Kết quả biểu quyết sáng nay (Ảnh: Báo Giao thông) |
Số đại biểu quốc hội (ĐBQH) tham gia bỏ phiếu cho chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành sáng nay là 461 ĐB, chiếm 93,32% tổng số ĐBQH. Trong đó có 428 ĐB nhất trí thông qua (chiếm 86,64%), 17 ĐB không tán thành (chiếm 3,44%), 16 ĐB không biểu quyết (chiếm 3,24%).
Nghị quyết có hiệu lực ngay từ thời điểm được thông qua (25/6), nêu rõ mục tiêu xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, với mục tiêu giai đoạn 1 khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Về quy mô của dự án, Quốc hội quyết nghị đầu tư xây dựng các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD, theo đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỉ đồng (tương đương 5,45 tỉ USD).
Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.
Diện tích đất của dự án là 5.000 ha, trong đó, diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng Cảng hàng không là 2.750 ha; diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 ha; diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200 ha.
Về thời gian và lộ trình thực hiện dự án được chia thành 3 giai đoạn trong đó giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Chậm nhất đến năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3 sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Trong Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư; đồng thời Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo triển khai thi hành Nghị quyết, hằng năm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.