Nguy hiểm
Đơn vị quản lý khai thác cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Vidifi) cho biết, ngoài khía cạnh ảnh hưởng vệ sinh, cảnh quan môi trường, rải vàng mã còn tiềm ẩn các nguy cơ xảy ra TNGT trên tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam. Do có một nhánh rẽ gần đài hóa thân nằm trên đường Phạm Văn Đồng (từ Cầu Rào đi Đồ Sơn, Hải Phòng) nên trung bình mỗi ngày có từ 10 - 12 đoàn xe phục vụ tang lễ đi trên cao tốc, mỗi xe đi qua đều rải tiền vàng, đặc biệt là đoạn từ nút giao QL10 Hải Dương đến nút giao đường Phạm Văn Đồng, Hải Phòng. Các xe tang chủ yếu từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình di chuyển về đài hóa thân.Mặc dù đơn vị này đã cắm biển cấm, phát tờ rơi tuyên truyền và điều động nhân viên tuần đường ra hiện trường thu dọn vàng mã, tuy nhiên đơn vị này vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn khi trời mưa gió và đặc biệt rất nguy hiểm khi đối diện với các phương tiện di chuyển tốc độ cao trên đường.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, việc rải vàng mã trên đường đi ngược lại xu hướng tiến bộ của văn hóa, không phù hợp với nguyên tắc về đạo đức và tinh thần thượng tôn pháp luật. Ông Vĩ nói: “Việc cấm rải vàng mã trên đường là điều tốt”.Ngoài ra, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ còn nhấn mạnh, hành vi rải tiền, vàng mã cũng có những điểm bất ổn về đạo đức. “Hành vi của mỗi người phải được thực hiện trên nguyên tắc, tự do của cá nhân nhưng không được ảnh hưởng đến tự do của người khác. Ở đây, cá nhân muốn tự do được rải tiền trên đường nhưng người khác có tự do được đi trên một con đường sạch đẹp. Vì thế, về đạo đức không thể chấp nhận việc rải tiền như vậy”, ông Vĩ phân tích.
Dưới góc nhìn tôn giáo, Thượng tọa Thích Quảng Hà - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Phật không dạy cho các phật tử đốt vàng mã, rải tiền vàng trên đường. Nếu là người đã giải thoát, tưởng ăn sẽ được ăn, tưởng mặc sẽ được mặc, không cần đến việc đốt vàng mã”.
“Về mặt xã hội, tiền mặt có hình lãnh tụ, vàng mã có chữ Hán là những vật phẩm có tính văn hóa. Việc rải tiền, vàng mã ra đường, đặc biệt là đường cao tốc là hành động phản cảm, nên cần được loại bỏ”, Thượng tọa nêu quan điểm.
“Cấm là điều tốt”
Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 130 về bảo vệ tiền Việt Nam, nội dung ghi rõ: “Nghiêm cấm hủy hoại đồng tiền bằng bất kỳ hình thức nào”, trong khi đó Điểm e, Điều 10, Thông tư số 04 ngày 21/01/2011 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng quy định: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang”, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt từ 01 đến 3 triệu đồng theo Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 75 ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa.
Quy định là vậy song phần lớn các gia đình có người thân qua đời vẫn không chấp hành.Theo ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, không chỉ đường cao tốc mà nhiều tuyến khác nạn rải vàng mã cũng xuất hiện nhiều, nhất là những khu vực xung quanh đài hỏa thiêu tại các địa phương. “Việc rải vàng mã trên đường theo xe đưa tang là phong tục kéo dài, nhưng về mặt văn hóa chúng ta đã có quy định cụ thể những nơi đốt vàng mã. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì không biết bao giờ mới chấm dứt được”, ông Thái nói.
Tuy nhiên ông Thái cũng cho rằng, “cái khó là chưa có quy định xử phạt, nên lực lượng tuần tra trên đường rất khó xử lý. Nghị định 171 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ không có quy định nào về xử phạt với hành vi rải vàng mã trên đường. Để tạo thuận tiện cho việc xử lý, cơ quan quản lý cần sớm bổ sung hành vi này trong các nghị định, kèm theo chế tài cụ thể”.
Để ngăn chặn tình trạng trên, ông Thái cho biết Ủy ban ATGT Quốc gia nhiều lần gửi công điện tới các ban, ngành liên quan nhấn mạnh việc trong thời gian qua trên nhiều tuyến đường bộ và đường đô thị của cả nước, tình trạng rải vàng mã khi đưa tang diễn ra khá phổ biến, không chỉ làm tăng nguy cơ dẫn đến TNGT mà còn ảnh hưởng đến cảnh quan, mất vệ sinh môi trường, đặc biệt là trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ có phương tiện lưu thông với tốc độ cao.
Công điện đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo giáo hội phật giáo tỉnh, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động tăng ni, phật tử thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang lễ, giảm thiểu và tiến đến chấm dứt việc rải tiền, vàng mã trên đường, gây mất ATGT; yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và sở văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định của pháp luật về nếp sống văn minh trong việc tang; tăng cường cung cấp thông tin cho người dân về ý nghĩa, mục đích của việc đốt, rải vàng mã; yêu cầu các cơ sở sản xuất, buôn bán vàng mã, cơ sở kinh doanh dịch vụ tang lễ có trách nhiệm thông tin, hướng dẫn gia đình người có tang không được rải tiền, giấy vàng mã, tiền thật hoặc bất cứ vật gì khác trên đường đưa tang…
Ở một góc nhìn khác, Trung tá Nguyễn Văn Chiêu - Phó Trưởng phòng 10, Cục CSGT (C67, Bộ Công an) cho rằng: “Hiện rất khó để xử phạt xe đưa tang trên đường cao tốc vì nó là phong tục tập quán, phải tuyên truyền dần dần để người dân hiểu và thay đổi”.
Theo đó, các đơn vị nghiệp vụ của Cục CSGT đã chủ động phổ biến các nghị định, thông tư, chỉ thị về việc cấm, khuyến khích không rắc, rải tiền vàng khi tổ chức các hoạt động đưa tang; quy định các hình thức xử phạt đối với hành vi rải các loại tiền Việt Nam và tiền nước ngoài trên đường đưa tang, qua đó giúp các đơn vị kinh doanh dịch vụ có hình thức tuyên truyền, vận động các hộ dân có người thân qua đời không nên rải tiền vàng, nhất là tiền thật khi đưa tang, tiến tới loại bỏ thói quen đã và đang tồn tại nhiều năm qua; tham gia ký cam kết với các nội dung theo quy định của Nhà nước
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.