Quy định xử phạt lái xe say xỉn tại một số nước trên thế giới

Hoạt động Ban ATGT 07/03/2015 09:36

Việc sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông đang trở thành “vấn nạn” tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có mức quy định khác nhau về,mức độ cồn cho phép và mức xử phạt.


Hiện trường tai nạn do đồ uống có cồn gây ra tại Lancashire. Anh

Hiện trường tai nạn do đồ uống có cồn gây ra tại Lancashire. Anh

Hiện tại trên thế giới đang tồn tại song song 2 chỉ số đo nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện. Việc sử dụng chỉ số nào hoàn toàn phụ thuộc vào quy định của từng quốc gia, Ngoài ra cũng có quốc gia sử dụng song song cả 2 chỉ số.

Chỉ số BAC (Blood alcohol concentration) hay còn gọi là chỉ số Nồng độ cồn trong máu, thường hay được sử dụng trong việc đo đạc y tế. BAC dựa trên tỷ lệ phần trăm lượng cồn trong máu ( ví dụ 0.1% tương đương với 0.1 gram cồn trong 0.1 l máu). Do tính phức tạp trong đo lường, việc thực hiện đo BAC thường diễn ra tại bệnh viện hoặc trạm cảnh sát có thiết bị thích hợp.

Chỉ số BrAC (Breath alcohol content) hay còn gọi là chỉ số Nồng độ cồn trong hơi thở. Đối với chỉ số này, mức đo chính xác nhất có thể thu được vào thời điểm 10 phút sau khi sử đụng đồ uống có cồn hoạc cao hơn, thấp hơn 10 phút sẽ khiến cho kết quả quá cao và trở nên không chính xác. Ưu điểm của chỉ số này nằm ở khả năng dễ dàng đo được trên đường với thiết bị cầm tay gọn nhẹ.

Tại Trung Quốc: Chỉ số BAC đo được ở mức trên 0.02% và dưới 0.08%, người lái xe sẽ bị phạt 1000 – 200o Nhân dân tệ cùng với 6 tháng treo bằng lái. Trên 0.08%, người lái sẽ bị phạt tới 3 năm tù giam cộng với việc treo bằng vĩnh viễn.

Tại Hồng Kông: Với chỉ số BAC ở mức cao hơn 0.02% hoặc BrAC 0.22mg/L, lái xe sẽ bị phạt một khoản phí cùng với mức giam giữ lên tới 3 năm.

Đài Loan: trên 0.05 BAC hoặc 0.15 mg/L BrAC và dưới BAC 0.11% sẽ khiến người lái bị phạt từ 15,000 tới 90,000 TWD, treo bằng lái trong 1 năm. Ở mức cao hơn 0.11%, phạt treo bằng lái tới 1 năm cộng với án tù 2 năm cho tội danh “gây nguy hiểm cho cộng đồng”. Trong trường hợp lái xe gây tai nạn dưới ảnh hưởng của cồn, mức phạt cao nhất là tử hình.

Ấn Độ: Mức tối đa cho phép nẳm dưới 0.03%, cao hơn 0.03 % sẽ khiến người lái bị phạt tới 6 tháng tù giam cộng với khoản phí phạt 2000 Rupees. Trong vòng 3 năm, nếu người lái tiếp tục vi phạm, sẽ bị phạt tới 2 năm cộng khoản tiền 3000 Rupees.

Canada: với mức đo cao hơn 80 mg/100ml máu cộng với việc chống đối lệnh thi hành công vụ sẽ khiến người lái bị khép vào tội hình sự với mức án xét xử tùy trường hợp, cộng với một khoản phạt tối thiểu là 50 USD.

Hoa Kỳ: Theo quy đinh chung của toàn Liên Bang, mức độ cồn cho phép khi tham gia giao thông nằm ở mức dưới  0.08%. Mức độ xử phạt sẽ tùy thuộc vào luật pháp các bang quy định.

Tại Việt Nam. việc xử phạt quy định đối với người điều khiển xe ô tô và mô tô vi phạm nồng độ cồn được quy định cụ thể tại Nghị định 171/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như sau:

1. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

- Điểm b Khoản 5 Điều 5: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa tới mức vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 7, Điểm a Khoản 8 điều này.

- Điểm b Khoản 7 Điều 5Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit  máu hoặc vượt quá 0,25 đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

- Điểm a Khoản 8 Điều 5: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá  0,4 miligam/1 lít khí thở.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện các hành vi vi phạm  trên còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung gồm: Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b Khoản 7 Điều 5 bị tước giấy phép lái xe 01 tháng; Thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 8 Điều 5 bị tước giấy phép lái xe 02 tháng.

2. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

- Điểm b Khoản 5 Điều 6: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

- Điểm e Khoản 6 Điều 6: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá  0,4 miligam/1 lít khí thở.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện các hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung gồm: Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 6 bị tước giấy phép lái xe 01 tháng; Thực hiện hành vi quy định tại Điểm e Khoản 6 Điều 6 bị tước giấy phép lái xe 02 tháng.

Đặc biệt, đối với những trường hợp người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (Điểm b Khoản 6 Điều 6).

Ý kiến của bạn

Bình luận