Mô hình CHK, sân bay SaPa |
Tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện để có thể đặt CHK
Trước tiên, chúng ta cần làm rõ khái niệm cơ bản về CHK, SB. Tại Điều 47 Chương III Luật Hàng không dân dụng Việt Nam định nghĩa: “CHK là khu vực xác định, bao gồm SB, nhà ga, trang thiết bị, công trình cần thiết khác để sử dụng cho tàu bay đi, đến và thực hiện vận chuyển hàng không. SB là khu vực xác định, đựơc xây dựng để đảm bảo cho tàu bay cất cánh, hạ cánh và di chuyển”.
Các tiêu chuẩn cho việc đầu tư xây dựng cũng như vận hành khai thác CHK, SB được quy định rất chặt chẽ. Việt Nam tuân thủ quy định các yêu cầu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Tổ chức Vận tải hàng không thế giới (IATA); các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn ngành khi xây dựng các CHK, SB. Khai thác các CHK, SB được quy định trong các văn bản QPPL gồm Luật Hàng không dân dụng, các nghị định và thông tư.
Về sự cần thiết để đặt một CHK, SB và quyết định việc đặt CHK sẽ được đánh giá trên rất nhiều mặt như: yếu tố về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, khẩn nguy cứu trợ... Việc xem xét vấn đề này sẽ được thực hiện trong suốt quá trình, trước tiên là các đồ án quy hoạch gồm: quy hoạch tổng thể mạng CHK, SB; quy hoạch các CHK, SB cụ thể; sau là các dự án nghiên cứu đầu tư các CHK, SB cụ thể trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư gồm các bước nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi dự án.
Quy hoạch tổng thể mạng hàng không dưới góc nhìn của TEDI
Đối với quy hoạch tổng thể phát triển mạng CHK, SB thuộc lĩnh vực hàng không, TEDI là đơn vị tư vấn lập đồ án Quy hoạch mạng CHK, SB toàn quốc tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050. Góc nhìn của TEDI trong quá trình thực hiện đồ án quy hoạch như sau: Cự ly vận tải của ngành Hàng không tối thiểu khoảng trên 300 km và chiếm được thị phần tốt bắt đầu từ cự ly khoảng từ 800 km trở lên. Ngành Hàng không luôn có ưu thế về vận tải hành khách, trong đó có hành khách quốc tế chiếm tỷ lệ cao. Quan điểm về phát triển hàng không là yếu tố quan trọng cho định hướng của ngành. Để phát triển đúng, chúng ta cần định hình đúng về vai trò và các đặc thù ngành Hàng không, cần có nguyên tắc xây dựng mạng CHK, quan điểm và giải pháp về nguồn lực đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới đối với ngành Hàng không.
Mục tiêu của ngành Hàng không được xác định phù hợp với mục tiêu phát triển của các loại hình GTVT khác. Mục tiêu được xây dựng như sau:
Mục tiêu chung: Xây dựng hệ thống CHK, SB hợp lý, theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải, hội nhập quốc tế sâu rộng và bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Mục tiêu cụ thể tới năm 2030: Về vận tải cần đáp ứng nhu cầu vận tải với tổng sản lượng hành khách dự kiến thông qua các CHK khoảng 278 triệu hành khách/năm, chiếm 1,5 - 2% tổng sản lượng vận tải hành khách và chiếm 3 - 4% tổng sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh, tăng trung bình 8,1%/năm; tổng sản lượng hàng hóa dự kiến thông qua các CHK 4,1 triệu tấn/năm, chiếm 0,05 - 0,1% tổng sản lượng vận tải hàng hóa, tăng trung bình 10,3%/năm. Về kết cấu hạ tầng: Hoàn thành đưa vào khai thác CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đạt công suất 25 triệu hành khách/năm, nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2; nâng cấp, mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đạt công suất 50 triệu hành khách/năm, CHK quốc tế Nội Bài đạt công suất 60 triệu hành khách/năm, CHK quốc tế Đà Nẵng đạt công suất 25 triệu hành khách/năm; quan tâm đầu tư và phát triển các CHK tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm quốc phòng - an ninh; khai thác có hiệu quả hạ tầng các CHK hiện có khác, nâng cấp và mở rộng theo nhu cầu khai thác; đầu tư có hiệu quả các CHK mới trong hệ thống CHK toàn quốc như: Phan Thiết, Sa Pa, Quảng Trị, Nà Sản, Lai Châu.
