Còn e ngại
Với việc mở rộng đối tượng được cấp giấy phép lái xe hạng A2 của Bộ GTVT thì cũng là dịp “mở cửa” cho sự phát triển của dòng xe phân khối lớn tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu sở hữu, sử dụng dòng xe của một bộ phận những người có đam mê tốc độ và sở hữu dòng xe đầy cá tính này. Tuy nhiên, trong thực tế, ngoài những nhóm, câu lạc bộ (CLB) hoạt động có tổ chức, tính chuyên nghiệp của người sử dụng thì dư luận đã nhiều lần bất bình trước thái độ của một bộ phận người chơi xe PKL thiếu ý thức.
Vụ tai nạn thương tâm tại Bình Dương giữa đoàn xe PKL hộ tống giải đua xe đạp tranh cúp Bình Dương và một nhóm đối tượng “lạ” phóng xe PKL với tốc độ trên 200km/h lấn làn vượt ẩu, va chạm với đoàn điểu khiển xe PKL bảo vệ giải đua xe. Trong số đó có 1 thành viên dẫn đường thiệt mạng do xe PKL của nhóm khác chèn ngang qua người.
Theo ghi nhận, nhiều người tham gia giao thông bày tỏ sự lo ngại trước những tiếng gầm rú, nẹt bô ầm ĩ. Đặc biệt, tại những thành phố có mật độ giao thông đông đúc thì dường như đường phố sẽ không còn yên bình với sự xuất hiện của những xe PKL “chơi ngông”. “Tôi cũng thích và thường ngắm rất lâu những chiếc xe PKL bởi vẻ đẹp “lạ” của nó. Tuy nhiên, tôi rất sợ những chiếc xe này khi đi trên phố với tiếng nẹt bô rầm rầm, đặc biệt là khi nó xuất hiện từ phía đằng sau sẽ khiến hầu hết người đi đường giật mình và hoang mang. Tôi biết rằng những chiếc xe PKL là khoản tài sản không hề nhỏ, vì vậy, người sử dụng nó cũng rất nâng niu và cẩn trọng. Nhưng thực tế vẫn có những người lái xe PKL với thái độ khá ngông nghênh trên đường phố”, ông Nguyễn Ngọc (52 tuổi) sinh sống tại Hà Nội cho biết.
Anh Vũ Thanh Tùng (ở quận Cầu Giấy - Hà Nội) đang sở hữu một chiếc xe PKL chia sẻ, với thiết kế đặc biệt, xe rất thích hợp khi di chuyển trên đường dài, tuy nhiên việc di chuyển với tốc độ quá thấp (từ 20 - 40 km/h) sẽ gây hại cho xe. Tôi đã phải khóc dở mếu dở khi động cơ xe không thể làm mát, dẫn tới bó máy và tự động tắt máy khi xe đang di chuyển trên các tuyến đường vì không đạt tốc độ tối thiểu.
Chia sẻ với Tạp chí GTVT, ông Đặng Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm CLB Mô tô Hà Nội cho biết: "Hầu hết xe PKL tại Việt Nam không phải là “xe đua” như người ta thường nghĩ mà chỉ đơn thuần là những chiếc xe phục vụ theo sở thích. Tuy nhiên, việc điều khiển 1 chiếc xe PKL với hệ thống đường sá của Việt Nam thực sự là điều khó khăn cho người sử dụng. Bản thân tôi thường không dám mang xe ra đường hàng ngày mà chỉ sử dụng vào những ngày nghỉ lễ khi đường phố vắng vẻ. Bởi lẽ, xe mình không thể luồn lách như xe máy, lại không được đi vào làn ô tô nên sự xuất hiện của chiếc xe PKL trên làn xe máy sẽ gây nguy hiểm cho bản thân chiếc xe và người lái vì dễ bị va quệt, đặc biệt là gây cản trở giao thông nếu mật độ phương tiện quá đông. Ngay cả trên QL, diễn biến phức tạp cũng như sự “lộn xộn” của những chiếc xe máy khiến cho xe PKL “không có đất” mà đi, do đó xe PKL cần có những sân chơi riêng, người điều khiển cũng phải “rất riêng”.
Sân chơi nào cho xe pkl?
Với đề xuất nghiên cứu cho xe PKL vào lưu thông trên đường cao tốc của Bộ GTVT, anh Nguyễn Việt Khoa - Chủ tịch CLB những người yêu thích xe Ducati miền Bắc (DOC) cho biết, tính đặc thù của đường cao tốc là yếu tố tạo nên sự an toàn cho người tham gia giao thông bởi đường cao tốc ít chướng ngại vật và không có tình trạng rẽ ngang hay “đột ngột” xuất hiện từ những đường nhỏ giao cắt như trên QL. Đường cao tốc là đường an toàn nhất đối với xe PKL và xe PKL hoàn toàn đáp ứng được điều kiện kỹ thuật ATGT. Do đó, việc cho xe PKL vào đường cao tốc là cần thiết. Tuy nhiên, những CLB xe đều quán triệt các thành viên “chờ” quy định cho phép chính thức mới đi vào đường cao tốc.
Ông Đặng Mạnh Hùng cho rằng, nếu nói rằng xe PKL đi vào đường cao tốc sẽ gây ra xung đột và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn là thiếu hợp lý, bởi lẽ, sự xung đột giữa các loại phương tiện trên các QL như hiện nay vốn dĩ là điều nguy hiểm và sẽ càng nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của xe PKL. Xét riêng trên đường cao tốc, yếu tố chủ yếu gây nên sự xung đột là tốc độ, khi 1 phương tiện không đảm bảo tốc độ so với các phương tiện khác sẽ gây ra những nguy cơ mất ATGT. Vì vậy, sẽ chẳng có sự xung đột nào giữa xe ô tô và xe PKL trên đường cao tốc nếu như người điều khiển 2 loại phương tiện này đều có ý thức cao và chấp hành tốt Luật GTĐB. "Trường hợp không chấp hành Luật GTĐB thì ngay cả người đi bộ cũng gây nên nguy cơ TNGT cao", ông Hùng nhấn mạnh.
Về vấn đề này Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, với xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển của đường cao tốc thì việc đảm bảo điều kiện kỹ thuật phương tiện và tổ chức hạ tầng, cũng như tạo sự thuận lợi cho người dân trong quá trình tham gia giao thông là điều tất yếu phải làm. Tuy nhiên, đường cao tốc vẫn còn là điều rất mới mẻ ngay cả với các đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì cũng như nhận thức chưa thực sự đầy đủ của người lái xe ô tô dẫn đến một số vụ TNGT thời gian vừa qua. Vì vậy, việc cho phép xe PKL đi vào đường cao tốc vẫn cần sự thận trọng và nghiên cứu thêm.
Theo chuyên gia Choi Young Joo, Cố vấn giao thông thông minh (ITS) cho Trung tâm ITS Sài Gòn - Trung Lương thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và QLDA hạ tầng giao thông Cửu Long khuyến cáo, không nên cho xe mô tô PKL vào đường cao tốc bởi phương tiện này không đảm bảo yếu tố an toàn cho cả ô tô và mô tô khi tham gia giao thông ở tốc độ cao cùng xe ô tô. Tại Hàn Quốc, chúng tôi cũng cấm không cho mô tô lưu thông trên đường cao tốc, vì hệ số an toàn của 2 loại phương tiện này khác nhau. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.