Kiến nghị đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo phương án mới

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 28/10/2022 09:14

Nhà thầu thẩm tra nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam kiến nghị nghiên cứu dự án với tốc độ thiết kế 250km/h, đầu tư theo 3 giai đoạn.

Nhà thầu thẩm tra kiến nghị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo phương án mới - Ảnh 1.

Một tuyến tàu đường sắt tốc độ cao trên thế giới - Ảnh internet

Liên danh tư vấn Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại học GTVT, Công ty TNHH Evo mc, Công ty Ove Arup & Partners Hong Kong Limited, Công ty CP Tư vấn xây dựng và thương mại Hưng Phú (nhà thầu tư vấn được Hội đồng thẩm định nhà nước dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam lựa chọn qua đấu thầu quốc tế) vừa công bố kết quả thẩm tra báo cáo tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mà Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất và trình Chính phủ năm 2019.

Từ phân tích của mình, liên danh tư vấn thẩm tra kiến nghị lựa chọn đầu tư tuyến dành cho tàu tốc độ thiết kế 250 km/h, tốc độ khai thác 225 km/h để chạy hỗn hợp tàu khách và tàu hàng trên trục Bắc - Nam. Với cấp tốc độ này, chi phí vận hành bằng 82%, chi phí tiêu thụ năng lượng bằng 72% so với tàu tốc độ 350 km/h.

Lý do chính để đề xuất như: cấp tốc độ này có thể vận hành hỗn hợp tàu khách và tàu hàng, các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận làm chủ công nghệ đường sắt đô thị, xu thế của các dự án đường sắt tốc độ cao ở châu Âu đều đã giảm tốc độ khai thác từ trên 300km/h xuống 200-250km/h và vận hành hỗn hợp để tiết kiệm chi phí, tham khảo các dự án đang đầu tư, chuẩn bị đưa vào khai thác; xu thế phát triển các đoàn tàu có thị phần lớn trên thế giới (các hãng: Siemens, Huyndai Rotem) chỉ vận hành với tốc độ khai thác tối đa 250-260km/h.

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam cũng được tư vấn kiến nghị điều chỉnh theo hướng duỗi thẳng, không bám theo các khu dân cư hiện hữu để giảm chi phí giải phóng mặt bằng, với chiều dài rút ngắn 36,24km tuyến và 82,99km hầm so với đề xuất tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Theo đó, tư vấn thẩm tra đề xuất xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng chiều dài 1.508,6km (điểm đầu Ngọc Hồi, điểm cuối Thủ Thiêm). Tốc độ thiết kế chạy tàu 250km cho tàu khách và tàu hàng cao tốc; 180km/h cho tàu khách liên vùng và tàu hàng container. Tổng số có 50 nhà ga hành khách và hàng hóa trên tuyến.

Tổng mức vốn đầu tư là 61,67 tỷ USD, tương đương 1.421.520 tỷ đồng; từ nguồn: đấu giá bất động sản tại khu vực 50 nhà ga, đầu tư công (chiếm 2,51%), vay từ quỹ tăng trưởng xanh, vốn trái phiếu công trình, vốn tư nhân tham gia mô hình đầu tư công tư (PPP).

Dự án được chuẩn bị trong giai đoạn 2023-2025, thực hiện trong 3 giai đoạn: năm 2025-2031: xây dựng đoạn Thủ Thiêm – Nha Trang; năm 2031-2038: xây dựng đoạn Hà Nội – Đà Nẵng; năm 2038-2041: xây dựng đoạn Đà Nẵng – Nha Trang.

Với phương án trên, tư vấn dự kiến giá vé là 925đồng/km (tương ứng vé chặng Hà Nội – TP.HCM là 1.395.455 đồng/vé); cước phí hàng hóa trung bình 1.498 đồng/tấn/km.

Ngoài doanh thu từ bán vé hành khách, tuyến đường sắt này có nguồn thu từ vận chuyển hàng hóa, cho thuê mặt bằng thương mại tại các ga; dự kiến sau khi hoàn thành tuyến đạt 12,07 tỷ USD/năm, đảm bảo không phải bù lỗ từ Chính phủ.

Chính phủ giao hai Bộ thống nhất phương án đề xuất

Theo Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp ngày 22/8/2022 về Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT được giao khẩn trương làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phân tích, so sánh, thống nhất lựa chọn, đề xuất phương án đầu tư xây dựng tối ưu, nhất là tốc độ và hình thức vận chuyển, lộ trình, thời gian chuẩn bị, thực hiện, hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Trong khi đó, theo đề xuất của Bộ GTVT tại nghiên cứu báo cáo tiền khả thi dự án, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác tối đa 320 km/h; với 23 nhà ga.

Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án khoảng 58,71 tỷ USD (gồm các chi phí: giải phóng mặt bằng 1,98 tỷ USD; xây dựng 31,58 tỷ USD, thiết bị 15 tỷ USD; QLDA, tư vấn và chi phí khác 5,82 tỷ USD; chi phí dự phòng 4,07 tỷ USD).

Để bảo đảm hiệu quả đầu tư và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, nhu cầu vận tải, dự án được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1: Đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh (665 km, tổng mức đầu tư dự kiến 24,72 tỉ USD), gồm: chuẩn bị đầu tư cho toàn tuyến giai đoạn 2020 - 2026, thi công giai đoạn 2027 - 2031, đưa vào khai thác khoảng năm 2032.

Giai đoạn 2: Đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang (894 km; tổng mức đầu tư dự kiến 33,99 tỉ USD) để nối thông toàn tuyến, với mục tiêu khoảng năm 2040 đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng; khoảng năm 2045 - 2050 khai thác đoạn Đà Nẵng - Nha Trang.

Theo Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT), theo quy trình, sau khi Hội đồng thẩm định nhà nước về dự án có kết quả thẩm định chính thức, Bộ GTVT trên cơ sở nghiên cứu, thẩm định tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định nhà nước) cũng từng đề xuất Chính phủ phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư khoảng 26 tỷ USD, với tốc độ 200 km/h và kết hợp tàu chở hàng, chở khách.

Ý kiến của bạn

Bình luận