Mục tiêu tầm nhìn đến năm 2050: Tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành đầy đủ 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối và trung chuyển quốc tế mang tầm cỡ khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP. Hồ Chí Minh; đầu tư hoàn thành các CHK có nhu cầu lớn tại các trung tâm kinh tế vùng, phù hợp với nhu cầu vận tải; tiếp tục quan tâm đầu tư và phát triển các CHK tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo để phát triển kinh tế cũng như bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Xây dựng mạng CHK: Để có thể đề xuất xây dựng mạng CHK, SB, chúng ta cần xác định rõ phạm vi nghiên cứu, tiến hành dự báo nhu cầu vận tải một cách hợp lý, xây dựng các tiêu chí về phát triển và đề xuất mạng cảng hợp lý.
Về phạm vi nghiên cứu: Căn cứ trên các quy định, phạm vi nghiên cứu của đồ án này chỉ tập trung vào các CHK dân dụng. Nguyên tắc các CHK đều là lưỡng dụng, tức là có sử dụng chung giữa dân dụng và quân sự.
Công tác dự báo nhu cầu vận tải: Công tác này cần được tiến hành đồng bộ với các quy hoạch thuộc các lĩnh vực chuyên ngành khác. Việc dự báo hành khách trong nước, hành khách quốc tế cũng như dự báo về hàng hóa cần được tiến hành trong mối quan hệ giữa các vùng trong quốc gia cũng như mối quan hệ quốc tế giữa nước ta với thế giới.
Xây dựng các tiêu chí cho việc xây dựng và phát triển CHK: Việc xây dựng các tiêu chí để xác định tính khả thi xây dựng CHK là rất cần thiết, đảm bảo việc lựa chọn các CHK một cách hợp lý, khách quan, minh bạch và có cơ sở khoa học.
Trong đồ án quy hoạch này, tư vấn đã xây dựng bộ tiêu chí rất đầy đủ với thang điểm 100 tập trung vào hai vấn đề lớn gồm sự cần thiết bố trí CHK 75 điểm và tính khả thi bố trí CHK 25 điểm. Về sự cần thiết, tư vấn đánh giá trên các mặt: nhu cầu vận tải; tác động tích cực của CHK tới phát triển kinh tế - xã hội, du lịch khu vực; yếu tố an ninh - quốc phòng; yếu tố khẩn nguy cứu trợ. Về tính khả thi, tư vấn đánh giá trên các mặt: yếu tố tự nhiên (địa hình, địa vật, địa chất, khí hậu, thời tiết); yếu tố vị trí (cự ly tới các trung tâm kinh tế, chính trị, cự ly tới các CHK lân cận, thuận tiện kết nối với các loại hình GTVT khác); yếu tố quản lý, khai thác (tĩnh không, vùng trời, phương thức bay, tác động tới các CHK lân cận); yếu tố xã hội (giải phóng mặt bằng, môi trường). Từ bộ tiêu chí này, tư vấn đã đề xuất mạng CHK trong quy hoạch một cách hợp lý trong đồ án quy hoạch.
Kết quả đề xuất mạng CHK tới năm 2030, nước ta có 28 CHK, tầm nhìn đến năm 2050 chúng ta có thêm CHK Cao Bằng. Trong quá trình phát triển, một số vị trí CHK được xem xét ưu tiên bố trí tại các đảo quan trong phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế biển, khẳng định chủ quyền quốc gia.
Đồ án quy hoạch hàng không được nghiên cứu khách quan, dựa trên các trụ cột chính là phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của quốc gia. Các ý kiến xem xét bổ sung các CHK đều được nghiên cứu, xem xét một cách thận trọng, soi xét trên cùng một hệ quy chiếu là bộ tiêu chí cho xây dựng mạng CHK. Với cách tiếp cận như vậy, đồ án quy hoạch hàng không đáp ứng được các yêu cầu đề ra theo đúng nhiệm vụ quy hoạch, góp phần quan trọng trong việc phát triển của Việt Nam trong các thập kỷ tiếp theo.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.