Quy hoạch đô thị Hà Nội không đồng bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển hạ tầng giao thông, gia tăng tình trạng UTGT nội đô |
Cao ốc mọc như nấm
Trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 quy định rõ, Hà Nội phải giãn dân trong khu vực nội đô, các nhà máy xí nghiệp ra ngoại thành hoặc xây dựng cơ sở sản xuất ở địa phương khác. Quyết định nêu rõ, quỹ đất sau khi di dời các nhà máy được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe..., bảo đảm cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Kể từ khi quyết định được ban hành, Hà Nội đã di dời nhiều nhà máy ra ngoài. Tuy nhiên, khi các nhà máy di chuyển đi nơi khác thì tại vị trí đó lại mọc lên những khu chung cư mới với lượng dân số rất đông, điều đó cho thấy mâu thuẫn về chủ trương trong việc quy hoạch.
Điển hình là khu đất Nhà máy Dệt 8-3 trên phố Minh Khai lại biến thành khu đô thị Times City, Nhà máy công cụ số 1 tại Ngã Tư Sở lại biến thành khu Royal City, mảnh đất số 250 Minh Khai của Công ty Cổ phần May Thăng Long sau khi di dời nơi đây đã “biến” thành dự án đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại. Cụ thể, dự án có 3 tòa nhà, trong đó 1 tháp văn phòng cao 25 tầng, 2 tháp chung cư 19 và 25 tầng, với 5 tầng thương mại dịch vụ, 2 tầng hầm. Và hàng loạt chung cư, tòa nhà mọc lên như nấm trên dọc tuyến đường Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển…
Dễ dàng nhận thấy, kể từ khi hàng loạt khu đô thị, tòa nhà, chung cư trên mọc lên, áp lực giao thông trên các tuyến đường này tăng đột biến. Đặc biệt, đường Nguyễn Chí Thanh - từng đoạt giải con đường đẹp nhất Việt Nam thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng từ khi các cao ốc, chung cư, trung tâm thương mại quanh khu vực đi vào hoạt động.
Điều đáng nói, những địa điểm nhà máy di dời trên đều nằm ở các nút cửa ngõ giao thông quan trọng vào nội thành nhưng nay đã “biến” thành các khu đô thị. Có những dự án có quy mô dân số bằng một quận… dẫn đến tăng dân số cơ học, phương tiện giao thông tăng đột biến. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến UTGT nội đô.
Đặc biệt, UTGT có tác động không nhỏ đến nền kinh tế, gây thiệt hại cho người dân. Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, ước tính mỗi năm UTGT gây ra thiệt hại lên đến 30 nghìn tỷ đồng. Cụ thể ở Hà Nội, trung bình mỗi ngày một người dân bị UTGT từ 15 - 20 phút, tương ứng mỗi năm người dân và ngân sách Hà Nội mất khoảng 15.000 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày mất trên 41 tỷ đồng.
Đến bao giờ mới di dời?
Theo thống kê, trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có 96 trường đại học, cao đẳng, chiếm 1/3 số trường và khoảng 67.000 sinh viên (SV) - tương đương 40% tổng số SV cả nước. Riêng 4 quận trung tâm có 26 trường. Trong đó, quận Đống Đa có 10 trường đại học, lực lượng sinh viên đã góp phần gây nên tình trạng UTGT thường xuyên ở nội đô Hà Nội.
Không chỉ chịu áp lực từ sự quá tải của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn mà Hà Nội còn bị áp lực quá tải từ các bệnh viện (BV) tuyến Trung ương. Trong 4 quận trung tâm, hiện có 16 cơ sở y tế, trong đó 12 cơ sở cấp Trung ương, 4 cơ sở của bộ, ngành. Hệ thống này đang bị quá tải trầm trọng, nhiều cơ sở công suất hoạt động vượt trên 200%. Một số cơ sở có mức độ lây nhiễm cao, nằm trong khu dân cư đông đúc, một số khác diện tích lại quá nhỏ theo cấp phục vụ hoặc nằm trong khu hạn chế phát triển, làm quá tải về hạ tầng, lượng chất thải y tế lớn không có khả năng xử lý. Chưa kể đến các trụ sở của các bộ, ngành tuy đã được xây dựng ở khu vực mới song vẫn chưa di dời hết với nhiều lý do khác nhau…
Trước tình trạng đó, bên cạnh Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ còn ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 về lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời nhà máy, bệnh viện, trường học và các cơ quan, đơn vị nằm trên địa bàn 12 quận. Quy định là thế, quyết tâm là vậy, nhưng năm 2016 đã khép lại, số BV, trường học thực thi việc di chuyển vẫn dậm chân tại chỗ. Thậm chí một số BV, trường học vẫn tiến hành xây dựng hạ tầng cơ sở mới trên khuôn viên phải di dời.
Thực tế cho thấy, ngoài 2 BV đã xây dựng xong cơ sở 2 và đưa vào hoạt động là BV K, BV Nội Tiết Trung ương thì các BV, trường học trên địa bàn Thủ đô đều trong trạng thái “án binh bất động”. Đơn cử như BV Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam chỉ mới xây được đến tầng 4, dự kiến năm 2018 mới được bàn giao đưa vào hoạt động, hay như trụ sở Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, mặc dù đã khởi công xây dựng tại Hòa Lạc từ ngày 20/12/2003, với tổng kinh phí ước tính đầu tư cho dự án là 7.320 tỷ đồng, dự kiến đến 2015 sẽ kết thúc dự án và chuyển 100% các đơn vị đào tạo lên cơ sở mới nhưng đến nay vẫn còn dang dở.
Tình trạng triển khai “ì ạch” này có khá nhiều nguyên nhân ở cả khách quan và chủ quan. Thiết nghĩ, Chính phủ và TP. Hà Nội phải có cái nhìn dài hạn, hướng tới xây dựng Thủ đô bền vững thì cũng rất cần sự chung tay và quyết liệt của các bộ, ngành để đặt lợi ích chung của xã hội lên hàng đầu.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.