Theo đó, Thông tư gồm 7 Chương, 38 Điều quy định cụ thể về hoạt động vận tải hành khách và vận tải hành lý trên đường sắt.
Cụ thể, về vé hành khách được phát hành theo hình thức vé cứng và vé điện tử. Vé hành khách hợp lệ phải đảm bảo các điều kiện như: Do doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt phát hành. Đối với vé cứng, không bị tẩy, xóa, sửa chữa, còn đủ các thông tin và phải đi đúng chuyến tàu, thời gian ghi trên vé. Đối với vé điện tử, có bản in, bản chụp thẻ lên tàu theo quy định của doanh nghiệp hoặc có bằng chứng được lưu trữ trên hệ thống cơ sơ dữ liệu của doanh nghiệp, trên đó có đầy đủ các thông tin cá nhân trùng khớp với một trong các giấy tờ theo quy định. Khi phát hành vé cứng, vé điện tử, doanh nghiệp phải thông báo công khai và hướng dẫn các quy định cho hành khách cách sử dụng vé để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của hành khách.
Việc tổ chức bán vé hành khách, doanh nghiệp phải tổ chức bán vé tại nhiều địa điểm, nhiều ngày trước thời điểm tàu chạy, nhiều phương thức bán vé tạo điều kiện thuận lợi cho người mua vé. Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp có thể đề nghị người mua vé cung cấp giấy tờ tùy thân hoặc các giấy tờ khác có đầy đủ các thông tin cá nhân được pháp luật công nhận. Trường hợp mua vé trực tuyến qua mạng thông tin điện tử, người mua vé phải cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết theo quy định của doanh nghiệp. Căn cứ vào từng thời điểm cụ thể, từng loại chỗ, từng loại tàu, doanh nghiệp quy định cụ thể việc ghi họ, tên, số giấy hoặc số thẻ lên vé theo một trong các giấy tờ quy định nói trên...
Đối với hoạt động vận tải hành lý, Thông tư quy định, hành khách không phải mua vé đối với hành lý xách tay trong phạm vi khối lượng và chủng loại theo quy định của doanh nghiệp. Trường hợp vượt quá khối lượng quy định thì hành khách phải mua vé theo quy định của doanh nghiệp. Hành khách, người gửi hành lý ký gửi phải mua vé cho hành lý ký gửi. Trường hợp khối lượng hành lý xách tay của hành khách đã có các quy định theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Hành khách, người gửi hành lý ký gửi có trách nhiệm phải ghi đúng, đủ nội dung của tờ khai gửi hàng, đúng tên hàng hóa theo mẫu do doanh nghiệp quy định và chịu trách nhiệm về tính trung thực của việc kê khai, tính hợp pháp của hàng hóa trong hành lý ký gửi. Doanh nghiệp tổ chức kiểm tra bao bì, số lượng, ký hiệu, mã hiệu, biểu trưng đặc tính của hàng hóa và xác nhận vào tờ khai gửi hàng...
Những vật dụng, hàng hóa không được mang theo người bao gồm: Hàng nguy hiểm; vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép sử dụng hợp lệ; những chất gây mất vệ sinh, làm bẩn toa xe; thi hài, hài cốt; hàng hóa cấm lưu thông; động vật sống (trừ chó cảnh, mèo, chim, cá cảnh nhưng phải có trang bị thích hợp để giữ gìn vệ sinh, không gây ảnh hưởng tới người xung quanh); vật cồng kềnh làm trở ngại việc đi lại trên tàu, làm hư hỏng trang thiết bị toa xe...
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/7/2018. Thông tư số 78/2014/TT-BGTVT ngày 24/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định về việc vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường sắt quốc gia hết hiệu lực từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Xem chi tiết Thông tư tại đây./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.