Ảnh minh họa. |
Theo Bộ Giao thông vận tải, quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn hiện nay đã bộc lộ một số bất cập, cụ thể là tại mỗi khu vực Bắc, Trung, Nam, số lượng cảng cạn quá ít, không phù hợp với năng lực; không đáp ứng tiêu chí cảng cạn phải được kết nối cảng biển ít nhất 2 phương thức vận tải để tạo điều kiện vận tải đa phương thức, ưu tiên vị trí cảng cạn gắn với phương thức có năng lực vận tải cao.
Một số địa phương có cảng biển nhưng do địa bàn rộng, khoảng cách từ một số vùng đến cảng biển là khá xa, có nhu cầu phát triển cảng cạn, có tiêu chí cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng chưa được quy hoạch phát triển cảng cạn.
Hiện nay, các cảng biển có diện tích kho bãi hẹp, có nhu cầu hình thành cảng cạn ngay tại khu bãi sau cảng, tại khu công nghiệp lân cận cảng biển để hỗ trợ năng lực thông qua hàng hóa nhưng chưa được định hướng phát triển tại Quy hoạch hiện hành.
Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đề nghị đầu tư cảng cạn tại xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, do vị trí này đáp ứng đầy đủ các tiêu chí hình thành cảng cạn nhưng chưa được quy hoạch.
Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Phó Thủ tướng đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức nghiên cứu, lập điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đồng thời, thực hiện việc thỏa thuận đầu tư xây dựng và công bố mở cảng cạn, bao gồm cả dự án đầu tư cảng cạn của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn theo quy định của pháp luật.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.