Nhiều lợi ích từ thiết bị GSHT
Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình – Võ Như Quang cho biết, thiết bị GSHT hoạt động phải trích xuất được các dữ liệu như: Hành trình của xe, số lần đóng mở cửa hoặc dừng đỗ xe, thời gian cầm lái của tài xế, tốc độ lưu thông của xe… Qua đó, chủ xe, đơn vị quản lý có thể nắm được hoạt động xe ngay trên hành trình (qua mạng internet) để có thể can thiệp, nhắc nhở tài xế hoạt động đúng nội quy, đúng pháp luật.
Thiết bị GSHT còn cung cấp cho cơ quan quản lý các thông tin nhận dạng mặc định, bao gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải; tên sở GTVT (nơi trực tiếp quản lý đơn vị kinh doanh vận tải); biển kiểm soát xe; trọng tải xe (số hành khách, hoặc tấn tải trọng cho phép); loại hình kinh doanh; họ tên lái xe; số giấy phép lái xe. Các thông tin mặc định này phải được gắn kết với các thông tin cập nhật liên tục về hoạt động của từng tài xế. Các thông tin cập nhật liên tục về hoạt động của xe và lái xe, bao gồm: Thông tin về hành trình của xe; tốc độ vận hành của xe, số lần và thời gian xe dừng đỗ; số lần và thời gian đóng, mở cửa xe; thời gian lái xe liên tục; thời gian làm việc của tài xế trong ngày.
Ngoài ra, dữ liệu từ thiết bị GSHT còn đáp ứng các yêu cầu khác, như: Phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động vận tải trong phạm vi địa phương và trên toàn quốc; theo dõi, chấn chỉnh, xử lý vi phạm của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn địa phương và của các sở GTVT; phục vụ công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu; phục vụ công tác xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục, đào tạo đội ngũ lái xe; phục vụ công tác đánh giá, xếp hạng các đơn vị kinh doanh vận tải và các sở GTVT trong việc chấp hành các quy định về quản lý vận tải trong phạm vi toàn quốc…
Đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng thiết bị GSHT để phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của đơn vị; quản lý và cảnh báo lái xe khi vi phạm; theo dõi, chấn chỉnh hoạt động của lái xe; phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, lái xe tại đơn vị; phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lái xe tại đơn vị. Xuất phát từ nghiều lợi ích của thiết bị GTHT, ở Quảng Bình một số doanh nghiệp vận tải mặc dù phương tiên không nằm trong diện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị GSHT nhưng đã ý thức được việc lắp đặt thiết bị GSHT để quản lý an toàn giao thông và kinh doanh vận tải như Công ty CP Taxi Mai Linh Quảng Bình 81 xe, Công ty Đa phương thức 2 trên 30 xe ….
Tiếp tục tăng cường hậu kiểm việc lắp đặt, sử dụng thiết bị GSHT
Theo số liệu thống kê của Sở GTVT, toàn tỉnh có 08 hợp tác xã, 10 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, 01 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, 04 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, 01 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách du lịch, 24 doanh nghiệp và 70 hộ cá nhân kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với tổng 350 phương tiện ôtô khách phải lắp đặt thiết bị GSHT theo quy định. Đến ngày 30/6/2013, 100% các phương tiện này đã lắp đặt thiết bị GSHT. Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh vận tải và phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết bị GSHT, các ngành chức năng đang tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, xử lý những đơn vị vi phạm. Trong thời gian qua, Sở GTVT đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải lắp đặt, vận hành thiết bị GSHT, tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phát tài liệu và hướng dẫn thực hiện đối với các đơn vị kinh doanh vận tải về Luật Giao thông Đường bộ và các văn bản khác có liên quan. Đồng thời, tổ chức ký cam kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông giữa 36 doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh với các ngành chức năng trong tỉnh, trong đó, nhấn mạnh việc lắp đặt thiết bị GSHT.
