Ngày 14/6, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, đơn vị này vừa trình Bộ GTVT kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát cảng, bến thủy nội địa trên các tuyến đường thủy quốc gia, địa phương trên phạm vi toàn quốc. Thời gian dự kiến tổng kiểm tra từ 1/7 – 31/12/2024, nhằm kiểm tra thực tế, đánh giá hiện trạng của hệ thống cảng, bến thủy, khu neo đậu phương tiện thủy trên toàn quốc, trong đó đặc biệt là cảng, bến thủy không có giấy phép để đánh giá nguy cơ mất ATGT đường thủy, an toàn công trình và có các giải pháp giải quyết tình trạng nhiều cảng, bến thủy hoạt động không có giấy phép trong thời gian dài.
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, tính đến hết năm 2023, trên toàn quốc có 310 cảng thủy (202 cảng hàng hóa, 11 cảng hành khách và 97 cảng chuyên dùng), trong đó trên đường thủy quốc gia có 274 cảng, tuyến địa phương có 36 cảng. Tổng số bến thủy trên toàn quốc là 6.062 bến (3.114 bến trên tuyến quốc gia, 1.667 bến trên tuyến địa phương), trong đó 1.271 bến hoạt động không có giấy phép (tuyến quốc gia có 959 bến, tuyến địa phương có 315 bến).
"Còn ước tính đến thời điểm này, tổng số cảng, bến thủy hoạt động không có phép khoảng hơn 1.900 bến. Một trong nguyên nhân số cảng, bến không phép gia tăng có thể do các địa phương điều chỉnh quy hoạch nên nhiều bến không còn được gia hạn giấy phép hoạt động", theo Phòng Vận tải – ATGT, Cục Đường thủy nội địa VN.
Ngoài ra, nhiều địa phương chưa lập, phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông đường thủy, nhất là quy hoạch bến thủy nội địa hoặc quy hoạch không phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho đơn vị, cá nhân có nhu cầu mở bến thủy và khó cho cơ quan cấp phép mở bến.
"Số lượng các bến thủy hoạt động không phép, bến hết hạn hoạt động chưa được cấp lại hiện nay còn lại rất nhiều, nằm đan xen với các bến đã được cấp phép hoạt động, gây ra sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể, các phương tiện thủy vào, rời các bến không phép không được kiểm tra, kiểm soát, nộp phí như phương tiện hoạt động tại bến có phép, là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra TNGT.
Về phía các chủ bến thủy không phép, nhiều chủ bến gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục về quy hoạch, đất đai, đê điều, hành lang bảo vệ cầu… nên không hoàn thiện được hồ sơ xin cấp phép. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương chưa thật quyết liệt trong việc xử lý các bến thủy hoạt động không phép", Cục Đường thủy nội địa VN đánh giá.
Một trong giải pháp được Cục Đường thủy nội địa VN đề xuất, kiến nghị là ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý đường thủy nội địa, trong đó quy định theo hướng: UBND cấp tỉnh chủ trì, tổ chức giải tỏa, cưỡng chế, giám sát các cảng, bến, khu neo đậu, vùng chuyển tải, vùng neo chờ không đủ điều kiện hoạt động và các công trình, nhà hàng nổi, khách sạn nổi hoạt động trái quy định, hoặc theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Về thẩm quyền cấp phép bến thủy, từ 10/3/2024, Nghị định số 06/2024/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2021 quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa), UBND cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền thỏa thuận xây dựng bến thủy nội địa (vị trí, công năng, quy mô xây dựng cảng, bến thủy) từ Sở GTVT về UBND cấp huyện.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.