Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tờ trình dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) cho biết Luật Chuyển giao công nghệ được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006, trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (1/2007) khi còn là một nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp (chưa đạt 700 USD), tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào tăng quy mô vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo.
Trong gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ trong nước, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực.
Tuy nhiên, đến nay, bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, buộc chúng ta phải rà soát nội dung của Luật để có điều chỉnh phù hợp, đáp ứng kịp thời các yêu cầu mới phát sinh từ thực tiễn. Xu thế toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại xóa bỏ các hàng rào bảo hộ giữa các quốc gia và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các công nghệ thế hệ mới phát triển với cấp số lũy thừa là hai nhân tố mới sẽ tác động mạnh mẽ tới các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, mở ra cơ hội và thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, hoạch định chính sách về chuyển giao công nghệ.
Làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại mô hình kinh doanh; cải thiện phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ; không ngừng đổi mới công nghệ để thích ứng với các thay đổi của thị trường.
Bên cạnh đó, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trong nước cũng đặt ra yêu cầu mới trong công tác quản lý công nghệ, thẩm định công nghệ các dự án đầu tư, thách thức đối với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc một mặt bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài để gia tăng nguồn lực phát triển đất nước, mặt khác kiểm soát được thực trạng công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong các dự án đầu tư để gìn giữ môi trường và phát triển bền vững.
Trước thay đổi nhanh chóng của thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, Luật Chuyển giao công nghệ sau gần một thập kỷ đi vào cuộc sống đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập; có nội dung thậm chí đã lạc hậu, chưa theo kịp được với xu thế cải cách, đổi mới trong phát triển kinh tế, KH&CN.
Cùng với đó, sự ra đời của các đạo luật có liên quan (Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009; Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2014, Luật Thống kê 2015;...) đã khiến một số quy định của Luật Chuyển giao công nghệ 2006 không còn phù hợp; cần rà soát và sửa đổi, bổ sung các chế định liên quan để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và hiệu lực thi hành của văn bản.
“Những hạn chế, bất cập nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực và hiệu quả của Luật Chuyển giao công nghệ, chưa thực sự tạo môi trường pháp lý thuận lợi và phù hợp thúc đẩy hoạt động đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh mới. Do vậy, việc xây dựng Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) là rất cần thiết”, Tờ trình khẳng định.
Mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại, lành mạnh hóa thị trường công nghệ và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, từ đó, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao, bảo đảm môi trường xanh và phát triển bền vững đất nước.
Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở quán triệt các quan điểm thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ trong nước; ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu, tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Kế thừa các nội dung tiến bộ của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006, xác định, lựa chọn các vấn đề thực sự vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong nước và từ nước ngoài vào Việt Nam để cải thiện trình độ công nghệ quốc gia và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, phục vụ tăng trưởng bền vững.
Đổi mới tư duy và phương thức quản lý Nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ phù hợp với bối cảnh mới để bảo đảm hiệu quả kiểm soát công nghệ đi đôi với giảm thiểu thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp; bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.
Báo cáo thẩm tra về dự án Luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định quan điểm cần thiết phải sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của nền kinh tế và bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN trong nước; kiểm soát chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu; tiếp thu và làm chủ công nghệ cao, tiên tiến của thế giới; đồng thời kiểm soát và từng bước chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Báo cáo thẩm tra cũng tập trung phân tích, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, tiếp thu các ý kiến liên quan đến những vấn đề cụ thể của dự án Luật về: chính sách của Nhà nước về chuyển giao công nghệ; các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư; tổ chức môi giới, tư vấn và xúc tiến chuyển giao công nghệ và đánh giá, định giá và giám định công nghệ; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ;việc chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ...
Căn cứ yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát toàn diện Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật theo hướng kế thừa các nội dung tiến bộ của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006, xác định, lựa chọn các vấn đề thực sự vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, cải thiện trình độ công nghệ quốc gia và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ trong nước; có cơ chế kiểm tra, kiểm soát công nghệ nhập khẩu, bảo đảm hài hoà giữa đầu tư, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) gồm 7 chương, 62 điều, trong đó sửa đổi 30/61 điều, bổ sung 2 điều mới và bỏ 1 điều, tập trung vào một số vấn đề sau: Phát triển thị trường KH&CN; thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.