Mới đây, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo phương án quy hoạch cảng biển trên địa bàn. Hội thảo đã nghe đơn vị tư vấn Singapore trình bày về đề xuất mở rộng cảng Tiên Sa hiện thay vì xây cảng Liên Chiểu.
Tư vấn Singapore: Không nên xây cảng Liên Chiểu
Tại hội thảo, đại diện đơn vị tư vấn Subana Jurong (Singapore) cho hay, trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng tới năm 2030, tầm nhìn 2045, đơn vị này đưa ra đề xuất mở rộng cảng Tiên Sa, chứ không phát triển cảng Liên Chiểu. Theo đơn vị tư vấn này, nếu thực hiện xây cảng Liên Chiểu thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường của vịnh Đà Nẵng. Trong khi đó, cảng Tiên Sa có thể xem xét mở rộng và có tiềm năng nếu giải phóng mặt bằng. Đơn vị này đề xuất xây dựng khu cầu cảng riêng cho từng mục đích như về quốc phòng, du lịch, hàng hóa tại cảng Tiên Sa. Bên cạnh đó, đại diện đơn vị tư vấn cũng giải thích nếu xây cảng nước sâu Liên Chiểu thì rất tốn kém thay vì đó có thể tạo vùng đệm xanh để làm cảng du lịch ngay tại Tiên Sa.
Đơn vị tư vấn Singapore đề xuất mở rộng cảng Tiên Sa và không xây cảng Liên Chiểu |
Cuối cùng, đơn vị tư vấn cho rằng, chính quyền TP Đà Nẵng nên nghiên cứu phương án quy hoạch với tầm nhìn xa 50 năm. “Vịnh Đà Nẵng rất đẹp, nếu làm cảng Liên Chiểu thì tương lai không lấy lại được. Nên mở rộng cảng Tiên Sa có cả chức năng logistics và du lịch. Tránh làm hỏng môi trường của vịnh Đà Nẵng” – đơn vị tư vấn Singapore bày tỏ.
Ông Ryoya Watanabe, chuyên gia JICA tại Việt Nam thì cho rằng, chính quyền TP Đà Nẵng nên cẩn trọng cả hai phương án, một là mở rộng cảng Tiên Sa, hai là xây cảng Liên Chiểu. Theo chuyên gia này, nếu phát triển mở rộng cảng Tiên Sa cũng có nhiều quan ngại như: mất thời gian giải phóng mặt bằng, vùng cảng biển hẹp. Ngoài ra, ông này còn cho hay, về tính pháp lý, cảng Liên Chiểu đã đi vào Nghị quyết 43 của Trung ương về phát triển TP Đà Nẵng, nếu muốn thay đổi để mở rộng cảng Tiên Sa thì chắc chắc sẽ phức tạp về quá trình xin phép, thủ tục.
Cần triển khai ngay cảng Liên Chiểu
Các chuyên gia, đại diện hiệp hội ở trong nước và TP Đà Nẵng tại hội thảo đã phản bác ý kiến đề xuất của đơn vị tư vấn, đồng loạt cho rằng, lãnh đạo TP nên cân nhắc và cho triển khai ngay cảng Liên Chiểu theo Nghị quyết của Trung ương nhằm phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong tương lai.
Ông Nguyễn Minh Quý, chuyên gia cảng đến từ Hà Nội nhận xét, phương án tư vấn Singapore đưa ra mới chỉ là ý tưởng. Để so sánh và cân nhắc việc chọn xây cảng Liên Chiểu hay mở rộng cảng Tiên Sa còn cần phải có nhiều dữ liệu, cụ thể là về chi phí, đầu tư, khai thác. “So với các cảng tầm cỡ ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Singapore thì cảng ở Đà Nẵng mới chỉ bằng 1/7 đến 1/10 công suất của các nước. Trong khi đó, Đà Nẵng không chỉ dừng lại ở công suất hiện tại mà phải mở rộng hơn. Không sớm thì muộn phải xây cảng Liên Chiểu nếu muốn Đà Nẵng có cảng tầm cỡ như các nước” – ông Quý nói.
