Phần cứng, phần mềm đều gặp khó
Trong những năm qua, thị trường điện thoại di động có sự tham gia của nhiều dòng điện thoại thương hiệu Việt như
Q-Mobile của Viễn thông An Bình ABTel), Lotus S2 của Công ty CP Công nghệ Bưu chính Viễn thông VNPT, Win của FPT Trading, Mobiistar của Mobile Star Crop, điện thoại Viettel của Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Hanel của Công ty TNHH Hanel…
rước khi điện thoại thương hiệu Việt xuất hiện, đã có một thời gian, ngành CNTT nước nhà đã từng kỳ vọng rất nhiều tới những dòng máy tính giá rẻ do chính người Việt sản xuất, lắp ráp. Thế nhưng, cho tới thời điểm này, máy tính thương hiệu Việt cũng không thể trụ vững trên thị trường do không thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.
Không chỉ phần cứng, mà ngay cả phần mềm, ứng dụng, dịch vụ sản phẩm CNTT mang thương hiệu Việt cũng chật vật tìm lối đi. Cách đây gần nửa năm, sản phẩm trò chơi điện tử mang tên Flappy Bird gây sốt trên thế giới trong cộng đồng ứng dụng giải trí cho các thiết bị mobile. Thế nhưng, niềm vui thương hiệu Việt Nam ở nước ngoài mới dấy lên chưa được bao lâu thì sản phẩm đã “chết yểu” vì lý do cả chủ quan lẫn khách quan.
TS Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch công ty TMA, một trong những công ty phần mềm và dịch vụ CNTT hàng đầu Việt Nam, chia sẻ Việt Nam cũng có một số sản phẩm công nghệ phần mềm được sử dụng rộng rãi như các sản phẩm giáo dục (từ điển Lạc Việt, giáo dục trực tuyến Zuni), mạng xã hội (Zing me, Zalo), phần mềm kế toán (Misa)… nhưng số này còn ít. Hơn nữa, chúng cũng chưa thành công về thương mại, vì vậy các doanh nghiệp ít có khả năng tài chính để tiếp tục duy trì và phát triển các sản phẩm.
Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT
Theo đánh giá của các chuyên gia, các dòng điện thoại thương hiệu Việt vẫn chưa được công nhận là điện thoại mang thương hiệu quốc gia. Lý do là mặc dù được gắn mác “made in Vietnam”, song tỉ lệ linh kiện Việt trong mỗi chiếc điện thoại vẫn chiếm rất ít. Trên thực tế, các sản phẩm này chỉ có ý tưởng và gia công là tại Việt Nam, phần còn lại là linh kiện vẫn phải nhập khẩu. Chưa kể, do chạy theo thị hiếu của người tiêu dùng và muốn đánh vào phân khúc thị trường bình dân, nên những sản phẩm này tuy có nhiều ứng dụng, cảm ứng nhưng độ nhạy và mẫu mã không đẹp, không tinh xảo. Chính vì vậy, những sản phẩm này mặc dù chỉ có giá từ 1 triệu đồng đến gần 3 triệu đồng nhưng vẫn chưa hấp dẫn người tiêu dùng.
Ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Công ty Lạc Việt, một trong những công ty có nhiều sản phẩm phần mềm nổi tiếng “made in Vietnam” cho rằng, mặc dù Lạc Việt đã ứng dụng công nghệ điện toán hiện đại nhất để liên tục đổi mới sản phẩm nhưng khó khăn lớn là định hướng phát triển công nghệ ở Việt Nam chưa thực sự nhất quán.
Một lý do nữa là các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa chú trọng sử dụng hàng “made in Vietnam” khi xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ. Thậm chí, cả các cơ quan Nhà nước cũng chưa quan tâm đến ứng dụng CNTT, trong đó có việc thuê dịch vụ CNTT. Ông Nguyễn Tiến Hưng, Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), cho biết nguyên nhân do các cơ quan Nhà nước chưa thấy lợi ích của việc thuê dịch vụ CNTT, mà vẫn quen với việc dự toán chi đầu tư, mua sắm hơn là dự toán để thuê ngoài.
Thống kê của Bộ TTTT, hiện nay cả nước có hơn 200 doanh nghiệp lĩnh vực CNTT, chuyên sản xuất các sản phẩm, ứng dụng, dịch vụ. Bộ TTTT đang hoàn thiện dự thảo dựa trên Nghị quyết 36-NQ/TW với 8 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, trong đó có các nội dung đổi mới, nâng cao nhận thức và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với ứng dụng, phát triển CNTT; xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật cũng như tài chính và đầu tư cho ứng dụng, phát triển CNTT; ưu tiên sử dụng các sản phẩm CNTT trong nước; ứng dụng CNTT rộng rãi, chú trọng trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, nhất là các ngành kinh tế kỹ thuật, trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội…
Theo Tin tức
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.