trước lo ngại việc triển khai đề án Grabcar, người dân sẽ mua thêm phương tiện tham gia kinh doanh, ông Mười cho rằng, đầu tư một chiếc xe rẻ nhất cũng mất 300 triệu, với thời gian thí điểm 2 năm thì không thể kịp thu hồi vốn, do đó khó có khả năng doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xe để thí điểm trong 2 năm, hoặc đầu tư để phát triển xe rầm rộ chỉ để thí điểm ứng dụng phần mềm này.
TS Lê Đỗ Mười nói: "Bản thân số xe hiện nay chúng ta đang có, không có phần mềm này thì số xe này vẫn đi trên đường. Do đó, cơ sở khoa học và thực tiễn đều không thể chứng minh phần mềm này gây ùn tắc."
Cũng theo ông Mười, năm 2012, Viện Chiến lược phát triển GTVT đã thống kê Hà Nội có 17.000 taxi, trong đó có khoảng 3.000-4.000 taxi dù. Khi gọi taxi thí điểm vào trời mưa, gọi taxi hãng nào cũng báo chờ từ 5-10 phút, nên thường khách hàng phải gọi 3 hãng. Và sau 30 phút, có thể có 3 hãng điều xe tới. Theo ông Mười, bản thân điều đó đã gây ùn tắc.
Ông Mười cho biết thêm: "Khi Grab ký hợp đồng với các hãng taxi để áp dụng phần mềm của họ, thì giảm lượng xe. Bởi bản tính khách hàng của chúng ta hiện nay bắt xe dọc đường rất nhiều, taxi đứng giữa đường tạt ngang tạt ngửa gây ùn tắc."
Nói về việc Grab và Uber có phải là đơn vị kinh doanh vận tải hay chỉ cung cấp công nghệ và có phải taxi trá hình, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, Uber không phải là đơn vị kinh doanh vận tải, mà chỉ cung cấp nền tảng công nghệ. Còn giấy phép kinh doanh của GrabTaxi, do UBND Tp. HCM cấp là dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ vận tải hành khách công cộng, trừ xe bus. Tuy nhiên, hiện nay, công ty TNHH Grab vẫn đang hoạt động như nhà cung cấp phần mềm kết nối là chính.
Phân tích về việc Grab và Uber có phải là có phải là taxi trá hình, ông Ngọc cho biết, về Công ty GrabTaxi, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm vận tải khách theo loại hình hợp đồng điện tử và thực tế hiện nay nhiều người nhầm tưởng GrabTaxi, nhưng thực chất đó là những phương tiện thực hiện thí điểm đề án Grabcar.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đang trở thành nhu cầu bức thiết cả trong quản lý nhà nước và trong thực tiễn kinh doanh
Ông Trần Bảo Ngọc cho biết: "Về vấn đề nó có phải là taxi trá hình hay không? Tôi khẳng định không phải là trá hình. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 86 và Thông tư 63 thì taxi phải có đèn lắp trên nóc, đồng hồ tính tiền, có biển hiện bề ngoài, có màu sơn riêng, có biểu trưng, logo riêng, nhưng xe hợp đồng lại không vậy. Bề ngoài không giống nhau thì không thể gọi là trá hình được."
Còn với Uber, Bộ GTVT đã làm việc, đơn vị này khẳng định chỉ cung cấp dịch vụ phần mềm kết nối, không kinh doanh vận tải. Do đó, Uber không thuộc quản lý của Bộ GTVT. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã yêu cầu Uber chỉ ký hợp đồng với đơn vị vận tải có giấy phép, đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo đúng quy định.
Về việc có hay không tình trạng độc quyền do mới chỉ có Công ty TNHH Grab thực hiện đề án, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, do chưa có tiền lệ nên việc thực hiện thí điểm nhằm tìm ra lợi thế, bất cập để có giải pháp khắc phục. Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng cho rằng, hiện nay, công ty TNHH GrabTaxi là một nhà cung cấp công nghệ phần mềm trong quản lý vận tải, và cũng có thể trở thành một đơn vị kinh doanh vận tải nếu có đủ điều kiện theo quy định về cơ sở vật chất, về con người, về giấy phép kinh doanh hành nghề, khâu tổ chức, quản lý...
Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh: "Khi họ trở thành 1 đơn vị kinh doanh vận tải mà họ kết hợp với công nghệ họ có thì tôi tin đây là mô hình hiệu quả trong điều kiện hiện nay chúng ta đang đòi hỏi. Chi phí cho người dân giảm đi, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân nên tôi tin tưởng khi thực hiện thí điểm mô hình này sẽ có đánh giá cụ thể tìm ra ưu việt để áp dụng."
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng cho biết, trong thời gian thực hiện thí điểm, nếu các đơn vị khác cũng đưa ra phần mềm quản lý tốt như GrabTaxi hoặc hơn và có ý tưởng ứng dụng trong kinh doanh vận tải thì Bộ GTVT hoàn toàn ủng hộ nhằm phục vụ vận tải với chất lượng tốt nhất.
Rõ ràng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đang trở thành nhu cầu bức thiết cả trong quản lý nhà nước và trong thực tiễn kinh doanh. Do vậy, việc thực hiện thí điểm đề án quản lý xe hợp đồng bằng công nghệ sẽ góp phần giúp cơ quan quản lý có đánh giá tổng quát hơn, từ đó đưa ra giải pháp quản lý phù hợp với loại hình này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.