Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam |
Phóng viên: Với tư cách là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông đánh giá thế nào về Đề án quy hoạch báo chí đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành?
Ông Hồ Quang Lợi: Trước hết, phải khẳng định Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, quy hoạch báo chí đến năm 2025 là việc làm rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Để ban hành được quyết định này là cả quá trình chuẩn bị rất kỹ lưỡng, có sự nghiên cứu, thảo luận, cân nhắc của các cấp có trách nhiệm, bởi đây là vấn đề khó, nhạy cảm, tác động đến hệ thống báo chí và liên quan trực tiếp đến đội ngũ những người làm báo.
Việc sắp xếp, quy hoạch đảm bảo nền báo chí phát triển đúng hướng, lành mạnh, tránh lãng phí, chồng chéo và khắc phục những hạn chế, sai phạm trong hoạt động báo chí.
Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí liên tiếp ra đời, gây khó khăn trong công tác quản lý. Trong khi đó, nhiều cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm, trong một ấn phẩm lại có rất nhiều chuyên trang... Vì vậy, dễ nhận thấy, thời gian qua trong hoạt động báo chí có sự lộn xộn, thiếu kỷ cương và nghiêm trọng nhất là có biểu hiện vụ lợi khi làm nghề, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, những sai phạm diễn ra nhiều nhất trên báo điện tử bởi báo điện tử hoạt động trên môi trường Internet, mà quản lý thông tin trên Internet đang là vấn đề rất khó hiện nay.
Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Quy hoạch báo chí, sau gần một năm, về cơ bản các đơn vị báo chí đã thực hiện đúng tiến độ. Hầu hết các cơ quan báo chí diện quy hoạch đã và đang tiến hành sắp xếp theo mô hình mỗi tỉnh, thành chỉ có một tờ báo, một đài phát thanh truyền hình và một tạp chí; các hội không còn báo mà chỉ còn tạp chí. Những tờ báo nào của hội muốn duy trì thì phải chuyển đổi cơ quan chủ quản, trừ một số trung tâm báo chí lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thời gian 5 năm duy trì nhiều hơn số lượng so với các địa phương khác.
Phóng viên: Quy hoạch báo chí khẳng định quan điểm báo chí phải hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí, vậy giải pháp nào để thực hiện tốt điều này, thưa ông?
Ông Hồ Quang Lợi: Giải pháp quan trọng, mấu chốt là phải thực hiện đúng quy hoạch, tạo điều kiện để khắc phục những thiếu sót, bất cập, sai phạm trong hoạt động báo chí, từ đó sẽ nâng cao chất lượng quản lý. Ở đây, quản lý bằng luật pháp, quản lý bằng các quy định của các cơ quan báo chí, quản lý theo giấy phép quy định... Về phía Hội Nhà báo Việt Nam thì quản lý bằng điều lệ của Hội và các quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Có hai hình thức quản lý quan trọng, đó là quản lý trực tiếp của cơ quan chủ quản và quản lý của chính mỗi cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cũng là cơ chế quản lý báo chí hiệu quả, được phát huy tốt trong thời gian qua. Tuy nhiên, dù có tăng cường quản lý như thế nào đi nữa thì việc từng cơ quan báo chí phải nâng cao trách nhiệm, tăng cường quản lý đối với đội ngũ người làm báo mới là gốc rễ. Mặt khác, mỗi người làm báo phải tự quản lý mình, nắm vững các quy định về đạo đức người làm báo, từ đó xác định tâm thế để làm nghề cho tốt.
Đối với hoạt động báo chí rất cần tạo bầu không khí dân chủ, từ đó các nhà báo có khả năng thể hiện sự năng động, sáng tạo. Tính chủ thể trong hoạt động báo chí rất quan trọng, vì vậy quản lý cách nào đi nữa thì vẫn phải mở rộng không gian sáng tạo cho các nhà báo để có tác phẩm báo chí chất lượng. Nhà báo phải được làm việc trong điều kiện công khai dân chủ, minh bạch, nhưng đồng thời phải duy trì kỷ cương, ý thức tuân thủ quy định trở thành “phản xạ tự nhiên” trong hoạt động nghề nghiệp. Để làm được việc đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động báo chí để khi có dấu hiệu vi phạm thì phải kịp thời nhắc nhở, ngăn ngừa, không để từ dấu hiệu thành sai phạm.
Phóng viên: Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là quan trọng nhất, góp phần làm nên thành công của Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ làm báo. Vậy theo ông, đâu là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này?
Ông Hồ Quang Lợi: Đạo đức nghề nghiệp là nền tảng, cốt lõi của hoạt động báo chí. Nếu không có đạo đức nghề nghiệp thì hoạt động báo chí không thể chính trực, một ngòi bút không chính trực thì không bao giờ đủ sức mạnh để bảo vệ sự thật, công lý và lẽ phải. Phải có đạo đức nghề nghiệp thì xã hội mới có niềm tin vào báo chí, niềm tin của xã hội đối với báo chí chính là sự sống còn.
Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 điều quy định về nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, có hiệu lực từ 01/01/2017. Mười điều quy định này có tính định hướng, được ban hành vào thời điểm mạng xã hội ngày càng có tác động mạnh vào đời sống báo chí. Trong 10 điều quy định thì Điều 5 ghi rõ nhà báo phải “chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”. Việc khách quan, công tâm tôn trọng sự thật là cốt yếu của đạo đức nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, một năm rưỡi qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo. Có thể nói, hai văn bản này là “cam kết trách nhiệm” thiêng liêng của người làm báo đối với xã hội, khích lệ tinh thần cống hiến của nhà báo.
Hơn ba năm qua, đời sống báo chí đã có chuyển biến tích cực, các sai phạm đã giảm đi rất nhiều. Đây chính là công cụ để giám sát, ngăn chặn, xử lý khi có sai phạm xảy ra. Số người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp chỉ là số ít, nhưng tác hại thì rất lớn, làm tổn thương đến danh dự người làm báo chân chính, làm suy giảm uy tín của báo chí đối với xã hội mới.
Đối với người làm báo, có ba điều cốt yếu nhất: rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nêu cao đạo đức nghề nghiệp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.