Một số bến thủy không phép trên sông Trà Lý, khu vực thượng lưu cầu Trà Lý, thuộc địa phận huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình
Những ngày gần giữa tháng 11/2023, PV Tạp chí GTVT ghi nhận ở cả hai phía bờ sông Trà Lý khu vực thượng lưu cầu Trà Lý (trên QL37B, nối huyện Tiền Hải và Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) diễn ra hoạt động tấp nập của khoảng chục bến thủy nội địa không phép.
Các bến này rộng hàng nghìn mét vuông nhưng không hề có báo hiệu bến thủy, với bãi chứa (cát, đá, đất…) lấn sát theo dọc theo chân đê chắn sóng, xây nhà kiên cố trên bãi chứa và xẻ đê để làm đường cho xe ô tô vận chuyển hàng hóa từ bến bãi lên đê, gây mất an toàn đê chắn sóng; có bến nằm ngay dưới biển báo cấm phương tiện thủy neo đậu…
Dù là bến không phép nhưng các phương tiện thủy ra, vào hoạt động tại các bến này đều có trọng tải lớn, từ vài trăm đến hơn 1.000 tấn mà không bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt. Trong khi đó, dễ bắt gặp hình ảnh các phương tiện neo đậu tùy tiện trên luồng ngay phía trước các bến, gây nguy cơ xảy ra TNGT đường thủy.
Khảo sát các khu vực sông Trà Lý khác, như qua địa phận TP. Thái Bình, huyện Kiến Xương hay sông Hồng qua địa phận huyện Vũ Thư... cũng bắt gặp các trường hợp vi phạm như trên. Theo Đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Thái Bình (trực thuộc Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khu vực II), từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị này phối hợp với các lực lượng liên ngành kiểm tra 63 cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Trong đó, phát hiện và xử phạt 3 trường hợp bến có hành vi tổ chức cho phương tiện vào neo đậu, xếp dỡ hàng hóa tại vị trí chưa được công bố, cấp giấy phép hoạt động cảng, bến thủy nội địa theo quy định, với số tiền hơn 137 triệu đồng.
Bến thủy và công trình xây dựng kiên cố không phép tại khu vực K14 đê tả sông Trà Lý, địa phận huyện Thái Thụy. Phương tiện thủy chở hàng thường xuyên đậu đỗ lộn xộn, lấn chiếm luồng trước khu vực bến thủy không phép
Tuy vậy, vi phạm về hoạt động bến thủy trên địa bàn tỉnh Thái Bình vẫn khá phức tạp, bởi hiện trên 4 tuyến đường thủy quốc gia qua địa phận tỉnh Thái Bình (sông Hồng, Trà Lý, Luộc, Hóa) có tới 23 bến thủy hoạt động không phép và 34 bến đã hết hạn hoạt động.
"Đầu tháng 11/2023, Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Thái Bình có văn bản đề nghị Sở GTVT Thái Bình báo cáo Ban ATGT tỉnh để đề nghị UBND tỉnh Thái Bình có ý kiến chỉ đạo các địa phương phối hợp kiểm tra, xử lý đối với các bến thủy nội địa hết hạn hoạt động, hoạt động không phép.
Trường hợp bến đã được quy hoạch, có khả năng công bố thì phối hợp hướng dẫn chủ bến hoàn thiện hồ sơ để được công bố hoạt động. Trường hợp bến không nằm trong quy hoạch, vi phạm hành lang bảo vệ các công trình thì kiên quyết giải tỏa theo quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa, Nghị định số 08/2021 ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa", lãnh đạo Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II cho biết. Nói thêm, còn theo thống kê của Đội Thanh tra - an toàn số 4 (Chi cục ĐTNĐ khu vực I), tại địa phương này có khoảng 147 bến thủy không phép và 29 bến thủy đã hết hạn hoạt động.
Cùng với bến thủy không phép, tình trạng trạm trộn bê tông không phép (thường gắn liền với bãi chứa vật liệu, bến thủy) được đặt trên bãi sông cũng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều và gây mất ATGT. Bởi các trạm trộn bê tông đặt ngoài bãi sông thường gắn với hoạt động của bến thủy không phép, mở đường qua đê để xe tải chở vật liệu, thành phẩm ra vào trạm trộn.
Trạm trộn bê tông không phép bãi ven sông Trà Lý khu vực K11+500 đê tả (địa phận xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy (từng bị đơn vị quản lý đê điều đình chỉ hoạt động), trong cùng khu vực này là một bến thủy nội địa
Ông Bùi Quang Lệ, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình) cho biết, năm 2023, vi phạm tại các tuyến đê trên địa bàn các huyện, thành phố thuộc tỉnh có diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, năm 2022 phát sinh 41 vụ vi phạm mới, đến năm 2023 tăng 42 vụ vi phạm mới.
Cũng theo đơn vị trên, thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và Chỉ thị số 18/CT-UBND 21/10/2019 của UBND tỉnh Thái Bình về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý bãi sông, bãi triều ven biển, đến nay toàn tỉnh Thái Bình đã xử lý được 508 vụ vi phạm, trong đó 331 vụ vi phạm tồn đọng của các năm trước, 56 bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng không nằm trong quy hoạch đã được giải tỏa hoặc buộc phải dừng hoạt động.
Tuy nhiên, năm 2023, trên các tuyến đê trên địa bàn vẫn phát sinh các vi phạm mới như làm nhà, công trình, trạm trộn, hàng quán, đào đất, chất thải vật tư…trong phạm vi bảo vệ đê điều và ngoài bãi sông. Điển hình như vi phạm xây dựng trạm trộn bê tông tại bãi sông Hồng tại vị trí K182+600, K181+400; sông Trà Lý tại K41+900, K3+800, K14+020... Ở một số địa phương, số vụ vi phạm xử lý được còn ít hoặc không xử lý dứt điểm nên số vụ vi tồn đọng từ những năm trước còn nhiều.
"Thời gian qua, UBND tỉnh Thái Bình và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn địa phương có nhiều văn bản (mà gần đây nhất là văn bản số 2384 ngày 9/10/2023) yêu cầu chính quyền cấp huyện xử lý, giải quyết triệt để các trường hợp bến thủy, bãi chứa vật liệu, trạm trộn bê tông hoạt động không phép, vi phạm hành lang an toàn đê. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, đơn vị quản lý đê điều (trực thuộc Chi cục Thủy lợi) chỉ có thể lập biên bản, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính, còn để xử lý dứt điểm phải do chính quyền cấp huyện cưỡng chế hoặc có biện pháp xử lý mạnh hơn", ông Lệ nói
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.