Quy định bình chữa cháy ôtô: Cần nhiều hành động hơn là một văn bản!

Bạn đọc 10/01/2016 07:20

Thông tư 57 của Bộ Công an về việc trang bị phương tiện PCCC đã tạo nên một cơn sốt trên thị trường PCCC. Điều khiến nhiều người cảm thấy hoài nghi về Thông tư này khi các quyết định mang tính áp đặt chỉ khiến người ta lo sợ bị phạt và mua bình chữa cháy như một hình thức đối phó. Còn nếu thực sự quan tâm đến sinh mạng con người thì cần nhiều hành động hơn là một văn bản.

Quy định bình chữa cháy ôtô- Cần nhiều

Một trong những cái mà người ta thường nhắc đến sự đúng đắn của Thông tư là cái lợi của việc có bình cứu hoả nhưng ngay cả khi có nó, người dùng có thể đối diện với những rủi ro như: dùng bình không đúng cách tự gây tổn thương cho bản thân, đánh giá tình huống cháy không đúng cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Bởi vậy, để một văn bản đi từ những đề xuất có thể rất đúng đắn, nhưng cần một quá trình đánh giá trong thực tiễn, sự ảnh hưởng của văn bản quy phạm pháp luật đến các đối tượng chịu ảnh hưởng của những thay đổi trong chính sách.

Đối với một doanh nghiệp quan tâm đến việc bán bình chữa cháy thì họ chỉ muốn nguy cơ cháy là có thật. Và đúng là ở VN, với chất lượng xăng, thời tiết và năng lực kiểm soát chất lượng xe ô tô thì nó có thể trở thành động lực không hề nhỏ. Dùng một nguy cơ tiềm ẩn để gây sức ép người tiêu dùng mua hàng là thủ pháp kinh doanh phổ biến. Nhưng nếu một văn bản pháp luật mà lại có tinh thần hỗ trợ cho việc bán hàng thì không bình thường.

Nếu sinh mạng con người được quan tâm, thì có rất nhiều việc cần phải làm để Thông tư 57 có ý nghĩa với người dân. Làm sao để sản xuất, nhập cảng loại bình chữa cháy đảm bảo chất lượng, làm sao để liên kết với các doanh nghiệp sản xuất ô tô, cơ quan chức năng để tổ chức các khoá đào tạo kỹ năng PCCC. Làm sao để kiểm soát các nguồn gây cháy từ chất lượng xăng, ống dẫn hoặc các thiết bị phát lửa.

Mỗi quốc gia đều có những quy định về PCCC đối với từng loại xe và thường do Bộ GTVT đưa ra những khuyến cáo. Còn chức năng của Bộ Công an là điều tra giám sát các vụ việc liên quan đến cháy nổ. Các thống kê cháy nổ từ Bộ Công an có thể được Bộ GTVT sử dụng để đưa các khuyến cáo đúng đắn và kịp thời. Đó là cách một hệ thống làm việc để đảm bảo an toàn của con người.

Về hình thức quy định của Bộ giao thông, mỗi nước rất khác nhau, do tình hình thực tiễn khác nhau.

Tại nước bạn Lào, sau một loạt các vụ cháy xe bus, Sở GTVT công cộng khuyến cáo các xe hành khách nên trang bị bình chữa cháy. Tại Mỹ, theo quy định của FMCSA, các xe tải, xe bus phải có các thiết bị PCCC. Rồi tại Úc, lời hướng dẫn cũng nhắm đến cụ thể các loại xe có các thiết bị gây cháy trong xe như bếp gas, động cơ đặt trong cũng cần có bình chữa cháy. Tại Mexico, một số bang, xe ô tô bắt buộc phải có bình chữa cháy, nhưng xe bus thì bắt buộc. Tại Bỉ, các xe đăng kiểm trong nước cũng có điều khoản bắt buộc với thiết bị này nhưng xe đăng ký ở nước khác thì không cần.

Có thể thấy, mỗi quy định đều có độ nặng nhẹ khác nhau, từ những lời khuyến cáo hay áp đặt nhưng được đưa ra bởi một cơ quan làm đúng chức năng và đằng sau những văn bản đó là cả một cố máy được vận hành để  giảm thiểu các rủi ro. Bởi nếu chỉ thêm cái bình chữa cháy vào trong xe mà chúng ta vẫn đi trên những con đường ngổn ngang chướng ngại vật, ngổn ngang những loại xe kém chất lượng thì nguy cơ cháy lại quá nhỏ bé so với con số tai nạn giao thông khủng khiếp tại Việt Nam. Giá mà có những văn bản đảm bảo các quyền lợi nâng cao đời sống của con người cũng được thông qua, đóng dấu nhanh như Thông tư 57, như đề án thay cây, như quy định thu phí cầu đường thì sinh mạng của công dân Việt Nam đã có giá hơn nữa.

Ý kiến của bạn

Bình luận