Sau những ngày Tết Nguyên đán, người dân cả nước lại rộn rã du xuân, trẩy hội. Trong những ngày này, lượng phương tiện đi lại tăng đột biến, đặc biệt là tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia nhiều làm tăng nguy cơ TNGT.
Trước những nguy cơ tiềm ẩn, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, công tác bảo đảm TTATGT trong dịp lễ hội Xuân 2016 đang được triển khai quyết liệt và đồng bộ, đem lại hiệu quả tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành; công tác kiểm tra, kiểm soát; hoạt động vận tải, quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải; công tác chống ùn tắc, ngăn ngừa TNGT, khám, cấp cứu TNGT…
Tại các địa bàn có tổ chức lễ hội, Ủy ban ATGT Quốc gia đã yêu cầu các bộ, ngành thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, ban ATGT các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 2313/CĐ-TTg ngày 17/12/2015 về việc bảo đảm TTATGT trong mùa lễ hội 2016.
Cụ thể, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương xử lý nghiêm hành vi vi phạm TTATGT, nhất là các lỗi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn như: Chạy quá tốc độ quy định, chở quá số người quy định, đi sai phần đường, làn đường, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia; dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng quy định; người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định…; tập trung kiểm tra và xử phạt đối tượng lái xe khách, xe mô tô vi phạm tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ngoài đô thị và khu vực nông thôn; có phương án tăng cường lực lượng CSGT hỗ trợ trực tiếp tại địa bàn có lễ hội.
Cùng với đó, Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ, sở GTVT các địa phương tăng cường quản lý siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi khởi hành, đồng thời phối hợp với công an các địa phương xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân về tình hình TTATGT và hoạt động vận tải hành khách qua số điện thoại đường dây nóng; tăng cường đôn đốc, kiểm tra ATGT tại các nhà ga, bến xe, bến tàu, bến đò; kiên quyết đình chỉ phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, phương tiện chở quá số người quy định; tập trung kiểm soát hoạt động vận tải khách bằng ô tô, nhất là chiều từ Bắc vào Nam và hoạt động vận tải phục vụ lễ hội, ngăn chặn tình trạng tăng giá vé, chở quá số người quy định.
Đồng thời, các lực lượng chức năng đã tăng cường phối hợp với UBND địa phương nơi diễn ra lễ hội có chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông và tuần tra, kiểm soát nghiêm trên các tuyến kết nối đến địa điểm tổ chức lễ hội và khu vực diễn ra lễ hội; tăng cường năng lực vận tải phục vụ nhân dân dự các lễ hội, chú trọng tăng cường dịch vụ vận tải hợp đồng, vận tải du lịch; nâng tần suất dịch vụ xe buýt, xe khách tuyến cố định đi và đến địa bàn lễ hội; tăng cường phương tiện taxi phục vụ trực tiếp tại địa bàn lễ hội.
Ông Khuất Việt Hùng cho biết thêm, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đánh giá nguyên nhân và các giải pháp khắc phục tại các địa phương có số người chết do TNGT tăng cao; tổ chức kiểm tra phương án bảo đảm TTATGT tại các địa phương có các lễ hội quy mô lớn, thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch và dự lễ hội.
Vẫn còn những bài toán khó
Theo đánh giá của Uỷ ban ATGT Quốc gia, tình trạng ùn ứ xảy ra tại các tuyến đường xung quanh các khu lễ hội, tại một số trạm thu phí, nút giao lớn trên đường cao tốc và quốc lộ, trên các trục đường chính ra, vào các thành phố. Nguyên nhân là do mật độ người tham gia giao thông tập trung về khu vực này quá lớn, đặc biệt là xe mô tô và xe gắn máy quá nhiều, thêm vào đó là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm bãi trông giữ xe diễn ra phổ biến.
Đồng thời, trong thời điểm bắt đầu mùa lễ hội, tình trạng tăng giá vé ô tô quá mức quy định vẫn còn diễn ra, một số nhà xe tăng 50 - 80% giá vé so với ngày thường; tình trạng nhồi nhét khách, chở quá số người quy định còn diễn ra ở một số tuyến. Tuy nhiên, cho đến nay, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng tăng giá vé cũng như nhồi nhét khách không còn nữa.
Mặc dù công tác đảm bảo TTATGT được triển khai quyết liệt, tuy nhiên vẫn còn xảy ra nhiều vụ TNGT, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, TNGT chủ yếu liên quan đến xe mô tô; tai nạn xảy ra ở các đoạn ngoài đô thị trên các quốc lộ, đường tỉnh và khu vực nông thôn. Nguyên nhân chính là tâm lý chủ quan, coi thường pháp luật, cố tình vi phạm quy tắc ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông đường bộ.
Hành vi chủ yếu của người vi phạm khu vực ngoài đô thị và nông thôn là: Điều khiển xe cơ giới khi vi phạm nồng độ cồn; vi phạm quy định về phần đường, làn đường, vi phạm tốc độ, chở quá số người quy định, chuyển hướng không báo hiệu; người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, chở 3 - 4 người, lạng lách, đánh võng trên đường; còn tâm lý “nể nang” trong ngày Tết của lực lượng chức năng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và các địa phương phía Bắc.
Ông Khuất Viết Hùng khẳng định, Ủy ban ATGT Quốc gia đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành của người dân; đồng thời quyết liệt áp dụng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để đảm bảo TTATGT mùa lễ hội cũng như lường tính những trường hợp xấu có thể xảy ra nhằm giảm thiểu tối đa những những nguy cơ tai nạn tiềm ẩn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.