Đến hẹn lại lên, tối trước và trong ngày Rằm tháng Giêng, hàng ngàn người dân Thủ đô lại đua nhau đổ về tổ đình Phúc Khánh (phường Ngã Tư Sở, Đống Đa, Hà Nội) để dự đại lễ cầu an. Bắt đầu từ cuối giờ chiều 14 tháng Giêng, dòng người nườm nượp kéo đến, ngồi kín từ trong điện ra tới ngoài đường, kéo dài từ đường Thái Thịnh đến đầu đường Láng, quay mặt hướng về phía cửa Tam Bảo.
Cũng nhân dịp này, rất nhiều người dân sống gần khu đình thờ nổi tiếng này đã nắm bắt thời cơ, mở ra nhiều dịch vụ ăn theo thu lãi lớn như trông xe hoặc cho thuê ghế ngồi.
Giá cho thuê ghế là từ 10.000 đến 20.000 đồng/chiếc nhưng khách phải đặt cọc 50.000 đồng.
Những tiểu thương cho thuê ghế đều khá đắt hàng. Ảnh: Hoàng Anh. |
Điều đáng nói là giá thuê ghế có sự chênh lệch đáng kể. Vào lúc tan tầm, con số này là 10.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, khi dòng người kéo đến cầu an đông, phải ngồi cách xa tổ đình Phúc Khánh thì không ít tiểu thương đã tự ý nâng giá lên gấp đôi, dao động ở mức từ 20.000 đến 25.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, giá đặt cọc vẫn không hề thay đổi
Theo nhiều người dân cho biết, họ thường đi lễ ở đình Phúc Khánh từ khá sớm để chọn được chỗ ngồi ưng ý. Do quá đông người kéo đến nên hầu hết người dân phải thuê ghế, ngồi ngay tại lòng đường, vỉa hè. Vì thế, dù quanh tổ đình có rất nhiều hộ dân cho thuê ghế nhưng chỉ sau 19h30, tất cả đều lâm vào cảnh "cung không đủ cầu".
Bà Nguyễn Mai Hoa (Huỳnh Thúc Khánh, Hà Nội) chia sẻ: "Mấy người bạn tôi ở gần thì mang ghế ra ngồi được chứ tôi ở xa nên phải đi thuê. Tôi thuê mất 10.000 đồng thôi mà cậu con trai thuê nhà ngay gần đó mất 20.000 đồng. Đúng là cánh tiểu thương chỉ biết tranh thủ làm ăn và "làm giá".
Mặc dù 19h mới diễn ra canh lễ nhưng sợ không còn chỗ ngồi nên ông Đinh Trọng Khương (Ba Đình, Hà Nội) đến chùa Phúc Khánh từ 16h. Vì tuổi cao, không thể đứng lâu hoặc ngồi nền đất lạnh nên ông đã thuê với giá 20.000 đồng/chiếc ghế. "Tuy nhiên, họ cũng nói là nếu chỉ làm gãy chân hay sứt mẻ gì thì coi như tôi mất không tiền cọc. Nếu lúc về không tìm được chủ để trả đúng ghế cho họ thì cũng coi như mình mất tiêu gần 100.000 đồng", ông Khương nói thêm.
Các bãi trông xe tự phát giăng kín vỉa hè. |
Ngoài dịch vụ cho thuê ghế, nhiều bãi trông xe tự phát cũng mọc lên khắp nơi dọc phố Tây Sơn, thậm chí lan vào tận các ngõ nhỏ quanh đó. Giá trông xe dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng tùy vị trí. Càng gần tổ đình Phúc Khánh, giá càng cao.
Anh Thuận, một người làm nghề trông xe kiêm cho thuê ghế tại phố Tây Sơn, cho biết: "Tôi kinh doanh dịch vụ này cũng lâu rồi. Năm nào đến dịp cầu an, dâng sao giải hạn cũng chuẩn bị khoảng gần 200 chiếc ghế nhựa cho thuê. Nhà tôi vốn bán bún, miến ngan nhưng những ngày này cũng nghỉ sớm để lấy ghế cho khách thuê và diện tích đất để trông xe".
Theo lời anh Thuận, không chỉ có gia đình anh mà rất nhiều hộ kinh doanh các mặt hàng khác cũng tranh thủ dịp này, mở dịch vụ trông xe ngay trước cửa quán để kiếm lợi. "Tuy nhiên trông xe thì cần phải có đông người vì ở đây rất nhộm nhoạm. Thuê ghế thì ổn hơn vì nếu lỡ mất cũng không lo do khách đã đặt cọc gấp đôi giá trị của nó rồi", anh Thuận cho hay.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.