Những ngày qua, trên công trường cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết, các nhà thầu vẫn không ngừng nỗ lực hoàn thiện các hạng mục còn lại để khánh thành. Thế nhưng tại nhiều cầu vượt nút giao, nỗi lo thiếu vật liệu đất đắp vẫn tồn tại. Hiện nhà thầu đang phải mua đất đắp của các mỏ vật liệu tại các tỉnh khác để đảm bảo kịp tiến độ. Tuy nhiên với khối lượng đất đắp khá lớn, quãng đường di chuyển xa, giá thành cao khiến nhà thầu gặp khó khăn lớn và có nguy cơ lỗ nặng.
Theo báo cáo của Ban QLDA 7 cho biết, toàn tuyến cao tốc này đang thiếu hơn 800.000m3 đất đắp. Thế nhưng 6 mỏ đất được cấp phép theo cơ chế đặc thù đã dừng hoạt động nhiều tháng qua vẫn chưa được gia hạn. Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, trong Nghị quyết 31, Chính phủ đồng ý cho phép UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, cấp lại giấy phép cho các mỏ này. Tuy nhiên, theo luật không có quy định cấp lại mà chỉ có cấp mới. Hiện UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ Giao thông Vận tải đang báo cáo xin Chính phủ xem xét lại Nghị quyết 31 theo hướng cho phép gia hạn mỏ. Chính vì vậy, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể giải quyết tình trạng thiếu đất đắp cho tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết.
Ông Phan Văn Đăng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, trước đây địa phương rất chủ động hỗ trợ nhà thầu theo hướng là gia hạn các mỏ đất đắp này. Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ TN&MT thì 6 mỏ đất đắp phục vụ cho cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết không đủ điều kiện để gia hạn, phải cấp mới. Trong khi đó, thủ tục cấp mới phải thông qua 12 bước, ít nhất phải 6 tháng mới xong. Nghị quyết số 31 của Chính phủ tháo gỡ khó khăn do thủ tục cấp phép kéo dài, đề nghị tỉnh Bình Thuận cấp lại. Thế nhưng cụm từ "cấp lại" khiến tỉnh Bình Thuận lúng túng, chưa thể tháo gỡ cho nhà thầu do không có trong thủ tục Luật khoáng sản. Việc cấp lại là cấp mới hay gia hạn mỏ cũ vẫn chưa được làm rõ, bên cạnh đó, thủ tục cấp mới chỉ lược bỏ 2 bước, do vậy thời gian vẫn sẽ kéo dài.
Về tình hình thi công tại dự án, ông Phạm Quốc Huy, giám đốc điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết cho biết, hiện toàn dự án có 18 dây chuyền thi công bê tông nhựa,11 dây chuyền thi công cấp phối đá dăm với hơn 554 máy thi công, hơn 500 xe vận chuyển và trên 2.210 nhân công, lái xe máy.
Ông Huy cũng chia sẻ, hiện các mỏ đất không được tiếp tục khai thác đang làm gián đoạn công tác thi công nền đường gom, nút giao, đường đầu cầu vượt. Đến giữa tháng 2/2023, các nhà thầu mới có động thái mua đất từ các mỏ thương mại ở xa công trường (cách từ 15-30Km) để triển khai thi công lại các mũi đắp nền.
Bên cạnh đó, các nhà thầu thiếu hụt tài chính trầm trọng dẫn đến gián đoạn nguồn cấp vật liệu, nhiên liệu cho dự án như các đơn vị: Cường Thịnh Thi, Nhạc Sơn, Phúc Lộc, Cienco8, Vinaconex. Các nhà thầu đã tập trung, huy động để thi công nhưng còn một số đơn vị còn chưa thực sự quyết liệt như: Tổng công ty Thăng Long, Cường Thịnh Thi, Nhạc Sơn, Cienco 8, Vinaconex, VNCN EC. Nhiều hạng mục ATGT (dải phân cách giữa, hộ lan, biển báo), gia cố mái taluy, rãnh thoát nước dọc… có thể triển khai thi công nhưng các đơn vị chưa huy động đủ nhân sự, thiết bị, vật tư theo yêu cầu để triển khai thi công.
Hiện nay các nhà thầu đang rất tích cực triển khai thi công, Ban QLDA7 đang kiểm soát sát sao tiến độ điều chỉnh và có kế hoạch thi công bù khối lượng, sản lượng thi công chậm. Ngoài việc tập trung tối đa nguồn lực, tiếp tục bổ sung máy móc thiết bị, đặc biệt là duy trì tổ chức thi công 3 ca 4 kíp và đảm bảo nguồn tài chính để phục vụ thi công và hoàn thành theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.