Cũng theo chuyên gia này, Tiên Sa có nhược điểm lớn là vào mùa mưa, độ sa bồi lớn nên sẽ phải tốn tiền tỉ để nạo vét mỗi năm. “Không nên lặp lại sai lầm như cảng ở Hải Phòng, mỗi năm mất chục tỉ nạo vét mà việc đưa tàu vào cũng rất vất vả” – ông Quý phân tích thêm.
Ông Nguyễn Hữu Sia, nguyên Giám đốc cảng Tiên Sa thì cho rằng doanh thu những năm qua của Đà Nẵng "nhờ" vào cảng vẫn rất tốt, mỗi năm thu đến 2.700 -2.800 tỉ đồng. “Rất mừng vì thành phố đã định hướng phát triển du lịch, công nghệ, logistics. Bây giờ mà nói bỏ dự án cảng Liên Chiểu thì quá uổng. Muốn làm giàu thì phải phát triển logistics” – ông Sia nói.
Theo ông Sia, trong cơ chế thị trường phải có cạnh tranh và “làm kinh tế thì phải thông minh”. “Chính vì thế mà phải xây cảng Liên Chiểu ngay từ bây giờ để tới 2025 là chuyển toàn bộ hàng hóa từ Tiên Sa sang. Lĩnh vực logistics ở miền Trung còn nhiều dư địa và Đà Nẵng phải là đầu tàu chứ tại sao phải nhường cho cảng Chân Mây ở Thừa Thiên Huế hay cảng Chu Lai của Quảng Nam” – ông Sia phân tích.
Kỹ sư Phan Văn Chương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng thì cho rằng, nếu quy hoạch phục vụ kinh tế xã hội mà chọn mở rộng cảng Tiên Sa thì là hơi vội vàng. “Trong khi cảng ở Đà Nẵng không chỉ phục vụ cho địa phương mà cho cả Hành lang kinh tế Đông Tây. Nếu chọn so sánh lợi và hại phải đặt lợi ích cho cả khu vực chứ không chỉ mỗi Đà Nẵng”- Ông Chương nói. Theo ông Chương, nếu thực hiện mở rộng cảng Tiên Sa thì không rõ 40 hay 50 năm nữa có hoàn thành hay không. Trong khi đó, xung quanh cảng Tiên Sa thì có trụ sở các cơ quan quân sự, hải quân. Mà những cơ quan trên thì không thể di dời. Chính vì vậy, ông Chương đề xuất lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng nên quyết liệt xây cảng Liên Chiểu. “Bây giờ không nên ngồi bàn việc xây hay không nữa mà phải sớm xúc tiến xây cảng Liên Chiểu. Nếu còn bàn thì chắc không có kết quả khả quan” – ông Chương kết luận.
Đồng quan điểm trên, KTS Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội khoa học cầu đường TP Đà Nẵng cho rằng, “một tấc đất ở bán đảo Sơn Trà cũng không thể đụng vào”. “Vì vậy mà không thể lấy đất ở đây để mở rộng cảng Tiên Sa” – ông Dân nói.
Trả lời các ý kiến phản biện tại hội thảo, đại diện tư vấn Singapore cho rằng đây là các phương án mà đơn vị này nghiên cứu còn quyền quyết định là ở lãnh đạo TP Đà Nẵng. “Phương án mà chúng tôi đưa ra là cho tương lai, những vấn đề mà Đà Nẵng sẽ phải đối mặt. Nếu cần rõ hơn thì địa phương có thể mời chuyên gia ở lĩnh vực chuyên sâu về cảng. Hơn nữa, đứng trước quyết định này, Đà Nẵng cần xác định là phát triển một TP du lịch hay là TP cảng biển” – đại diện đơn vị tư vấn bày tỏ. Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho rằng TP không còn nhiều thời gian để điều chỉnh quy hoạch trong khi cảng biển có ảnh hưởng rất lớn. Ông Dũng đề nghị đơn vị tư vấn khẩn trương tính toán, đề xuất cụ thể và có giải trình chi tiết đủ để thuyết phục các chuyên gia và người dân về về vấn đề trên. Ông Dũng cũng lưu ý, mọi đề xuất của đơn vị tư vấn phải dựa trên động lực phát triển kinh tế của địa phương. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.