Quy hoạch giao thông để giảm ùn tắc: Từ phương tiện đến hạ tầng

Bạn đọc 21/10/2015 06:40

Mỗi thành phố lớn trên thế giới đều có những đặc điểm giao thông riêng, nhưng chung quy đều gặp những rắc rối như: Ý thức của người lái xe chưa cao, thiếu chỗ đỗ ô tô và phần lớn người dân thường thích đi xe riêng hơn phương tiện công cộng.

anh  1
Dù có mở đường to bao nhiêu chăng nữa, tình trạng ùn tắc vẫn sẽ xảy ra

UTGT là hệ quả của sự bùng nổ phương tiện cơ giới. Sự bùng nổ của xe hơi kể từ những năm 1960 đã khiến các nhà quy hoạch giao thông trên thế giới đau đầu để tìm ra giải pháp tiết giảm mật độ giao thông. Nhiều thành phố đã chọn cách xây thêm và mở rộng đường sá. Nhưng thực tế là đường càng to lại càng thu hút nhiều xe hơn. Một nghiên cứu năm 1997 ở California đã chỉ ra rằng, chỉ 5 năm sau khi mở rộng, lưu lượng giao thông sẽ đạt 90% khả năng phục vụ của con đường. Do đó, dù có mở đường to bao nhiêu đi chăng nữa, tình trạng ùn tắc vẫn sẽ xảy ra. Vậy đâu mới là giải pháp hiệu quả?

“Quy hoạch” ý thức lái xe

Để giải quyết UTGT, chúng ta cần phải hiểu ùn tắc xuất phát từ đâu. Những nút thắt cổ chai trên đường và lượng xe quá nhiều là hai nguyên nhân hiển nhiên. Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân gây ra tắc đường là do “hiệu ứng phanh gấp”.

Một nghiên cứu của Viện Công nghệ Georgia ở Atlanta (Mỹ) đã “đổ lỗi” cho hai dạng lái xe: Hung hăng và rụt rè. Những lái xe hung hăng có xu hướng đi quá nhanh và quá gần với xe phía trước, trong khi những lái xe rụt rè thường tạo một khoảng cách quá xa so với xe phía trước. Cả hai đều buộc những lái xe đằng sau phải phanh nhiều, phanh gấp.

Trong khi đó, theo GS. Gabor Orosz của Đại học Michigan, phản xạ phanh của người đằng sau bao giờ cũng có độ trễ hơn người đằng trước. Độ trễ này dần khuếch tán lên, cuối cùng khiến dòng giao thông dừng lại.

Giải pháp Orosz đưa ra là sử dụng kết nối xe với xe. Nếu xe có thể giao tiếp với nhau trong thời gian thực, xe của bạn có thể theo dõi các chuyển động của 1 - 5 xe đằng trước và chuẩn bị cho những gì sẽ xảy ra bằng cách phanh dần nhưng không phanh sâu. Bên cạnh đó, người lái sẽ được hệ thống hỗ trợ lái xe cung cấp những thông tin cần thiết, chẳng hạn như tốc độ di chuyển khuyến cáo. Orosz hiện đang tiến hành thử nghiệm trên khoảng 3.000 phương tiện công nghệ cho phép tài xế cập nhật vị trí và tốc độ di chuyển của các xe đằng trước mỗi 100 mili giây.

Quy hoạch bãi đỗ

Một số thành phố đang cố gắng “bôi trơn” dòng chảy giao thông bằng hệ thống đỗ xe thông minh. Việc kết hợp các cảm biến thông minh với hệ thống chỉ dẫn lái xe giúp lái xe nhanh chóng tìm ra điểm đỗ xe trống, qua đó hạn chế tình trạng lái xe dò dẫm trên đường. Hệ thống này được thử nghiệm đầu tiên ở San Francisco, Los Angeles (Hoa Kỳ), sau đó lan ra Moscow (Nga). Hệ thống đỗ xe thông minh tại Moscow được phát triển bởi Worldsensing khi đã cung cấp cho các lái xe trong thành phố 20.000 bãi đỗ xe thông minh. Theo GS. Mischa Dohler - Đại học King London, đồng sáng lập Worldsensing thì số lượng vụ UTGT đã giảm đáng kể chủ yếu là nhờ lái xe được thông báo nếu không có bãi đỗ xe, vì thế họ chủ động tránh xa những con đường một chiều nhỏ hẹp ở trung tâm.

anh 2
Những thành phố lớn như Moscow đang tìm cách đối diện với thực tế khoảng 1/3 số phương tiện mắc kẹt trong các vụ tắc đường là do đi tìm chỗ đỗ

Quy hoạch hệ thống giao thông công cộng

Mặc dù vậy, vẫn có người nghĩ rằng những giải pháp trên không đủ mạnh mẽ. “Giải pháp quy hoạch duy nhất có hiệu quả lâu dài đó là khuyến khích người dân chuyển sang những phương thức di chuyển khác như: Đi bộ, xe đạp hay phương tiện công cộng”, todd Liman của Viện Chính sách GTVT Victoria ở Canada nói. 

Tăng phí đường bộ nếu lái xe trong giờ cao điểm có thể là một lựa chọn. Các thành phố như Singapore, London và Stockholm đã áp dụng thành công hệ thống thu phí giờ cao điểm để giảm lượng phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra, việc nâng cấp hệ thống giao thông công cộng là rất cần thiết. Ông Liman cho rằng, các nhà quy hoạch giao thông nên dành thêm nhiều làn đường riêng cho xe buýt, nâng cấp các trạm tàu điện và hiện đại hóa các phương tiện công cộng bằng wifi miễn phí.

Theo ông Liman, giải pháp này thường được các thành phố thực hiện mỗi khi có sự kiện lớn. Ông Liman cho biết: “Trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông Vancouver 2010 không hề có tình trạng UTGT. Lý do là hầu hết nhân viên công sở, thậm chí là người có điều kiện đều đi xe buýt đến nơi làm việc. Khi sự kiện kết thúc, UTGT lại quay trở lại”.

Karl Garme - một nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Hoàng gia Stockholm lại cho rằng, mấu chốt để giải quyết UTGTđó là… quay lại thời nguyên thủy trước khi có phương tiện cơ giới. “Trước khi có xe hơi, đường sắt và đường thủy nội địa là những phương thức di chuyển chủ yếu ở Anh và Thụy Điển. Hiện nay, Vancouver, Sydney và Istanbul là những thành phố biết tận dụng tốt đường thủy của họ. Vấn đề đặt ra không phải là đất hay nước mà là kết hợp các phương thức giao thông mỗi khi đề ra quy hoạch mới. Điều đó có nghĩa là người dân sẽ dễ dàng chuyển từ ô tô sang xe buýt, tàu điện hoặc tàu thủy, thậm chí họ không cần phải lăn tăn nên đi bằng gì mà chỉ cần vạch ra lộ trình”, Garme nói.

Các giải pháp quy hoạch để giảm UTGT dù là về hạ tầng hay con người đều sẽ mất một thời gian dài để thấy được hiệu quả. Nhưng chỉ cần ít nhất một trong số các ý tưởng đó thành công thì những sự việc tương tự như vụ tắc đường kỷ lục kéo dài 309km ở thành phố Sao Paolo (Brazil) tháng 11/2013 sẽ trở thành dĩ vãng.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận