Quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Long Thành |
Giao thông “đi tước mở đường”, thúc đẩy phát triển kinh tế
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT trong 5 năm tới là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Trong mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và cụ thể trong Văn kiện Đại hội cũng xác định: Kết cấu hạ tầng là một trong 3 khâu đột phá được ưu tiên, nhất là kết cấu hạ tầng GTVT. Trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn, cần lựa chọn một số công trình trọng điểm có tính đột phá để thực hiện đầu tư, kiến tạo động lực phát triển quốc gia. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại để thực hiện khát vọng phát triển dân tộc với mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, nền kinh tế năng động, phát triển nhanh và bền vững.
Theo đó, đến năm 2025, dự kiến hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông để cả nước có khoảng 3.858 km đường cao tốc, hoàn thành giai đoạn 1 của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; đầu tư các công trình giao thông trọng yếu theo quy hoạch, nhất là tuyến vành đai đô thị lớn; chuẩn bị để triển khai một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam...Để thúc đẩy phát triển đột phá ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của cả 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong thời gian tới có rất nhiều nhiệm vụ của Ngành phải tập trung thực hiện, trong đó nhiệm vụ trọng tâm nhất là hoàn chỉnh 5 quy hoạch ngành theo Luật Quy hoạch.
“Bộ GTVT xác định, nếu làm quy hoạch tốt thì hệ thống giao thông mới tốt và có tầm nhìn, từ đó mới có được sự liên kết vùng hiệu quả nhất. Nhiệm vụ tiếp đó là thực hiện tốt các quy hoạch. Trong quy hoạch phải chọn ra những dự án mang tính đột phá trong cả 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy và đường biển. Tiếp đó là nhiệm vụ đảm bảo tiến độ quy hoạch theo yêu cầu đề ra của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là đảm bảo chất lượng các dự án. Bộ GTVT cũng sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành để có sự đồng thuận trong việc triển khai các dự án đúng tiến độ và hiệu quả”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hiện nay, Bộ GTVT đang hoàn chỉnh 5 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gồm: quy hoạch mạng lưới đường bộ; quy hoạch mạng lưới đường sắt; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay; quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa). Dự kiến, theo chương trình công tác của Chính phủ, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch của 5 lĩnh vực chuyên ngành GTVT, trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành thẩm định trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch chú trọng phát triển kết nối các phương thức vận tải
Thời gian qua, để đáp ứng các yêu cầu phát triển nhanh của đất nước, hệ thống hạ tầng giao thông đã được quan tâm đầu tư, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thực tế là do nguồn lực còn hạn chế nên chưa thể cân đối để phát triển đồng bộ các loại hình vận tải, trong đó có hệ thống đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không và hàng hải. Ở nhiều khu vực, việc kết nối vận tải giữa 5 phương thức còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Điển hình như cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới chỉ có QL51 kết nối, mặc dù quốc lộ này mới được mở rộng khoảng 10 năm nhưng hiện vẫn đang quá tải. Đồng thời, tuyến cao tốc kết nối TP. Hồ Chí Minh là cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây cũng thường xuyên chịu cảnh ùn tắc. Ngoài ra, các cảng biển khu vực TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các cảng hàng không, ga đường sắt nằm trung khu đô thị chưa được quy hoạch kết nối rõ ràng...
Chính vì vậy, trong quá trình lập quy hoạch, ngành GTVT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT cũng như các đơn vị trực tiếp quản lý từng lĩnh vực chú trọng rà soát, bổ sung các tuyến đường bộ, đường sắt kết nối trực tiếp với các phương thức vận tải khác, đảm bảo nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách, thúc đẩy phát triển logistics. Các đơn vị xây dựng quy hoạch liên tục cập nhật các nội dung quy hoạch Ngành đang được thực hiện để đảm bảo tính thống nhất.
Theo đó, một số quy hoạch tới đây sẽ được cập nhật như hệ thống kết nối đường sắt tốc độ cao theo quy hoạch; hệ thống kết nối sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài; định hướng giao thông kết nối với các nhóm cảng biển theo quy hoạch...
Điển hình, hệ thống đường sắt tốc độ cao đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án. Trong quá trình thực hiện, các địa phương liên quan đã thống nhất các vị trí ga kết nối như khu vực phía Bắc gồm 4 ga Ngọc Hồi, Phủ Lý, Nam Định, Ninh Bình có khả năng kết nối với QL1A, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Nam Định - Phủ Lý, QL21, QL10, cao tốc Bắc - Nam phía Đông... Khu vực miền Trung gồm 20 ga kết nối với các quốc lộ lớn như QL45, QL47, QL15B, QL1, QL40B... và tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Khu vực miền Nam gồm hai ga Long Thành và Thủ Thiêm kết nối QL51 và cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các trục kết nối với sân bay Long Thành.
Đối với quy hoạch kết nối sân bay Long Thành, trục chính của sân bay này sẽ kết nối trực tiếp với đường Vành đai 4, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (phía Đông) và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (phía Tây). Tuyến đường này cũng được quy hoạch vượt qua QL51 kết nối Tỉnh lộ 25C Nhơn Trạch ra đường Vành đại 3 TP. Hồ Chí Minh để kết nối với trục chính đô thị số 4 của TP. Hồ Chí Minh và cao tốc Bến Lức - Long Thành trong tương lai.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.