Thời gian qua, qua theo dõi, kiểm tra việc duy trì hoạt động các thiết bị GSHT của các doanh nghiệp vận tải do Sở GTVT thực hiện cho thấy đa số các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải đã duy trì tốt, phát huy hiệu quả những tác dụng của thiết bị GSHT. Tuy nhiên, thực tế lắp đặt và khai thác thiết bị này vẫn còn một số hạn chế về cả thiết bị và con người. Để nắm bắt đầy đủ các thông số của thiết bị GSHT và quản lý sát sao hoạt động của lái xe, phương tiện thì các doanh nghiệp vận tải phải thành lập bộ phận quản lý ATGT tại văn phòng và phải có người theo dõi liên tục. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị vận tải có thành lập bộ phận quản lý ATGT nhưng không hoạt động hoặc hoạt động mang hình thức đối phó. Từ sự định hướng của Sở GTVT đối với các đơn vị vận tải đã lựa chọn nhà cung cấp thiết bị GSHT đảm bảo chất lượng và phải có văn phòng đại diện đóng tại địa phương, đáp ứng công tác hậu mãi như duy trì hoạt động bảo hành, sửa chữa thiết bị khi có sự cố hoặc hư hỏng gặp nhiều thuận lợi.
Bên cạnh đó, ông Quang cũng cho biết: Đơn vị vận tải nào không chấp hành quy định lắp đặt thiết bị GSHT trên ô tô thì Sở GTVT không cấp phù hiệu, sổ nhật trình và đình chỉ hoạt động đối với phương tiện đó. Ngoài ra, từ 1/7/2013, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở GTVT Quảng Bình đã chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm Xe cơ giới đường bộ không kiểm định cho ô tô trong diện phải lắp đặt thiết bị GTHT nhưng chưa lắp thiết bị GSHT. Qua kiểm tra nếu Ban quản lý Bến xe, phát hiện phương tiện nào không lắp thiết bị GSHT sẽ không cho xe xuất bến. Mặc dù chưa bị xử phạt nhưng với các quy định rõ ràng về lắp đặt thiết bị GSHT như trên nên thời gian qua các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh đều thực hiện nghiêm túc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục siết chặt kiểm tra, giám sát việc lắp đặt và khai thác thiết bị này trên hệ thống xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, nhằm góp phần tăng cường, phát huy hiệu quả của thiết bị, nâng cao ý thức chấp hành của lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải chưa nghiêm túc thực hiện quy định này. Qua kiểm tra trực tiếp tại các bến xe như: Nam Lý (38 phương tiện), Đồng Hới (62 phương tiện), Lệ Thuỷ (29 phương tiện), Hoàn Lão (08 phương tiện), Quy Đạt (04 phương tiện), Ba Đồn (41 phương tiện) đoàn thanh tra đã lập, xử lý 04 biên bản vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện liên quan đến việc lắp đặt và sử dụng thiết bị GSHT. Các lỗi chủ yếu liên quan đến thiết bị GSHT đó là: Lắp đặt nhưng không hoạt động, lắp đặt không đúng quy chuẩn.
Do việc xử lý các vi phạm liên quan đến việc lắp đặt và sử dụng thiết bị GSHT mới có hiệu lực thi hành, nên các đơn vị kinh doanh vận tải và người lái chưa chủ động tìm hiểu và triển khai kịp thời. Trong quá trình xử lý vi phạm, còn xảy ra trường hợp người điều khiển phương tiện không thừa nhận hành vi vi phạm và quy trách nhiệm cho doanh nghiệp trong việc lắp đặt và sử dụng thiết bị GSHT… gây không ít khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm. Vì vậy, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn sử dụng, khai thác các thông tin từ thiết bị GSHT cho doanh nghiệp, HTX và lái xe; phối hợp với đơn vị cung cấp thiết bị GSHT cập nhật đầy đủ các thông tin theo quy định là việc làm cần thiết để phát huy tối đa tính năng, hiệu quả của thiết bị GSHT trên các phương tiện vận tải hành khách.
Hà Châu
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.